Chuyến phá thuỷ lôi năm âý
Vừa qua bác Lê văn Kỳ, nguyên Cục trưởng Cục Đường Biển,,người chỉ huy tối cao của ngành Đường Biển trong chiến dịch chống phong tỏa đường biển bằng thủy lôi của địch, có đến chơi và nói tôi viết một bài về chuyến đi thí nghiệm phá lôi bằng thiết bị tự thiết kế và chế tạo của ngành đường biển thành công lần đầu tiên tại cửa Lạch Giang (sông Ninh Cơ)
Chuyện đã hơn 30 năm rồi, khó nhớ lại mọi chi tiết nhưng đó là một kỷ niệm không bao giờ tôi quên về những năm tháng ác liệt của chiến tranh, những năm tháng mà đội ngũ trí thức trẻ cuả Cục Đường Biển hiến dâng cả trái tim,khối óc của mình cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.
Ngay từ khi Mỹ thả những quả thủy lôi đầu tiên, tổ nghiên cưú cuả Cục Đường Biển được thành lập. Chúng tôi đã cho ra đời các thiết bị rà phá lôi PĐ-67/1, PĐ-67/2, PĐ-67/3
Mỗi thiết bị đều được mang ra hiện trường thí nghiệm và sau đó được cải tiến. Thiết bị sau mạnh hơn thiết bị trước
PĐ-67/3 là ống từ có lõi bằng tôn silic gọn nhẹ, hiệu lực gây nổ MK-42 ở cự ly 30-50m
Điều chúng tôi tâm đắc nhất là PĐ-67/3 đã được tự động hóa. Sau khi đóng điện, thiết bị tự dộng phóng ra các xung từ theo chu kỳ thiết kế. Từ xa ta có thể kiểm tra sự hoạt động của thiết bị qua một đèn tín hiệu.
Chúng tôi háo hức cùng tổ của đồng chí Thái Phong đi thử taị các nơi có thuỷ lôi ở các khu vực quanh thành phố. Các quả thuỷ lôi này đã được rà đi rà lại nhiều lần bằng tôn và nam châm nhưng đều không nổ. Khi đưa PĐ-67/3 đi rà cũng không có kết quả. Anh em bứt rứt, nghi ngờ hiệu lực của thiết bị.
Giữa lúc đó đồng chí Vũ Long Vân, phó ty Bảo Đảm Hàng Hải mang đến cho chúng tôi một tin vui: Anh em đã để phần cho chúng tôi 2 quả thuỷ lôi chưa bị rà phá bằng các phương tiện thô sơ. Vị trí đã được đánh dấu cẩn thận.
Theo sự phân công của tổ, tôi và đồng chí Trần Công Chánh haó hức chuẩn bị thiết bị và lên đường ngay. Lúc đó nhà tôi mới sinh cháu đầu được một tháng.Thời kỳ ấy chuyện gia đình là vô cùng nhỏ bé so với sự nghiệp chống Mĩ cứu nước vĩ đại của dân tộc.
Vào tới trạm 3,anh em cũng đã biết tin PĐ-67/3 đã thử ở Hải Phòng nhưng không làm nổ được quả nào nên cũng không được tin tưởng lắm.
Đồng chí Chánh và tôi làm phương án lắp đặt thiết bị trên thuyền và phương án triển khai thiết bị tại hiện trường
Chúng tôi dự tính chờ lúc nước đứng để triển khai. Đồng chí Chánh lo lắp đặt thiết bị sao cho chắc chắn và cân bằng để thuyền ổn định.Tôi lo đấu lắp phần điện sao cho bộ phận tự động làm việc tốt, ắc-qui đủ điện để cường độ từ trường phóng ra đảm bảo như tính toán.
Để chắc chắn, đồng chí Phương trạm 3 đã đưa anh Vân,anh Chánh và tôi ra hiện trường,kiểm tra nơi có thuỷ lôi và xác định phương án triển khai:
Thiết bị bố trí trên một thuyền gỗ,dùng một thuyền chèo kéo một bên đi theo phía giữa luồng,cách thuyền thiết bị 90m,một bên dùng người kéo đi trên bờ với đoạn dây dài 100m.
Trở về,chúng tôi hì hục cùng anh em trạm 3 lo lắp đặt thiết bị và triển khai ra hiện trường.
