Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 19 tháng 9, 2011

Hàm Châu,Nguyễn Lân Dũng,Nguyễn Lãm,Vũ Minh Mão viết về sự ra đi của GS Vũ Đình Cự

09/09/2011 02:00:29 PM
untitled3.jpg
Nguyên Phó chủ tịch Quốc hội Vũ Đình Cự (ở giữa).

Giáo sư Vũ Đình Cự từ trần

ICTnews - Theo tin từ Văn phòng Quốc hội, GS, TSKH Vũ Đình Cự, Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng khóa VII, VIII, Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam đã đột ngột từ trần vào ngày 7/9/2011 tại Bệnh viện Quân đội 108 sau một cơn bệnh hiểm nghèo.

vu-dinh-cu.jpg

GS, TSKH Vũ Đình Cự sinh ngày 15/2/1936 tại xã Đông Xuân, huyện Đông Hưng, Thái Bình. Ông từng là cán bộ giảng dạy của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội từ năm 1956, tổ trưởng Bộ môn Vật lý chất rắn; những năm 1960 - 1967 ông tốt nghiệp học vị tiến sỹ và tiến sỹ khoa học về vật lý chất rắn tại Trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp (Liên Xô); năm 1977, ông là Phó Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam; từ năm 1984, kiêm giữ chức Viện trưởng Viện Công nghệ Quốc gia; ông là Ủy viên BCH Trung ương Đảng các khóa VII, VIII; từ năm 1992, ông là Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (khóa IX); năm 1997, ông là Phó Chủ tịch Quốc hội kiêm Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (khóa X). Với những cống hiến to lớn của mình, ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ (công trình tập thể); Huân chương Lao động hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến hạng Nhì; Huân chương Chiến công hạng Nhì, Huân chương Độc lập hạng nhất.

Lúc sinh thời, GS, TSKH Vũ Đình Cự luôn gắn bó và có những đóng góp to lớn trong việc phát triển các lĩnh vực KH-CN nói chung và ngành BCVT, CNTT Việt Nam nói riêng. Trên các cương vị công tác của mình, GS, TSKH Vũ Đình Cự luôn nỗ lực không biết mệt mỏi cho sự phát triển của KH, CN, nhất là CNTT-TT ở Việt Nam, từ việc ban hành các chủ trương, cơ chế, chính sách, đến việc phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức, thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng … Ông đã được Tổng cục Bưu điện tặng Huy chương Vì sự nghiệp Bưu điện (năm 2002)

GS, TSKH Vũ Đình Cự cũng là cộng tác viên thân thiết của Báo Bưu điện Việt Nam trong những năm qua. Không chỉ viết cho Báo nhiều bài viết sâu sắc, uyên bác về những phát kiến, những vấn đề mới nhất của khoa học, công nghệ cao, ông còn thường xuyên có sự quan tâm, cho ý kiến về sự phát triển của Báo.

Báo Bưu điện Việt Nam xin bày tỏ lòng tiếc thương sâu sắc về sự ra đi của GS, TSKH Vũ Đình Cự và xin chia buồn cùng gia quyến của GS.

Bưu điện Việt Nam

Nguyễn Lãm
Ấn tượng sâu sắc mà GS, TSKH Vũ Đình Cự ghi đậm trong lòng tôi là sự ham mê nghiên cứu khoa học, tinh thần trách nhiệm cao và sự gần gũi, trao đổi thẳng thắn. Ông đã qua đời ngày 7/9/2011, sau nhiều năm gắn bó với Điện tử - Tin học - Viễn thông.

GS TSKH Vũ Đình Cự.
Tôi được biết GS từ những năm 60 của thế kỷ trước khi GS đang làm nghiên cứu sinh ở Đại học Lômônôxôp. Về nước thì mãi đến năm 1990, tôi mới có dịp làm việc cùng GS trong chương trình Điện tử - Tin học - Viễn thông do GS làm chủ nhiệm. Ấn tượng sâu sắc mà GS ghi đậm trong lòng tôi là sự ham mê nghiên cứu khoa học, tinh thần trách nhiệm cao và sự gần gũi, trao đổi thẳng thắn. GS mong muốn gắn các lĩnh vực điện tử, tin học và viễn thông vào một hướng tạo ra các sản phẩm công nghệ cao nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước. Thông qua chương trình này mà tin học tiếp tục xâm nhập sâu vào bộ máy cơ quan nhà nước từ Văn phòng Quốc hội, Văn phòng chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng, đến các bộ, ngành, các địa phương.

Chẳng hạn, đề tài “Xây dựng hệ thống thông tin tư liệu các dữ liệu về khoa học, công nghệ và môi trường” do ông Vũ Minh Mão - Văn phòng Quốc hội làm chủ nhiệm cũng đã xây dựng được một cơ sở ban đầu cho hệ thống thông tin khoa học, công nghệ, môi trường của Quốc hội, chuẩn bị cho việc triển khai một dự án được đầu tư lớn hơn cho hệ thống này. Một số ý tưởng ứng dụng tin học táo bạo như Hội chẩn bệnh từ xa rồi phát triển cho phẫu thuật từ xa mà gần đây nhất truyền hình có đưa tin phẫu thuật ở Trường sa với sự trợ giúp trực tuyến của đất liền cũng phôi thai từ chương trình này.

GS Vũ Đình Cự sinh ngày 15/2/1936 tại xã Đông Xuân, huyện Đông Hưng, Thái Bình.

Ông từng là cán bộ giảng dạy của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Từ năm 1960 đến năm 1967 ông là nghiên cứu sinh của Trường Đại học Tổng hợp Lô-mô-nô-xốp (Liên Xô), bảo vệ thành công Phó tiến sĩ, rồi Tiến sĩ khoa học tại đây.

Về nước, sau khi rời trường ĐH Bách khoa, ông là Phó Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam kiêm giữ chức Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia (1984-1992). Ông là Ủy viên BCH Trung ương Đảng các khóa 7, 8; Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khóa 9; Phó Chủ tịch Quốc hội kiêm Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khóa 10, 1997 - 2002.

GS đã được tặng thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ (công trình tập thể); Huân chương Lao động hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến hạng Nhì; Huân chương Chiến công hạng Nhì, Huân chương Độc lập hạng nhất.

Vào dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Hội Tin học Việt nam (17/12/1988 - 17/12/2008), GS đã gửi gắm tâm tình của mình trong bài “20 năm CNTT-TT gian nan mà anh dũng”. Bài viết đã thể hiện phần nào trí tuệ của GS qua những dự báo về một số xu hướng phát triển CNTT-TT đến năm 2020, như khả năng đột phá của máy tính lượng tử, sự tích hợp điện thoại di động và máy tính bỏ túi, sự phát triển Internet, điện toán lưới, điện toán mây, sự tích hợp CNTT-TT với công nghệ sinh học, công nghệ nano, công nghệ vật liệu tiên tiến tạo ra những sản phẩm mới. GS dự báo dung lượng thông tin khổng lồ mà loài người tạo ra đến năm 2020 sẽ bằng 115 exabytes và sức tạo nội dung trung bình của mỗi người sẽ là 15GB. GS có một nhận xét hóm hỉnh, sâu sắc: “Vì sự vô giá của thông tin, tri thức nên sự phát triển của CNTT-TT chỉ sinh ra nhiều tỷ phú mà chậm làm cho thế giới “phẳng ra””.

Ngành CNTT-TT nước ta đang cố gắng làm cho những điều GS đã gửi gắm trong dịp kỷ niệm 20 năm Thành lập Hội Tin học Việt Nam trở thành hiện thực. Khi đó ông viết: “CNTT-TT cho năm 2020 phải là một bước tiến mạnh mẽ vượt qua được các thách thức, chắc chắn rất ghê gớm, để kịp bước của tương lai; dựa vào nguồn lực trong nước đồng thời liên doanh để có thêm nguồn lực nước ngoài; đào tạo nguồn lực chuyên gia với cách làm đa dạng, nhiều chiều; tăng dịch vụ thiết kế trong lĩnh vực CNTT-TT; có khuyến khích đặc biệt và quỹ rủi ro cho các loại máy vạn năng bỏ túi; tiếp cận sớm với máy tính rẻ cho mẫu giáo và tiểu học; có ngay các xí nghiệp chế tạo vật liệu mới, linh kiện phụ trợ nhằm vào một loạt máy móc hoặc xuất khẩu, dựa vào thế mạnh về vật liệu sẵn có mà lại cần cho CNTT-TT…”.

Trước sự ra đi của GS, tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình GS và đồng nghiệp.

Vũ Đình Cự – đam mê khoa học

Tôi quen anh Cự từ thuở hàn vi. Căn phòng anh ở và làm việc rộng 10m2 nằm cạnh tòa nhà A trong khu Bách khoa. Trong phòng kê một tấm bảng lớn, một giá sách, một cái bàn con. Dạo ấy chưa có máy vi tính nên cuốn sách, cây bút và viên phấn là ba “người bạn chí cốt” của anh. Kể ra anh còn có thêm một “người bạn” nữa: phòng thí nghiệm. Buổi tối chủ nhật, anh cũng xin nhà trường cho phép được “sống chung” với “người bạn” ấy!

Nếu nhìn lên căn gác nhỏ đầu cầu thang A mà không thấy sáng đèn, tức là anh Cự đang ở phòng thí nghiệm!

Anh đọc nhiều, lần mò tìm hướng nghiên cứu. Lúc bấy giờ, giáo sư Tạ Quang Bửu làm hiệu trưởng trường anh. Giáo sư gợi ý cho anh đi vào một ngành có nhiều ứng dụng: vật lý chất rắn. Chọn được hướng đi rồi, anh cảm thấy khỏi bị lạc lối giữa rừng sách.

Năm 1965 tại Matxcơva, Vũ Đình Cự bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ. Hội đồng khoa học đề nghị nước ta cho phép anh ở lại Liên Xô thêm một thời gian để phát triển công trình thành luận án tiến sĩ khoa học.

Sang giai đoạn này, anh phải tự lập hoàn toàn, không có giáo sư hướng dẫn gợi ý và kiểm tra từng khâu như trước. Phải tự mình vạch ra hướng tìm tòi lý thuyết và tiến hành các thí nghiệm chứng minh. Có những thí nghiệm đòi hỏi phải sáng chế những thiết bị mới toanh, chưa hề có trong bất cứ phòng thí nghiệm tiên tiến nào! Anh Cự đến các nhà máy, nêu ra yêu cầu rồi đặt họ chế tạo theo mẫu thiết kế đơn chiếc do anh sáng chế.

Tháng 3-1967, chỉ 15 tháng sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ, anh Cự bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học. Tại buổi bảo vệ, vị đại diện Trường Lomonosov nói: “Với niềm tự hào, Đại học Matxcơva chúng ta tặng học vị tiến sĩ khoa học toán – lý cho người Việt Nam đầu tiên. Như vậy, chúng ta đã thực hiện lời hứa với các đồng chí lãnh đạo Việt Nam khi các đồng chí ấy đến thăm trường là đào tạo cho Việt Nam những nhà khoa học có trình độ cao. Chúng ta nhờ đồng chí Vũ Đình Cự báo cáo lên Thủ tướng Phạm Văn Đồng kính mến rằng chúng ta đã và sẽ thực hiện lời hứa của mình”.

Các công trình của Vũ Đình Cự được trích dẫn nhiều ở Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Đức… Một tạp chí vật lý quốc tế công bố công trình thực nghiệm của Maccosi và Chen Cheng nhan đề “Sử dụng lý thuyết màng mỏng từ tính của Vu Dinh Ky để chế tạo các bộ nhớ của máy tính điện tử”. “Vu Dinh Ky” chính là họ tên anh Cự được chuyển chữ từ tiếng Nga sang tiếng Anh.

Tại hội nghị quốc tế về màng mỏng năm 1970 ở Tiệp Khắc, đoàn đại biểu Mỹ phân phát một cuốn sách giới thiệu các kết quả ứng dụng “lý thuyết Vu Dinh Ky” để sáng chế linh kiện máy tính. Giới khoa học Pháp cũng thông báo về kết quả ứng dụng “lý thuyết Vu Dinh Ky” để làm bộ nhớ máy tính.

Là một nhà vật lý đam mê nghiên cứu nhưng Vũ Đình Cự không tự nhốt mình trong “tháp ngà” học thuật. Ông lãnh đạo nhóm GK1 (G là giao thông, K là bách khoa) nghiên cứu biện pháp rà phá thủy lôi và bom từ trường trong những năm chống Mỹ. Cùng với hải quân, công binh và các ngành đường biển, đường sông, đường bộ, tổ GK1 đã có những đóng góp xứng đáng, được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Sau ngày đất nước thống nhất, Vũ Đình Cự ngày càng tham gia nhiều hơn vào công tác lãnh đạo khoa học và công nghệ, với những cương vị cao như ủy viên Trung ương Đảng, phó chủ tịch Quốc hội…

Đối với thế hệ trẻ, ông là tấm gương về niềm đam mê khoa học cũng như về thái độ hiến thân cho nghĩa vụ công dân trong những thời khắc nghiệt ngã của lịch sử.

HÀM CHÂU

“Tôi kém anh hai tuổi nhưng anh vẫn giữ tình thân bằng hữu cho mãi đến về sau” – GS Nguyễn Lân Dũng kể về những kỷ niệm với GS. TSKH Vũ Đình Cự.

Tôi học Đại học cùng khóa với GSTSKH.Vũ Đình Cự. Ngay từ hồi ấy anh đã biểu hiện một tài năng đầy triển vọng cùng với các bạn học khác, như các anh Phan Đình Diệu, Nguyễn Văn Hiệu, Đàm Trung Đồn, Phan Văn Thích…
Tôi kém anh hai tuổi nhưng anh vẫn giữ tình thân bằng hữu cho mãi đến về sau , khi anh đã có nhiều công lao hiển hách trong việc chống phá bom từ trường của Mỹ tại Vịnh Bắc Bộ hoặc nhận các trách nhiệm nặng nề như Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học – Cộng nghệ của Quốc hội, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam. Viện trưởng Viện Công nghệ Quốc gia (về sau đổi là Viện Ứng dụng Công nghệ), rồi còn đảm nhiệm cho đến nay chức vụ Chủ tịch Ủy ban Hòa Bình của nước ta. Anh là Ủy viên BCH Trung ương Đảng các khóa VII và VIII.

Giáo sư - TSKH Vũ Đình Cự (giữa) giới thiệu thủy lôi cho các nhà lãnh đạo tối cao của Đảng và Nhà nước. Ảnh: (ảnh tư liệu)
Giáo sư – TSKH Vũ Đình Cự (thứ ba từ trái sang) giới thiệu thủy lôi cho các lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Ảnh tư liệu

Anh thường vui vẻ gặp tôi trong ba khóa Quốc hội với tư cách Khách mời. Lần nào tôi cũng đùa vui với anh về chuyện không chịu lấy vợ. Có lần cách đây đã lâu tôi thử làm mối cho anh với một nữ tiến sĩ, một người tài hoa, lại còn rất trẻ và rất mến mộ tài năng của anh.
Anh ở trong một căn hộ nhỏ tại Khu tập thể Đại học Bách khoa nhưng các tối thứ bảy vào gặp anh đều phải tìm trên Phòng thí nghiệm ,vì anh lên đấy để một mình… đọc sách (!). Anh tiếp đón nhiệt tình và rất vui. Sau ba lần như vậy. Tôi hỏi vui anh “Comment?” (Thế nào?), anh hào hứng trả lời “Parfait” (Hết ý!). Thế là tôi yên chí là mình đã làm được một việc mà chưa ai làm được.
Bẵng đi mấy tuần tôi gặp lại nữ tiến sĩ ấy và được trả lời là “Không thấy anh Cự đến em!”. Tôi vội gặp nhà bác học đãng trí để hỏi, không ngờ câu trả lời là: “Ông ơi, lại phải đến nữa kia à?”. Thật không biết nói gì thêm nữa. Thật đáng tiếc, nữ TS ấy hiện công tác tại TP Hồ Chí Minh và vẫn không kết hôn với ai (!).
Anh là người như thế đấy. Rất dí dỏm, duyên dáng, nhưng chuyện ấy thì thật khó giải thích. Gần đây tôi còn cố một lần nữa bằng câu hỏi: “Ông ơi, đến giờ tôi vẫn có khả năng giới thiệu cho ông”. Vẫn một nụ cười tươi với đôi mắt nheo lại sau cặp kính trắng: “Cảm ơn ông, mình đến giai đoạn tổng kết rồi!”. Tôi không chịu thua: “Ông đã bắt đầu đâu mà đòi tổng kết?”. Anh đúng là người rất dễ gần gũi, rất cởi mở, nhưng chỉ riêng về chuyện này thì có lẽ ít ai dám động đến như tôi.

GS Vũ Đình Cự sinh ngày 15/2/1936, được đào tạo khá sâu tại Nga để có học vị Tiến sĩ Khoa học và do những cống hiến xuất sắc mà anh đã được nhận cùng tập thể Giải thưởng Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhì và nhiều Huân chương, Huy chương cao qu‎ý khác.

GS.Vũ Đình Cự để lại không ít công trình khoa học và những cuốn sách phổ biến khoa học có giá trị cao. Vì là người ngoại đạo Vật lý cho‎ nên trong tay tôi chỉ có cuốn Khoa học Công nghệ Thông tin và Điện tử – Triển vọng phát triển và ứng dụng trong hai thập niên tới do NXB Khoa học và Kỹ thuật phát hành năm 2007.

Sự ra đi đột ngột của GS Vũ Đình Cự là một tổn thất lớn lao cho nền khoa học nước nhà khi đang cần những ‎ý kiến đóng góp của các nhà khoa học đầu đàn như anh trong sự nghiệp chấn hưng nền Khoa học và Công nghệ trong quá trình Đổi Mới của đất nước. Chúng tôi mất đi một người bạn tài hoa và hiền hậu. Gia đình, dòng họ mất đi một người con trung hiếu vẹn toàn. Sao anh ra đi đột ngột thế, anh Cự ơi?

GS. TSKH Vật lý Vũ Đình Cự, Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam đã qua đời vào ngày 7/9/2011 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 sau một cơn bệnh hiểm nghèo, hưởng thọ 75 tuổi.

GS. TSKH Vật lý Vũ Đình Cự sinh ngày 15/02/1936, quê ở xã Đông Xuân, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.

Ông đã từng đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh (tập thể); Huân chương Lao động hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến hạng Nhì; Huân chương Chiến công hạng Nhì.

Ông nguyên là Phó Chủ tịch Quốc hội kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng khóa VII, VIII.

GS Nguyễn Lân Dũng


Là nhà khoa học nổi tiếng, nhưng ông rất khiêm tốn, giản dị. Ông nhiều lần khước từ những ưu ái về nhà đất và lợi ích vật chất cơ quan dành cho mình. Những ngày Tết âm lịch hằng năm, được nghỉ theo chế độ, ông thường một mình đóng cửa tranh thủ làm việc.>Nguyên phó chủ tịch Quốc hội Vũ Đình Cự qua đời

Trong những cơn mưa không ngớt, từ sáng sớm 12/9, hàng đoàn người từ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, các cơ quan, đoàn thể ở trung ương và địa phương đến anh em, họ hàng, bạn bè gần xa và những người có vinh hạnh được cộng tác, giúp việc giáo sư Vũ Đình Cự đã đến Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông viếng và tiễn biệt giáo sư về nơi an nghỉ vĩnh hằng.

Tôi thực sự bàng hoàng, vô cùng thương tiếc trước sự ra đi đột ngột của giáo sư Vũ Đình Cự, dù ông cũng đã ở lứa tuổi “xưa nay hiếm” từ dăm nay nay. Tôi có dịp giúp việc giáo sư 10 năm (1992-2002) tại Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. Làm cấp phó giúp giáo sư, tôi học được nhiều bài học trong công tác và thu nhận từ ông nhiều điều bổ ích trong công việc hằng ngày và lẽ sống ở đời.

Giáo sư Vũ Đình Cự là một vị lãnh đạo có tinh thần trách nhiệm rất cao trong công tác, luôn gần gũi, chân thành chỉ bảo, giúp đỡ anh em trong công việc, cùng anh em chia sẻ khó khăn, thử thách để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Giáo sư là một trong số ít nhà khoa học xuất sắc ở nước ta. Là nhà khoa học nổi tiếng, nhưng ông rất khiêm tốn, giản dị. Ông nhiều lần khước từ những ưu ái về nhà đất và lợi ích vật chất cơ quan dành cho mình. Những ngày Tết âm lịch hằng năm, được nghỉ theo chế độ, ông thường một mình đóng cửa tranh thủ làm việc ở căn phòng được bố trí ở từ ngày còn là giảng viên ĐH Bách khoa Hà Nội.

Là nhà khoa học năng động, sáng tạo, say mê nghiên cứu khoa học, ông để lại nhiều công trình khoa học có tính thực tiễn cao, có lợi cho đất nước và xã hội. Ông hết lòng tận tụy, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của cấp trên giao cho, dìu dắt lớp cán bộ cấp dưới, đào tạo nhiều người trở thành người có trình độ học vấn cao, góp phần phát triển khoa học, công nghệ của đất nước.

Vĩnh biệt giáo sư Vũ Đình Cự, chúng ta ghi nhớ những đóng góp to lớn của ông cho đất nước trên cương vị một lãnh đạo cấp cao, một nhà khoa học hàng đầu, đồng thời cũng ghi nhớ mãi tấm gương lao động quên mình và nếp sống trong sạch, giản dị của ông – một trí thức mẫu mực.

- Ngay khi GS Cự vừa bảo vệ thành công luận án TSKH ở Liên Xô về, GS Tạ Quang Bửu đã cho gọi lên, hỏi han cụ thể về kết quả nghiên cứu và còn yêu cầu ông đưa cuốn luận án TS cho Bộ trưởng đọc. Có lẽ vì GS Tạ Quang Bửu biết rõ khả năng chuyên môn về vật lý chất rắn của Vũ Đình Cự mà có cuộc gặp hôm nay.

TS Vũ Minh Mão, Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội k


XEM PHẦN 1: ‘Đối với tôi, nhiều tiền chỉ phức tạp’


Người thông thái và cơ duyên với bộ trưởng
GS Vũ Đình Cự giới thiệu về thủy lôi của nhóm GK 1. Ảnh tư liệu

Người đầu tiên bảo vệ luận án tiến sĩ khoa học ở ĐH Lomonoxop

Sinh năm 1936 trong một gia đình nông dân khá giả ở xã Đông Xuân, huyện Đông Hưng, Thái Bình, Vũ Đình Cự thuộc thế hệ những trí thức đầu tiên được đào tạo và trưởng thành trong chế độ mới.

Những năm kháng chiến chống Pháp, ông vào Thanh Hóa học trường dự bị đại học của giáo sư Trần Văn Giàu, cùng với những bạn bè mà sau này thành những trí thức tên tuổi như Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng…

Năm 1956, tốt nghiệp khoa 1 của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 1, ông được phân công về Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và trở thành một trong những cán bộ giảng dạy đầu tiên đặt nền móng xây dựng trường này một trong những trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học lớn nhất miền Bắc và cả nước sau này, đặc biệt là trong bộ môn Vật lý.

Trong 7 năm – từ 1960 - làm nghiên cứu sinh tại Trường ĐH Lômônôxốp, ông bảo vệ thành công luận án phó tiến sỹ (nay gọi là tiến sỹ) và tiến sỹ toán – lý (nay gọi là tiến sỹ khoa học) chuyên ngành vật lý chất rắn với đề tài về màng mỏng từ tính, trở thành người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án tiến sỹ khoa học tại trường này.

Thủy lôi và giải thưởng Hồ Chí Minh


Học thành tài về nước giữa lúc cuộc chiến tranh chống Mỹ đang vào giai đoạn ác liệt nhất, Vũ Đình Cự dồn hết tâm huyết vào công tác giảng dạy và nghiên cứu tại Trường ĐH Bách khoa, đặc biệt là xây dựng và phát triển bộ môn Vật lý chất rắn.

Vào một ngày trong tháng 8/1972, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp Tạ Quang Bửu gọi ông lên phòng làm việc.

Ngay khi GS Cự vừa bảo vệ thành công luận án TSKH ở Liên Xô về, GS Tạ Quang Bửu đã cho gọi lên, hỏi han cụ thể về kết quả nghiên cứu và còn yêu cầu ông đưa cuốn luận án TS cho ông đọc. Có lẽ vì GS Tạ Quang Bửu biết rõ khả năng chuyên môn về vật lý chất rắn của Vũ Đình Cự mà có cuộc gặp hôm nay.

Tại buổi gặp, Bộ trưởng đã giao cho Vũ Đình Cự nhiệm vụ quan trọng: biệt phái sang Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) làm thành viên của tiểu ban rà phá bom mìn, thủy lôi với nhiệm vụ cụ thể là vận dụng các kiến thức đã nghiên cứu được, phối hợp với một số đồng nghiệp ở ĐH Bách khoa và các cán bộ của Bộ GTVT thành lập một tổ đặc nhiệm gọi tắt là GK1 (viết tắt của từ Giao thông – Bách khoa) để nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật cao để rà phá bom, mìn, thủy lôi hiệu quả, bảo đảm tránh thương vong cho các lực lượng làm nhiệm vụ, góp phần đập tan âm mưu phong tỏa miền Bắc bằng bom, thủy lôi từ trường của kẻ thù.

Đó là thời điểm mà Tổng thống Mỹ Nixon và ê kíp đang ráo riết thực hiện kế hoạch “Việt Nam hóa chiến tranh”.

Một trong những đòn mà Nixon tung ra để buộc Việt Nam phải nhượng bộ trên bàn đàm phán Paris là cho máy bay thả bom từ trường và thủy lôi dày đặc tại cảng Hải Phòng và tất cả các cửa sông, luồng lạch và các huyết mạch giao thông khác hòng làm tê liệt hệ thống giao thông thủy bộ.

Ngày 9/5/1972, Nixon tuyên bố cuộc phong tỏa miền Bắc, đồng thời ra lệnh cho máy bay ồ ạt thả bom từ trường và thủy lôi từ tính, trong đó có loại bom/thủy lôi từ trường mới nhất với cơ chế gây nổ gây nổ thông minh bằng thiết bị kỹ thuật số được quân đội Mỹ đặt cho cái tên: Kẻ hủy diệt (Destructor - DST).

Bộ trưởng Bộ GTVT thời điểm đó là Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ đặt vấn đề với Bộ trưởng Tạ Quang Bửu, cùng báo cáo xin ý kiến và được Ban Bí thư đồng ý chủ trương huy động các nhà khoa học vào cuộc để cùng với ngành giao thông thực hiện việc rà phá bom, mìn, thủy lôi với nhiệm vụ nghiên cứu, tìm ra các giải pháp rà phá hiệu quả và đặc biệt là tránh được thương vong cho các lực lượng làm nhiệm vụ Tổ đặc nhiệm GK1 (sau đó còn có thêm GK2, GK3) ra đời từ đây.

Nhận nhiệm vụ, Vũ Đình Cự cùng các đồng nghiệp ở ĐH Bách khoa và Bộ GTVT khẩn trương bắt tay vào công việc trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn của thời chiến.

Trong thời gian ngắn, tổ GK1 đã “mổ phanh” 1 quả DST được đưa từ Hải Phòng về Hà Nội để tìm ra cơ chế gây nổ tinh vi của nó, đồng thời, tổ chức nghiên cứu thực nghiệm.

GK1 đã chế tạo thành công một thiết bị phá bom, thủy lôi từ trường tự động (như robot), có thể “lừa” được những loại bom, thủy lôi từ trường mới nhất của Mỹ lúc đó, khiến chúng phát nổ mà không gây thương vong cho cho các lực lượng rà phá.

Thiết bị nhanh chóng được đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả lớn trong việc rà phá bom, thủy lôi từ trường, tránh được thương vong ở cảng Hải Phòng và nhiều nơi khác.

Trong quá trình tổ GK1 thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, Bộ trưởng Tạ Quang Bửu gần như hằng ngày đều tranh thủ xuống gặp anh em GK1, hỏi han, trao đổi, động viên, thậm chí là cùng tranh luận những vấn đề khoa học nảy sinh.

Sau này, kết quả nghiên cứu GK1 còn được phát triển để rà phá bom mìn trên các tuyến đường bộ, đặc biệt là trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh.

Tổ GK1 được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 (năm 1996) lĩnh vực khoa học – công nghệ cùng với các lực lượng khác trong công trình phá thủy lôi từ tính và bom từ trường, bảo đảm giao thông thời chống Mỹ.

Những móng nhà khoa học

Chiến tranh kết thúc, đất nước hòa bình, thống nhất, cuộc đời khoa học của Vũ Đình Cự lại đứng trước một bước ngoặt mới.

Năm 1977, ông được điều sang làm Phó Viện trưởng Viện Khoa học Viện Nam, trung tâm nghiên cứu phát triển về khoa học tự nhiên và kỹ thuật lớn nhất vừa được Chính phủ thành lập (năm 1975).

Một lần nữa, Vũ Đình Cự lại trở thành người đi xây nền móng cho một ngôi nhà khoa học.

GS Trần Đại Nghĩa là Viện trưởng đầu tiên của Viện Khoa học Việt Nam, cùng với thế hệ những nhà khoa học lúc đó như Nguyễn Văn Hiệu, Nguyễn Văn Đạo, Phan Đình Diệu, Đào Vọng Đức, Vũ Đình Cự… đã có những đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của viện.

Trong thời gian làm lãnh đạo của viện, hoạt động khoa học của Vũ Đình Cự chủ yếu tập trung vào lĩnh vực ứng dụng, phát triển công nghệ. Ông là người thành lập và trực tiếp làm Viện trưởng Viện Kỹ thuật nhiệt đới (trực thuộc Viện Khoa học Việt Nam) từ 1980 – 1991.

Từ năm 1984, ông được giao nhiệm vụ thành lập Viện Công nghệ quốc gia và trực tiếp làm Viện trưởng cho đến năm 1991.

Trong thời gian này, Viện Công nghệ quốc gia đã cho ra đời một số doanh nghiệp khoa học – công nghệ, trong đó, thành công nhất là Công ty FPT.

Từ năm 1982, Vũ Đình Cự bắt đầu tham gia Quốc hội, là Đại biểu Quốc hội khóa VII. Năm 1987, ông là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (khóa VIII - kiêm nhiệm).

Ngoài nghiên cứu chiến lược, lý luận và ban hành luật pháp, chính sách và các hoạt động xã hội, ông vẫn dành thời gian thích đáng cho lĩnh vực KH-CN mà mình gắn bó: CNTT, điện tử, viễn thông.

Trong nhiều năm liền, ông là Chủ nhiệm Chương trình KH,CN cấp nhà nước về điện tử, tin học, viễn thông.

Đây chính là chương trình nghiên cứu phát triển có quy mô lớn, quy tụ một đội ngũ các nhà khoa học của nhiều ngành như: Đỗ Trung Tá, Phạm Thế Long, Nguyễn Thúc Hải…, và đã trở thành “bà đỡ” cho nhiều thành tựu nghiên cứu phát triển, đào tạo, ứng dụng công nghệ vào sản xuất – kinh doanh của ĐH Bách khoa, Học viện Kỹ thuật quân sự, ngành bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, truyền hình Kỹ thuật số.

Với vốn ngoại ngữ phong phú, có thể sử dụng thành thạo 3 thứ tiếng: Anh, Nga, Pháp, giai đoạn này Vũ Đình Cự cũng đi sâu nghiên cứu các vấn đề về triết học và kinh tế chính trị với nhiều phát hiện mới mẻ.

Hiếm có nhà khoa học nào có thể cùng lúc đạt được đỉnh cao tri thức ở cả 2 lĩnh vực: khoa học tự nhiên và khoa học xã hội như Vũ Đình Cự. Một vị bộ trưởng khi trò chuyện với tôi đã gọi ông là “nhà thông thái”.

  • Võ Đăng Thiên




Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2011

GS Cự qua đời


Xin lưu ý là trang này có dùng ảnh lấy từ clip cuộc phỏng vấn ngày 30/09/09

Tiễn đưa GS Vũ Đình Cự về nơi an nghỉ cuối cùng

Thứ hai, 12/09/2011 20:43

GS, TSKH Vũ Đình Cự.

(DVT.vn) - GS, TSKH Vũ Đình Cự, nhà vật lý chất rắn được thế giới biết tiếng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội nước ta đã ra đi đột ngột.

GS Vũ Đình Cự sinh ngày 15/2/1936 tại xã Đông Xuân, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.
Ông là một trong những nhà khoa học Việt Nam đầu tiên lỗi lạc hoàn toàn được đào tạo dưới mái trường cách mạng ở Việt Nam, rồi ở Liên Xô (cũ).
Năm 1954, khi Hà Nội mới giải phóng, chàng thanh niên Vũ Đình Cự 18 tuổi từ vùng tự do trở về Thủ đô, vào học Trường đại học Sư phạm, cùng một khoá với những sinh viên kháng chiến như: Nguyễn Văn Hiệu, Phan Đình Diệu, Nguyễn Văn Đạo, Cao Xuân Hạo, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng, Nguyễn Đình Chú, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Lân Dũng, Ma Văn Kháng…
Ông từng là cán bộ giảng dạy của Trường đại học Bách khoa Hà Nội. Từ năm 1960 đến năm 1966, ông là nghiên cứu sinh của Đại học Lomonosov ở Moskva (Liên Xô cũ), bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, rồi tiến sĩ khoa học tại đây. Nguyễn Văn Hiệu, Vũ Đình Cự và Phan Đình Diệu là ba nhà khoa học Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học dưới 30 tuổi.

Năm 1972, TSKH Vũ Đình Cự được GS Tạ Quang Bửu, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, cử làm tổ trưởng Tổ Nghiên cứu thiết kế, chế tạo khí tài phá thủy lôi (mang mật danh GK1) để chống lại loại thủy lôi chiến lược MK-52 của Mỹ vừa thả xuống nhằm phong toả vùng biển nước ta.
Năm 1973, ông được bổ nhiệm làm Phó Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam kiêm giữ chức Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia (1984-1992). Ông là Ủy viên BCH Trung ương Đảng các khóa 7, 8; Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khóa 9; Phó Chủ tịch Quốc hội kiêm Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khóa 10 (1997 - 2002).


GS, TSKH Vũ Đình Cự trong thời gian giữ chức Phó Chủ tịch Quốc hội.
Giáo sư được tặng thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ (công trình tập thể); Huân chương Lao động hạng nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng nhì; Huân chươngChiến công hạng nhì, Huân chương Độc lập hạng nhất.
GS, TSKH Vũ Đình Cự qua đời sáng 7/9/2011 sau một cơn bệnh nặng.
Tang lễ Giáo sư được trọng thể cử hành sáng nay, 12/9/2011, theo nghi thức lễ tang Nhà nước, tại Nhà Tang lễ Quốc gia phố Trần Thánh Tông, Hà Nội. Nhiều vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước cùng đông đảo các nhà khoa học, nghiên cứu sinh, sinh viên đã đến dự. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đọc điếu văn tỏ lòng thương tiếc vô hạn một nhà khoa học lớn, một chiến sĩ cộng sản kiên trung.

Thi hài GS Vũ Đình Cự được hỏa táng tại Đài Hóa thân Hoàn vũ, Hà Nội, và sau đó, được an táng vào ngày 13/9/2011 tại quê hương Giáo sư ở Thái Bình,

Đông Hoa

Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2011

Gặp người gác đèn biển Long Châu tại Luân Đôn

Sau đây là bài báo của Tô Minh Nguyệt viết từ Luân Đôn gửi cho báo Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh.Tôi mạn phép đưa trước lên trang blog này
Tấm ảnh lịch sử của đảo đèn Long Châu trong chiến tranh vừa qua :Lý Đức Xuân (hay còn gọi là Lý Tắc Xuân vì Tắc là cách đọc chữ Đức theo âm Quảng Đông) đội mũ sắt điều khiển tiểu liên,bên cạnh đảo trưởng Dương văn Sầm (đã mất tại Sài Gòn) và phó đảo Phạm Văn Chương


Thăm bảo tàng hàng hải xong.Đến Greenwich,nơi cột mốc thế giới 0 giờ,không biết có phải vì còn hoa mắt,ù tai xốn sang vối trên hai triệu hiên vật của bảo tàng biển lớn nhất thế giới hay không mà anh kĩ sư hàng hải đi cùng tôi không tìm ra địa chỉ ông bạn cố tri ở đất cảng Hải Phòng .Ở London,anh đã tự đến nhà bạn bằng tàu điện ngầm khiến bạn anh vộ cùng ngạc nhiên.Vậy mà bây giờ lại phải điện thoại.Người ra đón chúng tôi không ngờ cũng từng ở Hải phòng.trông anh nhỏ thó,thấp lùn như một cậu bé.Không ngờ anh đã trên sáu mươi.không ngờ bè ban từ thủa hoc trò nay lại gặp nhau ởLondon,cha đẻ của ngành hàng hải ,nơi có bảo tang biển lớn nhất thế giới với trên hai triệu hiện vật và một khu đất mênh mông suốt ngày nườm nượp người tới tham quan.Bữa cơm Việt Nam nghẹn tình bè bạn cứ líu díu hỏi “thằng nọ,con kia” mà muốn trào khoé mắt.Bởi thằng nọ,con kia giờ đã là ông nội,bà ngoại cả rồi.Cũng tại căn nhà nhỏ bé,có mảnh sân đầy hoa hồng ,tình cờ chúng tôi lại được xem một bộ phim đầy xúc động về những người gác đèn biển đảo Long châu Hải Phòng những năm chiến tranh ác liệt , 1966-1972.Biển Hải Phòng,sóng,hải âu,cây hải đăng trong những năm bom đạn...Từng đàn máy bay Mỹ dội bom xuống phố xá,làng mạc.Những người đem cả tuổi trẻ của mình,giữa sóng gió,bom đạn giữ cho ngọn hải đang không bao giờ tắt,dẫn đường cho những con tầu chở vũ khí,lương thực và con người xuôi về phía Nam đất nước...Với các anh,bom đạn không sợ bằng sự cô đơn.Thiếu rau,thiếu nước không bằng thiếu niềm tin.Những chàng trai ấy giờ tóc đã bạc phơ,người còn,người mất,người tha hương,nhưng họ vẫn nhớ về nhau.Lặn lội gặp nhau,tìm ra tận ngọn hải đăng năm nào để tìm về tuổi trẻ một thời oanh liệt.Chính Anh,người đàn ông nhỏ bé đó đã chắt chiu từng đồng,chắt chiu từng kỷ niệm để trở về Việt Nam làm bộ phim về những người gác đèn biển năm xưa.Anh là Lý Đức Xuân,người lao động bình thường ở khu Levisham,rất gần kinh tuyến 0 giờ của thế giới,gần bảo tàng biển lớn nhất mọi thời đại.Đám bạn già thành phố cảng mà hơn một vạn thuỷ lôi phong toả xuống các luồng lạch … vẫn không ngăn được con tầu cặp bến,đi xa,Cả tuổi trẻ không nao núng trước đan bom,hôm nay bỗng bùi ngùi giữa London cổ kính,bình yên.Hình như anh Xuân khóc khi tự tay mở máy cho chúng tôi xem bộ phim do chính anh cùng đồng nghiệp năm xưa trên đảo đèn làm trong hơn nửa năm”…Năm 79' buộc lòng tôi phải ra đi.Làm đủ nghề để tồn tại.Ai chê bai ai tôi không biêt.Tôi không chê.Tôi không qua Mĩ vì chính tôi cầm súng bắn máy bay Mĩ mà.Tôi gác đèn cho tầu ra vào cũng lương thiện như cô giáo. đi dậy hoc mà..Làm sao họ lại thả bom..”.Anh lý giải như người lao động mà nghe ra thấy chân thành,Thấy thương.Anh đã về Việt Nam ba lần để làm bộ phim mà lần đầu tôi được xem.Anh bảo khi chiếu phim này ,nhiều người xem đã khóc .Vợ chồng anh anh có ba con.Đứa nào cũng đi học,đi làm tử tế.Bây giờ già rồi.Có tiền là lại vềViệt Nam,lại ra đảo đèn.Lại gặp đồng nghiệp cũ .Nhớ lắm chứ.Tuổi trẻ cua mình mà.Buổi trưa chúng tôi dắt nhau ra sông Thames.Anh đưa chúng tôi đến nơi Bác Hồ từng làm bồi bàn ở London.Anh Xuân nhờ chup cho mình một tấm hình dưới chữ Chu tich Hồ Chí Minh đã từng làm việc ở đây .Anh nhờ anh kỹ sư hàng hải lại đưa Anh vào bảo tàng hàng hải một lần nữa .Anh mơ ước nước ta sẽ có một bảo tang về hàng hải trong đó có những ngọn hải đăng không bao giờ tắt ,có những con tàu vẫn ra khơi trong bom đạn ,có những tuổi trẻ không bao giờ già ...Chia tay anh Xuân anh ki sư hàng hải tăng Anh một tập tài liệu anh đang biên soạn vê lịch sử của nhưng người đảm bảo hàng hải vô danh mà anh hùng.Trong tập tài liệu đó có tấm hình tiêu biểu cho đảo đèn Long Châu,con mắt ngọc của biển cả,nơi đã được Bác Hồ khen tặng danh hiệu anh hùng,tấm hình đang có trong Bảo Tàng Lịch Sử Hải Phòng :dười chân đèn là một chiến sĩ nhỏ thó cầm tiểu liên bắn máy bay bên cạnh đảo trưởng vung tay chỉ huy Anh Xuân gọi điện đến và khóc trong máy,Tôi đấy anh ơi!Cái người cầm tiểu liên bán máy bay chính là tôi đó.Về Việt Nam, anh cứ hỏi anh em gác đèn với tôi mà coi.anh cho tôi tấm hình tuổi trẻ của tôi là món quà vô giá đó .Cảm ơn anh.Anh Xuân email cho chúng tôi khi giã biêt London.Tại sao người ta lập được bảo tang vĩ đại như vậy.Tại sao người ta đến bảo tàng đông thế?Vì sao anh Xuân đơn độc làm được phim xúc động thế khi anh ở xa,khiAnh chỉ là một ngưởi lao đông chân tay bình thường.Vì sao bảo tàng của ta nghèo nàn.Không hẳn vì ta nghèo anh Xuân ơi!
London tháng tám-2011
TÔ MINH NGUYỆT


Lý Đức Xuân đứng dưới tấm biển tại nhà New Zealand House gần quảng trường Trafalgar lịch sử do Hội Hữu Nghị Anh Việt thực hiện .Biển nêu rõ trước đây nơi này là khách sạn Carlston ,tại đây chủ tịch Hồ Chí Minh từng làm bồi bàn vào năm 1913.Xuân đã được chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huy hiệu của Người vào năm 1969 trong dịp đại hội những người Hoa tiên tiến .Tấm huy hiệu đó được Xuân gìn giữ trang trọng






Nhà báo Tô Minh Nguyệt tại bến xe Greenwich,nơi có kinh tuyến số không đi qua ,nơi xác định giờ GMT,UTC trên các con tàu và cuộc gặp gỡ những người con đất cảng ,người ngồi phía đầu bên phải là Đỗ Quang Điệp,thợ hàn bậc cao nhà máy đóng tàu Bạch Đằng ,giáo viên bổ túc văn hóa dạy học cho nhiều học viên trong đó có các lãnh đạo các nhà máy đóng tàu ,hiện sống tại Lewisham L0ndon .Ba con trai và cô con gái của vợ chồng Điệp Đoan đều tốt nghiệp đại học và tiến sĩ .Lý Đức Xuân ngồi đầu phía trái,con trai tốt nghiệp luật đang hành nghề luật sư tại London.Hai anh luôn nhớ về quê hương đất Cảng !

Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2011

Bài của Nguyễn Xuân Tám

Nguyễn Xuân Tám là một chiến sĩ phá lôi của Bảo Đảm Hàng Hải với tiểu sử tóm lược như sau Nguyễn Xuân Tám (1943-) ,kỹ sư xây dựng,tốt nghiệp Đại học Bách Khoa (1965) ,Phòng Công Trình Ty Bảo đảm Hàng Hải (từ 1965-).Anh hiện sống tại Hà Nội và có bài viết sau đây:
NHẦM CHIẾN CÔNG
Nguyễn Xuân Tám

Vừa qua tôi vô tình nhìn thấy một tấm biển gắn trên bức tường khu nhà A, Trường Đại học Bách Khoa. Tấm biển bằng đá, nền đen hơi bạc, các dòng chữ màu vàng nhạt, dù đã trải qua mưa nắng, nhưng đọc vẫn rõ:
“Đề tài GK1 - Giải thưởng Hồ Chí Minh”. “Năm 1972, tại ngôi nhà này các nhà khoa học Trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội đã nghiên cứu thành công phương pháp rà phá thuỷ lôi từ tính và bom từ trường (Đề tài GK1) kịp thời phục vụ chiến đấu chống lại âm mưu phong toả cảng Hải Phòng, đường sông, đường biển, và các huyết mạch giao thông của ta.”
Gần nửa thế kỷ trôi qua, là một người đã từng có mặt ngay từ đầu trên trận tuyến đảm bảo giao thông đường biển, trận tuyến rà phá thuỷ lôi, nhưng ít có dịp nhớ lại và cũng chưa có điều kiện gặp mặt các đồng đội cũ để hàn huyên chuyện xưa. Hồi đó, nhiệm vụ này được coi là tuyệt mật. Theo thời gian, mọi việc đã an bài và dần đi vào dĩ vãng. Bất ngờ hôm nay, tấm biển làm tôi nhớ lại những gì tôi từng trải qua, và tôi cũng nhận ra rằng: Đề tài GK1 đã “… kịp thời phục vụ chiến đấu chống lại âm mưu phong toả cảng Hải Phòng, đường sông, đường biển, và các huyết mạch giao thông của ta.” là không đúng sự thực. Trong bài viết này, tôi chứng minh điều không đúng sự thực đó:
- Khoảng tháng 7 – 1967, sau khi nhận bàn giao thiết bị phá lôi mang ký hiệu PĐ-67-1 từ nhóm thiết kế (trong đó có các anh Ngọc Linh, Hoàng Sơn), thì tổ phá lôi Trạm 4 (Thanh Hoá) tổ chức ra quân ngay tại Lạch Trào dưới sự chỉ huy trực tiếp của Phó ty Vũ Long Vân. Tôi là kỹ sư của Trạm nên chịu trách nhiệm về kỹ thuật mà thực chất là phụ trách thao tác cầu dao phóng từ và tạo tiếng động. Trận ra quân quá thủ công và mạo hiểm. Cuộn từ được đặt trên một cái phao ở phía trước, nối cáp với một mảng bè ở phía sau, trên bè đặt máy phát điện và cầu dao tạo sung. Bè được neo chặt và nới dần dây cho bè trôi chậm qua các bãi nghi có thuỷ lôi. Máy phát điện nổ đều, cầu dao tạo sung đóng mở theo chu kỳ. Sau ba bốn tiếng đồng hồ, bè trôi được một quãng xa, hướng đến cửa sông, nhưng vẫn chưa phá được quả nào. Mọi người rất sốt ruột. Rồi một tình huống bất ngờ xảy ra: Nước thuỷ triều bắt đầu rút, tốc độ dòng chảy tăng dần, neo không giữ nổi nên bè bắt đầu trôi tự do, băng qua các khu vực nguy hiểm. Tất cả như nín thở, chờ đợi. Thật may, không có quả thuỷ lôi nào nổ tung bè lên cả. Bè trôi đến vị trí an toàn, anh Vân lệnh tất cả xuống nước, kéo kè táp vào mép bờ biển, tháo tất cả trang thiết bị, khênh bộ về cất dấu trước khi trời sáng. Trên đường về, không may bị một quả thuỷ lôi phát nổ, và một đồng đội (anh Tỉnh) hy sinh. Những lần ra quân sau đó, máy móc thiết bị được đưa lên thuyền gỗ khoảng 8 – 10 tấn cho dễ cơ động, rà phá liên tục, nhưng không kết quả. Tình hình khẩn trương, nhiêm vụ thông luồng cấp bách. anh Vân và các anh lãnh đạo Trạm (Nguyễn Trọng Khuyên và Đỗ An Bình) đành phải quyết một phương án bất đắc dĩ là dùng ca nô lướt trên luồng để kiểm tra. Người xung phong và được giao nhiệm vụ là anh Lê Văn Lợi, công nhân của Trạm 4. Sau khi thắp hương làm lễ tế sống, anh Lợi bước lên ca nô, nổ máy và phóng nhanh ra luồng, Nhìn qua ống nhòm, tôi thấy ca nô nhấp nhô, ẩn hiện chạy vát chữ chi theo quy định, mặc dù lần ấy không có quả thuỷ lôi nào nổ, mọi người căng thẳng nín lặng theo dõi, mấy cô công nhân của Trạm khóc sụt sùi, nhưng anh Lợi đã hoàn thành nhiệm vụ thông luồng quay lại bờ, mọi người chạy ào xuống đón, ôm lấy anh Lợi, thật xúc động. Trận ra quân đầu tiên này, PĐ-67-1 chưa phát huy tác dụng, nhưng rút được kinh nghiệm để tiếp tục cải tiến thiết bị, vì đó là sản phẩm sáng tạo của các kỹ sư Đường Biển với sự hỗ trợ của anh Hoàng Sơn (sĩ quan Hải quân) được biệt phái sang Ty Bảo Đảm Hàng Hải (BĐHH)
Sau đó, tôi được điều động về Phòng Công trình Ty BĐHH. Với vị trí công tác mới, tôi nhiều lần cùng với anh lãnh đạo Ty Vũ Long Vân, hoặc anh Phạm Văn Hải trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia rà phá lôi trên các tuyến, từ vùng biển Đông Bắc đến Sông Gianh, Nhật Lệ, tham gia các chiến dịch VT5,…, từng đi cùng với đội Quyết thắng của anh Thái Phong. Chính vì vậy sau đó tôi được phân công tham gia viết “Báo cáo tổng kết rà phá thuỷ lôi và bom chờ nổ năm 1967 – 1968”. Bản báo cáo đã trình bày khá đầy đủ về các phương án rà phá, về các thiết bị PĐ-67-1 (2,3) do nhóm kỹ sư Đường Biển của anh Nguyễn Ngọc Linh thiết kế và chế tạo tại xưởng BĐHH và được đội của anh Thái Phong kiểm tra trên thực địa. Trong hai năm, với PĐ 67-1(2,3) Đội của anh Thái Phong và tổ phá lôi các Trạm của BĐHH đã phá hàng trăm quả thuỷ lôi và bom từ trường. Bản báo cáo cũng đề cập và thống kê một số lần bắt sống và tháo gỡ thuỷ lôi do đơn vị của anh Thái Phong thực hiện, và đó là cơ sở quan trọng để nghiên cứu chế tạo, cải tiến thiết bị rà phá PĐ-67. Tất nhiên lúc này chưa thể xuất hiện nhóm GK1 của ông Vũ Đình Cự.
Đầu tháng 5 – 1972, đồng thời với việc dùng máy bay B.52 thả bom huỷ diệt Hà Nội, Hải Phòng, Mỹ đã cấp tập phong toả thuỷ lôi và bom từ trường bịt tất cả luồng vào các cảng, các cửa sông. Tinh hình khẩn cấp. Nhận lệnh cấp trên và dưới sự chỉ đạo trực tiếp và quyết đoán của nguyên Cục trưởng Lê Văn Kỳ, các đội, các tổ phá lôi của Ty BĐHH khẩn trương triển khai nhiệm vụ chống phong toả lần 2. Lúc này, ngoài những thiết bị PĐ-67 cải tiến, xưởng cơ khí BĐHH tập trung sàn xuất thiết bị ĐB-72-1 do nhóm các anh Linh, Đính đã nghiên cứu thiết kế trong nhiều tháng trước đó (sau này có bổ sung thêm thiết bị thiết bị 480 của TQ, nhưng đã được cải tiến tự động hoá theo đề xuất của anh Phạm Văn Hải). Vì thuỷ lôi và bom từ trường quá nhiều nên thêm một đơn vị mới được thành lập. Đó là đội phá lôi thanh niên mang tên Lê Mã Lương (ra đời ngày 19-5-1972) do anh Nguyễn Uyển làm đội trưởng. Anh Uyển đương bí thư Đoàn, một con người sôi nổi, năng động, có nhiều kinh nghiệm sông nước và có khả năng quy tụ đoàn viên. Tôi là một trong ba đội phó và phụ trách kỹ thuật. Gần 30 đoàn viên đã được chọn trong khoảng 300 lá đơn tình nguyện. Trong lúc anh Uyển khần trương ổn định tổ chức, chuẩn bị vật tư thực phẩm cho chuyến xuất kích bám biển lâu dài, tôi tranh thủ mời “vua thuỷ lôi” Thái Phong đến truyền đạt về kinh nghiệm rà phá với các giáo cụ trực quan cụ thể. Tôi tranh thủ nghiên cứu rất kỹ các tài liệu thuỷ lôi của địch, nhất là các loại bẫy chống tiếp cận và tháo gỡ. Tôi thường xuyên đến 13 Hồ Xuân Hương (trụ sở của đội anh Thái Phong) để nghiên cứu các bộ phận thuỷ lôi đã được tháo gỡ chi tiết. Tại đây, một lần tôi đã gặp đoàn các nhà khoa học Bách Khoa xuống Đường Biển xin đặt vấn đề được tham gia nghiên cứu thiết bị phá lôi. Mỗi thiết bị được lắp lên phương tiện, lãnh đạo đội lại cùng các kỹ sư Linh và Đính bàn giao hướng dẫn cụ thể, đưa tầu ra luồng kết hợp đánh thử. Đội Lê Mã Lương xuất quân và tập kết tại Cống Tây với sự cố vấn của phó ty Vũ Long Vân. Tôi lại là người được phân công chỉ huy đánh trận đầu tiên (ngày 02/6/1972) tại Lạch Triều. Trận đó đã phá được nổ một quả MK52 nằm dưới luồng sâu 30 mét nước. Sức nổ thật ghê gớm nên mũi tàu bị dựng ngược, cuộn từ văng ra nhưng bị dây cáp giữ lại treo lơ lửng, một số bu lông chân máy bị cắt, hai két dầu xê xịch vào giữa, vỏ tầu bị nứt. Tất cả thành viên đều bị chấn động mạnh và mất cảm giác trong khoảnh khắc. Sau đó mọi người đã trở lại trạng thái ban đầu, tôi bình tĩnh chỉ huy đưa tầu về Cống Tây an toàn. Sau này đội Lê Mã Lương đã ra quân đánh một trận nổi tiếng là trận phá thế phong toả tại Ngã 3 Ba Mom - Quả Soài . Đây là một trận địa thiên la địa võng vì các bãi thuỷ lôi và bom từ trường dày đặc. Nhưng dưới sự chỉ huy trực tiếp của đội trưởng Nguyễn Uyển, các phương tiện của toàn đội đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất săc. Trong trận đánh, có một quả thuỷ lôi nổ ngay cạnh tầu, đội trưởng Uyển bị hất văng xuống nước. Như bản năng của những con rái cá, anh Hồ Văn Hiệu và anh Lê Văn Bách đã kịp lao ngay xuống nước, túm lấy anh Uyển kéo lên tàu. Nếu như lúc đó thuỷ lôi nổ tiếp thì ít nhất phải có 3 người hy sinh. Trong những ngày tháng đó cho đến khi kết thúc chiến dịch, đội anh Thái Phong, đội anh Nguyễn Uyển đã ngang dọc, rà phá trên các tuyến luồng vịnh Hạ Long – Bái Tử Long, Hải Phòng, các tuyến ven biển đến Nhật Lệ. Cũng đã phá nổ hàng trăm quả thuỷ lôi, bom từ trường bằng thiết bị ĐB-72-1 (2,3). Tôi lại là người được phân công viết báo cáo về thành tích chống phongtoả của BĐHH trong giai đoạn này.
Sau hội nghị Pari, nhiệm vụ kiểm tra thuỷ lôi nghi còn sót lại và chưa nổ trên tuyến luồng Nam Triệu được đặt ra cấp bách và triển khai ngay nhằm bảo đảm thông luồng cho các tầu lớn vào Cảng Hải Phòng. Có 2 giải pháp được đưa ra xem xét:
Giải pháp một là của nhóm Bách Khoa – Vũ Đình Cự. Nhóm này đưa ra phương án dùng bừa (hoặc cào) đề rà luồng. Bừa được sản xuất thử, nhưng bị loại ngay và trở thành đồ phế thải vì phi thực tiễn nếu không muốn nói là ngớ ngẩn, vì luồng rất rộng, nhiều chướng ngại vật không thể cào được, hơn nữa thuỷ lôi nếu còn đã bị chìm sâu trong bùn từ hai đến năm sáu mét, không thể có lưỡi cào, lưỡi bừa nào chạm tới được. Một khi lưỡi cào cắm sâu được vài mét trong bùn thì mặc nhiên sẽ biến thành cái neo giữ chặt phương tiện dò tìm không thể di chuyển.
Giải pháp thứ hai là dùng máy siêu âm. Tôi không nhớ ai đã đề xuất giải pháp này, nhưng đề xuất được chấp nhận và triển khai ngay. Tôi lại được giao trực tiếp chỉ huy nhóm tiến hành công việc trên thực địa với sự tham gia về mặt chuyên môn của tiến sĩ Hàn Đức Kim. Cục trưởng Lê Văn Ký còn điều thêm anh Hùng (từ Công an vũ trang) tăng cường cho nhóm tôi (sau đó tôi biết anh Hùng là con trai của Cục trưởng). Cuộc kiểm tra căng thẳng, tỉ mỉ và không kém phần nguy hiểm. Mỗi một dấu hiệu nghi ngờ xuất hiện trên máy siêu âm thì toạ độ được xác định và cho tốp thợ lặn lặn xuống dùng thanh xăm kiểm tra. Cuộc kiểm tra đạt kết quả tốt, Lãnh đạo Cục và Ty BĐHH quyết định cho thông luồng. Thắng lợi này có công rất lớn của tiến sỹ Hàn Đức Kim, một nhà khoa học không chỉ giỏi lý thuyết mà còn có kỹ năng tay nghề của một công nhân bậc cao. một con người tận tâm, làm việc hết sức mình nhưng rất khiêm tốn. Các anh lãnh đạo Ty rất tâm đắc và khâm phục. Vậy mà, nếu tôi không nhầm, kể từ khi chia tay, chưa một lần anh Kim yêu cầu xác nhận công việc đã làm hoặc chứng nhận thành tích để đề nghị khen thưởng. Một nhà khoa học chân chính đúng nghĩa.
Năm 1974. tôi được giao nhiệm vụ đặc biệt và tuyệt mật: Trưng bày hiện vật về chuyên đề rà phá thuỷ lôi trên một con tầu và đem neo tại một địa điểm trên Vịnh Bái Tử Long. Trong hơn nửa tháng, tại con tầu này tôi đã lần lượt đón tiếp nhiều đoàn lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các tướng lĩnh cao cấp quân đội,… Tôi đã thuyết minh về cuộc chiến chống phong toả của ngành Đường Biển , giới thiệu các thiết bị rà phá do các kỹ sư và công nhân Đường Biển thiết kế và chế tạo. Sau đó nhiệm vụ này được lặp lại tại phòng trưng bày đặc biệt của Bộ Tư lệnh Quân Khu 3 (Kiến An). Tại đây tôi đã trực tiếp thuyết minh cho Đại tướng Hoàng Văn Thái.
Khi quân ta đang tiến công Thừa Thiên - Huế, tôi nhận lệnh dùng tầu gắn thiết bị phá lôi chạy cấp tập vào phía Nam, kiểm tra, rà quét tuyến ven biển, các cửa sông của các vùng đã giải phóng. Tôi lên đường với một tầu VS, gắn thiết bị ĐB-72-1 do thuyền trưởng Trần Công Bình, và máy trưởng Lai điều khiển. Cùng đi còn có anh Trần Nguyên (sau này là TGĐ Tổng Công ty Nạo vét Biển). Tầu chúng tôi đã rà quét kiểm tra các khu vực từ cửa Thuận An đến cảng Nha Trang, kể cả các bến đỗ của đảo Lý Sơn, Cù lao Chàm, Cù lao Xanh. Ở Nha Trang, bất ngờ tôi lại “bị” giao nhiệm vụ đột xuất đặc biệt: Chở đ/c TBT Lê Duẩn đi quan sát quanh vịnh. Đây là nhiệm vụ cực kỳ nguy hiểm, vì lúc đó chưa thể khẳng định trong vịnh có hay không có thuỷ lôi, hơn nữa trên Hòn Tre còn rất nhiều lính Nguỵ rút chạy không kịp. Một lần nữa trời phù hộ, chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ một cách an toàn.
Từ các sự việc cụ thể nêu trên, tôi có thể khẳng định chắc chắn rằng suốt từ năm 1972 cho đến 1975, trên trận tuyến chống phong toả đường biển, tất cả các thiết bị rà phá lôi mà tôi và đồng đội từng sử dụng không hề có sản phẩm nào thuộc “Đề tài GK1” của ông Vũ Đình Cự. Vậy mà hàng chục quả thuỷ lôi đã được tháo gỡ, hàng trăm quả thuỷ lôi và bom từ trường đã bị phá. Tất cả các tuyến luống biển đều được rà quét và giải phóng, kịp thời phục vụ vận tải trong chiến tranh.
Trong khi viết những dòng này, tôi đã điện xin anh Thái Phong một số tài liệu lưu trữ. Anh Thái Phongđã chuyển cho tôi hai văn bản có từ lâu mà tôi không hề biết:
- Đó là bức thư của nguyên Cục trưởng Lê Văn Kỳ gửi ông Vũ Đình Cự (thư đề ngày 08/7/2003) sau khi tập thể của nhóm Bách Khoa - Vũ Đình Cự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh cho “Đề tài GK1”. Trong thư, ông Lê Văn Kỳ, bằng những dẫn chứng cụ thể đã vạch ra rằng các thành tích của nhóm Bách Khoa – Vũ Đình Cự là không có thật. Cuối thư ông Lê Văn Kỳ viết: “Qua những sự việc ấy tôi thấy phải đặt vấn đề xem động cơ làm việc của các anh có trong sáng hay không. Mặt khác với tư cách người đã giúp đỡ các anh tôi có quyền hỏi xem các anh đã đóng góp được gì cho đất nước”. Bức thư đã không hề có phản hồi.
- Đó là văn bản viết tay của ông Vũ Đình Cự trả lời anh Nguyễn Thái Phong (thư đề ngày 4/1/2008), với nội dung thanh minh về thành tích tưởng tượng của mình. Dù giả vờ đổ lỗi cho Vụ Khoa học Kỹ thuật (Bộ GTVT), cho báo chí tuyên truyền, nhưng ông Cự vẫn phải thừa nhận: “Đến nay, nghĩa là sau 35 năm mới có thông tin rằng khi tàu này xong đưa đi rà phá thì đã rà phá xong rồi”, ông Cự còn vớt vát: “Như vậy lỗi là do thiếu thông tin” (?)
Thế là đã rõ: Chỉ vì “lỗi là do thiếu thông tin”(?) mà “… rằng khi tàu này xong đưa đi rà phá thì đã rà phá xong rồi” (?). và cũng chỉ vì “lỗi là do thiếu thông tin”(?) mà các chiến công của các kỹ sư – công nhân thiết kế - chế tạo; của các tập thể - cá nhân quyết tử của ngành Đường Biển trên trận tuyến rà phá lôi bỗng “nhầm” thành chiến công của “Đề tài GK1”. Sự “nhầm” này giống như một trò ảo thuật, để rồi nghiễm nhiên “Đề tài GK1” được khen tặng giải thưởng Hồ Chí Minh. Còn những tập thể, cá nhân thực sự đã từng lập nên chiến công to lớn, xứng đáng được nhận các phần thưởng cao quý của Nhà nước đã bình thản bước vào cuộc sống đời thường sau chiến tranh. Cho đến hôm nay sau gần nửa Thế kỷ vẫn không một lời đòi hỏi, không một lần thắc mắc…
Tôi bỗng nhớ tới câu chuyện chiếc xe tăng đầu tiên nào đã đâm đổ cánh cổng Dinh Độc Lập và câu chuyện ai là người đã viết lời “Tuyên bố đầu hàng” cho tướng Dương Văn Minh đọc… Tại sao lại có thể có hành vi “nhầm chiến công”? Hành vi đó không thể trong sáng và rất đáng hổ thẹn. Và trong cuộc “Kháng chiến chống Mỹ cứu nước” vừa qua, còn bao nhiêu vụ việc “nhầm chiến công” như vậy mà chưa bị phát hiện ???.

Hà Nội, ngày 15 tháng 6 – 2011