Cách khu vực thủy lôi 500m,chúng tôi đóng điện cho thiết bị hoạt động và triển khai kéo đưa thiết bị vào khu vực có thuỷ lôi.
Anh Vân,anh Chánh và tôi hồi hộp theo dõi thiết bị và đi lần theo trên bờ.Thuyền thiết bị đều đặn nhích về phía hai quả thủy lôi.Bỗng một cột nước đột ngột vút lên,kèm theo một tiếng nổ inh tai.Theo bản năng,tôi rụt cổ và kéo chiếc áo mưa vải bạt trùm kín đầu. Đất bùn rơi ào ào quanh chúng tôi.Sau phút bàng hoàng,chúng tôi ôm lấy nhau reo hò mà nước mắt lưng tròng vì đây là quả thủy lôi đầu tiên mà chúng tôi kích nổ bằng phương tiện chúng tôi thiết kế và chế tạo.Tôi không quên nhìn đồng hồ:lúc đó là 15 giờ 50 phút ngày 17 tháng 2 năm 1968.
Tôi phát hiện trên bờ cát không xa 1 mảnh thủy lôi lớn,kích thước 100x600mm.Tôi chạy tới định nhặt lên nhưng phải rụt tay lại ngay vì nó còn nóng bỏng.Sau,tôi có nhặt về để ở cơ quan làm lưu niệm.
Thủy lôi nổ cách thuyền khoảng gần 30m,thuyền chỉ hơi chao đảo nhưng vẫn an toàn,thiết bị vẫn tiếp thục hoạt động.
Thuyền tiếp tục tiến vào khu vưc có thuỷ lôi. Đến 16 giờ 15 phút,quả thứ 2 nổ,cách thuyền hơn 40m.Thuyền vẫn an toàn,thiết bị vẫn hoạt động tốt.
Do việc triển khai lần đầu nên có lúng túng.Thuyền thiết bị táp vào khu vực gần bãi thuỷ lôi.Phải ra ngắt điện khỏi thiết bị để đưa thiết bị ra khu vực an toàn.Ra ngắt điện lúc này rất nguy hiểm vì có thể có một số thủy lôi sau khi hết thời gian tạm ngừng sẽ trở lại trạng thái chiến đấu-gặp xung từ sẽ nổ,có thể rất gần,gây thương vong.
Tôi không nghĩ đến nguy hiểm mà chỉ lo cho sự an toàn của thiết bị nên đã chạy ra ngắt điện nhưng đúng lúc ấy, đồng chí Chánh đã ngăn tôi lại và anh nói: “Anh để tôi ra ngắt cho,nguy hiểm đấy.Anh vừa có con đầu lòng”.
Đến bây giờ tôi vẫn không quên được hình ảnh và lờì nói mộc mạc và thân thương ấy.Lúc ấy người ta sẵn sàng cho nhau cả mạng sống.
Đợt ra quân thí nghiệm này của chúng tôi kết quả thật tốt đẹp. PĐ-67/3 làm nổ được 7 quả thủy lôi. Sau đó cho tăng kít kiểm tra và thông luồng.
Sau đợt thí nghiệm thành công này chúng tôi được phép sản xuất 40 bộ PĐ-67/3 cung cấp cho các nơi, chủ yếu là đường sông và các bến phà.
Sau đó là những ngày nhận được tin vui từ khắp nơi có PĐ-67/3 rà phá: Số lượng thuỷ lôi được rà phá,số lượng tuyến luồng được thông, thời gian thông luồng ngày càng giảm.
Những khích lệ này đã chắp cánh cho chúng tôi để học hỏi, đúc rút kinh nghiệm, chế tạo được nhiều thiết bị rà phá thủy lôi mà đỉnh cao là ĐB-72/3, được anh em trìu mến,tin tưởng tặng danh hiệu “Vua rà phá”.
Hơn 30 năm đã qua, kể từ ngày thành công đầu tiên ấy, đất nước ta đã có biết bao thay đổi. Nhưng có cái không thay đổi: Chúng ta, dân tộc ta vẫn giữ nguyên được dũng khí hào hùng, trí thông minh sáng tạo,không sợ hy sinh gian khổ,sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc thân yêu.
Tháng 9 năm 1998
Nguyễn Ngọc Linh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét