Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2011

Bài của Nguyễn Xuân Tám

Nguyễn Xuân Tám là một chiến sĩ phá lôi của Bảo Đảm Hàng Hải với tiểu sử tóm lược như sau Nguyễn Xuân Tám (1943-) ,kỹ sư xây dựng,tốt nghiệp Đại học Bách Khoa (1965) ,Phòng Công Trình Ty Bảo đảm Hàng Hải (từ 1965-).Anh hiện sống tại Hà Nội và có bài viết sau đây:
NHẦM CHIẾN CÔNG
Nguyễn Xuân Tám

Vừa qua tôi vô tình nhìn thấy một tấm biển gắn trên bức tường khu nhà A, Trường Đại học Bách Khoa. Tấm biển bằng đá, nền đen hơi bạc, các dòng chữ màu vàng nhạt, dù đã trải qua mưa nắng, nhưng đọc vẫn rõ:
“Đề tài GK1 - Giải thưởng Hồ Chí Minh”. “Năm 1972, tại ngôi nhà này các nhà khoa học Trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội đã nghiên cứu thành công phương pháp rà phá thuỷ lôi từ tính và bom từ trường (Đề tài GK1) kịp thời phục vụ chiến đấu chống lại âm mưu phong toả cảng Hải Phòng, đường sông, đường biển, và các huyết mạch giao thông của ta.”
Gần nửa thế kỷ trôi qua, là một người đã từng có mặt ngay từ đầu trên trận tuyến đảm bảo giao thông đường biển, trận tuyến rà phá thuỷ lôi, nhưng ít có dịp nhớ lại và cũng chưa có điều kiện gặp mặt các đồng đội cũ để hàn huyên chuyện xưa. Hồi đó, nhiệm vụ này được coi là tuyệt mật. Theo thời gian, mọi việc đã an bài và dần đi vào dĩ vãng. Bất ngờ hôm nay, tấm biển làm tôi nhớ lại những gì tôi từng trải qua, và tôi cũng nhận ra rằng: Đề tài GK1 đã “… kịp thời phục vụ chiến đấu chống lại âm mưu phong toả cảng Hải Phòng, đường sông, đường biển, và các huyết mạch giao thông của ta.” là không đúng sự thực. Trong bài viết này, tôi chứng minh điều không đúng sự thực đó:
- Khoảng tháng 7 – 1967, sau khi nhận bàn giao thiết bị phá lôi mang ký hiệu PĐ-67-1 từ nhóm thiết kế (trong đó có các anh Ngọc Linh, Hoàng Sơn), thì tổ phá lôi Trạm 4 (Thanh Hoá) tổ chức ra quân ngay tại Lạch Trào dưới sự chỉ huy trực tiếp của Phó ty Vũ Long Vân. Tôi là kỹ sư của Trạm nên chịu trách nhiệm về kỹ thuật mà thực chất là phụ trách thao tác cầu dao phóng từ và tạo tiếng động. Trận ra quân quá thủ công và mạo hiểm. Cuộn từ được đặt trên một cái phao ở phía trước, nối cáp với một mảng bè ở phía sau, trên bè đặt máy phát điện và cầu dao tạo sung. Bè được neo chặt và nới dần dây cho bè trôi chậm qua các bãi nghi có thuỷ lôi. Máy phát điện nổ đều, cầu dao tạo sung đóng mở theo chu kỳ. Sau ba bốn tiếng đồng hồ, bè trôi được một quãng xa, hướng đến cửa sông, nhưng vẫn chưa phá được quả nào. Mọi người rất sốt ruột. Rồi một tình huống bất ngờ xảy ra: Nước thuỷ triều bắt đầu rút, tốc độ dòng chảy tăng dần, neo không giữ nổi nên bè bắt đầu trôi tự do, băng qua các khu vực nguy hiểm. Tất cả như nín thở, chờ đợi. Thật may, không có quả thuỷ lôi nào nổ tung bè lên cả. Bè trôi đến vị trí an toàn, anh Vân lệnh tất cả xuống nước, kéo kè táp vào mép bờ biển, tháo tất cả trang thiết bị, khênh bộ về cất dấu trước khi trời sáng. Trên đường về, không may bị một quả thuỷ lôi phát nổ, và một đồng đội (anh Tỉnh) hy sinh. Những lần ra quân sau đó, máy móc thiết bị được đưa lên thuyền gỗ khoảng 8 – 10 tấn cho dễ cơ động, rà phá liên tục, nhưng không kết quả. Tình hình khẩn trương, nhiêm vụ thông luồng cấp bách. anh Vân và các anh lãnh đạo Trạm (Nguyễn Trọng Khuyên và Đỗ An Bình) đành phải quyết một phương án bất đắc dĩ là dùng ca nô lướt trên luồng để kiểm tra. Người xung phong và được giao nhiệm vụ là anh Lê Văn Lợi, công nhân của Trạm 4. Sau khi thắp hương làm lễ tế sống, anh Lợi bước lên ca nô, nổ máy và phóng nhanh ra luồng, Nhìn qua ống nhòm, tôi thấy ca nô nhấp nhô, ẩn hiện chạy vát chữ chi theo quy định, mặc dù lần ấy không có quả thuỷ lôi nào nổ, mọi người căng thẳng nín lặng theo dõi, mấy cô công nhân của Trạm khóc sụt sùi, nhưng anh Lợi đã hoàn thành nhiệm vụ thông luồng quay lại bờ, mọi người chạy ào xuống đón, ôm lấy anh Lợi, thật xúc động. Trận ra quân đầu tiên này, PĐ-67-1 chưa phát huy tác dụng, nhưng rút được kinh nghiệm để tiếp tục cải tiến thiết bị, vì đó là sản phẩm sáng tạo của các kỹ sư Đường Biển với sự hỗ trợ của anh Hoàng Sơn (sĩ quan Hải quân) được biệt phái sang Ty Bảo Đảm Hàng Hải (BĐHH)
Sau đó, tôi được điều động về Phòng Công trình Ty BĐHH. Với vị trí công tác mới, tôi nhiều lần cùng với anh lãnh đạo Ty Vũ Long Vân, hoặc anh Phạm Văn Hải trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia rà phá lôi trên các tuyến, từ vùng biển Đông Bắc đến Sông Gianh, Nhật Lệ, tham gia các chiến dịch VT5,…, từng đi cùng với đội Quyết thắng của anh Thái Phong. Chính vì vậy sau đó tôi được phân công tham gia viết “Báo cáo tổng kết rà phá thuỷ lôi và bom chờ nổ năm 1967 – 1968”. Bản báo cáo đã trình bày khá đầy đủ về các phương án rà phá, về các thiết bị PĐ-67-1 (2,3) do nhóm kỹ sư Đường Biển của anh Nguyễn Ngọc Linh thiết kế và chế tạo tại xưởng BĐHH và được đội của anh Thái Phong kiểm tra trên thực địa. Trong hai năm, với PĐ 67-1(2,3) Đội của anh Thái Phong và tổ phá lôi các Trạm của BĐHH đã phá hàng trăm quả thuỷ lôi và bom từ trường. Bản báo cáo cũng đề cập và thống kê một số lần bắt sống và tháo gỡ thuỷ lôi do đơn vị của anh Thái Phong thực hiện, và đó là cơ sở quan trọng để nghiên cứu chế tạo, cải tiến thiết bị rà phá PĐ-67. Tất nhiên lúc này chưa thể xuất hiện nhóm GK1 của ông Vũ Đình Cự.
Đầu tháng 5 – 1972, đồng thời với việc dùng máy bay B.52 thả bom huỷ diệt Hà Nội, Hải Phòng, Mỹ đã cấp tập phong toả thuỷ lôi và bom từ trường bịt tất cả luồng vào các cảng, các cửa sông. Tinh hình khẩn cấp. Nhận lệnh cấp trên và dưới sự chỉ đạo trực tiếp và quyết đoán của nguyên Cục trưởng Lê Văn Kỳ, các đội, các tổ phá lôi của Ty BĐHH khẩn trương triển khai nhiệm vụ chống phong toả lần 2. Lúc này, ngoài những thiết bị PĐ-67 cải tiến, xưởng cơ khí BĐHH tập trung sàn xuất thiết bị ĐB-72-1 do nhóm các anh Linh, Đính đã nghiên cứu thiết kế trong nhiều tháng trước đó (sau này có bổ sung thêm thiết bị thiết bị 480 của TQ, nhưng đã được cải tiến tự động hoá theo đề xuất của anh Phạm Văn Hải). Vì thuỷ lôi và bom từ trường quá nhiều nên thêm một đơn vị mới được thành lập. Đó là đội phá lôi thanh niên mang tên Lê Mã Lương (ra đời ngày 19-5-1972) do anh Nguyễn Uyển làm đội trưởng. Anh Uyển đương bí thư Đoàn, một con người sôi nổi, năng động, có nhiều kinh nghiệm sông nước và có khả năng quy tụ đoàn viên. Tôi là một trong ba đội phó và phụ trách kỹ thuật. Gần 30 đoàn viên đã được chọn trong khoảng 300 lá đơn tình nguyện. Trong lúc anh Uyển khần trương ổn định tổ chức, chuẩn bị vật tư thực phẩm cho chuyến xuất kích bám biển lâu dài, tôi tranh thủ mời “vua thuỷ lôi” Thái Phong đến truyền đạt về kinh nghiệm rà phá với các giáo cụ trực quan cụ thể. Tôi tranh thủ nghiên cứu rất kỹ các tài liệu thuỷ lôi của địch, nhất là các loại bẫy chống tiếp cận và tháo gỡ. Tôi thường xuyên đến 13 Hồ Xuân Hương (trụ sở của đội anh Thái Phong) để nghiên cứu các bộ phận thuỷ lôi đã được tháo gỡ chi tiết. Tại đây, một lần tôi đã gặp đoàn các nhà khoa học Bách Khoa xuống Đường Biển xin đặt vấn đề được tham gia nghiên cứu thiết bị phá lôi. Mỗi thiết bị được lắp lên phương tiện, lãnh đạo đội lại cùng các kỹ sư Linh và Đính bàn giao hướng dẫn cụ thể, đưa tầu ra luồng kết hợp đánh thử. Đội Lê Mã Lương xuất quân và tập kết tại Cống Tây với sự cố vấn của phó ty Vũ Long Vân. Tôi lại là người được phân công chỉ huy đánh trận đầu tiên (ngày 02/6/1972) tại Lạch Triều. Trận đó đã phá được nổ một quả MK52 nằm dưới luồng sâu 30 mét nước. Sức nổ thật ghê gớm nên mũi tàu bị dựng ngược, cuộn từ văng ra nhưng bị dây cáp giữ lại treo lơ lửng, một số bu lông chân máy bị cắt, hai két dầu xê xịch vào giữa, vỏ tầu bị nứt. Tất cả thành viên đều bị chấn động mạnh và mất cảm giác trong khoảnh khắc. Sau đó mọi người đã trở lại trạng thái ban đầu, tôi bình tĩnh chỉ huy đưa tầu về Cống Tây an toàn. Sau này đội Lê Mã Lương đã ra quân đánh một trận nổi tiếng là trận phá thế phong toả tại Ngã 3 Ba Mom - Quả Soài . Đây là một trận địa thiên la địa võng vì các bãi thuỷ lôi và bom từ trường dày đặc. Nhưng dưới sự chỉ huy trực tiếp của đội trưởng Nguyễn Uyển, các phương tiện của toàn đội đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất săc. Trong trận đánh, có một quả thuỷ lôi nổ ngay cạnh tầu, đội trưởng Uyển bị hất văng xuống nước. Như bản năng của những con rái cá, anh Hồ Văn Hiệu và anh Lê Văn Bách đã kịp lao ngay xuống nước, túm lấy anh Uyển kéo lên tàu. Nếu như lúc đó thuỷ lôi nổ tiếp thì ít nhất phải có 3 người hy sinh. Trong những ngày tháng đó cho đến khi kết thúc chiến dịch, đội anh Thái Phong, đội anh Nguyễn Uyển đã ngang dọc, rà phá trên các tuyến luồng vịnh Hạ Long – Bái Tử Long, Hải Phòng, các tuyến ven biển đến Nhật Lệ. Cũng đã phá nổ hàng trăm quả thuỷ lôi, bom từ trường bằng thiết bị ĐB-72-1 (2,3). Tôi lại là người được phân công viết báo cáo về thành tích chống phongtoả của BĐHH trong giai đoạn này.
Sau hội nghị Pari, nhiệm vụ kiểm tra thuỷ lôi nghi còn sót lại và chưa nổ trên tuyến luồng Nam Triệu được đặt ra cấp bách và triển khai ngay nhằm bảo đảm thông luồng cho các tầu lớn vào Cảng Hải Phòng. Có 2 giải pháp được đưa ra xem xét:
Giải pháp một là của nhóm Bách Khoa – Vũ Đình Cự. Nhóm này đưa ra phương án dùng bừa (hoặc cào) đề rà luồng. Bừa được sản xuất thử, nhưng bị loại ngay và trở thành đồ phế thải vì phi thực tiễn nếu không muốn nói là ngớ ngẩn, vì luồng rất rộng, nhiều chướng ngại vật không thể cào được, hơn nữa thuỷ lôi nếu còn đã bị chìm sâu trong bùn từ hai đến năm sáu mét, không thể có lưỡi cào, lưỡi bừa nào chạm tới được. Một khi lưỡi cào cắm sâu được vài mét trong bùn thì mặc nhiên sẽ biến thành cái neo giữ chặt phương tiện dò tìm không thể di chuyển.
Giải pháp thứ hai là dùng máy siêu âm. Tôi không nhớ ai đã đề xuất giải pháp này, nhưng đề xuất được chấp nhận và triển khai ngay. Tôi lại được giao trực tiếp chỉ huy nhóm tiến hành công việc trên thực địa với sự tham gia về mặt chuyên môn của tiến sĩ Hàn Đức Kim. Cục trưởng Lê Văn Ký còn điều thêm anh Hùng (từ Công an vũ trang) tăng cường cho nhóm tôi (sau đó tôi biết anh Hùng là con trai của Cục trưởng). Cuộc kiểm tra căng thẳng, tỉ mỉ và không kém phần nguy hiểm. Mỗi một dấu hiệu nghi ngờ xuất hiện trên máy siêu âm thì toạ độ được xác định và cho tốp thợ lặn lặn xuống dùng thanh xăm kiểm tra. Cuộc kiểm tra đạt kết quả tốt, Lãnh đạo Cục và Ty BĐHH quyết định cho thông luồng. Thắng lợi này có công rất lớn của tiến sỹ Hàn Đức Kim, một nhà khoa học không chỉ giỏi lý thuyết mà còn có kỹ năng tay nghề của một công nhân bậc cao. một con người tận tâm, làm việc hết sức mình nhưng rất khiêm tốn. Các anh lãnh đạo Ty rất tâm đắc và khâm phục. Vậy mà, nếu tôi không nhầm, kể từ khi chia tay, chưa một lần anh Kim yêu cầu xác nhận công việc đã làm hoặc chứng nhận thành tích để đề nghị khen thưởng. Một nhà khoa học chân chính đúng nghĩa.
Năm 1974. tôi được giao nhiệm vụ đặc biệt và tuyệt mật: Trưng bày hiện vật về chuyên đề rà phá thuỷ lôi trên một con tầu và đem neo tại một địa điểm trên Vịnh Bái Tử Long. Trong hơn nửa tháng, tại con tầu này tôi đã lần lượt đón tiếp nhiều đoàn lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các tướng lĩnh cao cấp quân đội,… Tôi đã thuyết minh về cuộc chiến chống phong toả của ngành Đường Biển , giới thiệu các thiết bị rà phá do các kỹ sư và công nhân Đường Biển thiết kế và chế tạo. Sau đó nhiệm vụ này được lặp lại tại phòng trưng bày đặc biệt của Bộ Tư lệnh Quân Khu 3 (Kiến An). Tại đây tôi đã trực tiếp thuyết minh cho Đại tướng Hoàng Văn Thái.
Khi quân ta đang tiến công Thừa Thiên - Huế, tôi nhận lệnh dùng tầu gắn thiết bị phá lôi chạy cấp tập vào phía Nam, kiểm tra, rà quét tuyến ven biển, các cửa sông của các vùng đã giải phóng. Tôi lên đường với một tầu VS, gắn thiết bị ĐB-72-1 do thuyền trưởng Trần Công Bình, và máy trưởng Lai điều khiển. Cùng đi còn có anh Trần Nguyên (sau này là TGĐ Tổng Công ty Nạo vét Biển). Tầu chúng tôi đã rà quét kiểm tra các khu vực từ cửa Thuận An đến cảng Nha Trang, kể cả các bến đỗ của đảo Lý Sơn, Cù lao Chàm, Cù lao Xanh. Ở Nha Trang, bất ngờ tôi lại “bị” giao nhiệm vụ đột xuất đặc biệt: Chở đ/c TBT Lê Duẩn đi quan sát quanh vịnh. Đây là nhiệm vụ cực kỳ nguy hiểm, vì lúc đó chưa thể khẳng định trong vịnh có hay không có thuỷ lôi, hơn nữa trên Hòn Tre còn rất nhiều lính Nguỵ rút chạy không kịp. Một lần nữa trời phù hộ, chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ một cách an toàn.
Từ các sự việc cụ thể nêu trên, tôi có thể khẳng định chắc chắn rằng suốt từ năm 1972 cho đến 1975, trên trận tuyến chống phong toả đường biển, tất cả các thiết bị rà phá lôi mà tôi và đồng đội từng sử dụng không hề có sản phẩm nào thuộc “Đề tài GK1” của ông Vũ Đình Cự. Vậy mà hàng chục quả thuỷ lôi đã được tháo gỡ, hàng trăm quả thuỷ lôi và bom từ trường đã bị phá. Tất cả các tuyến luống biển đều được rà quét và giải phóng, kịp thời phục vụ vận tải trong chiến tranh.
Trong khi viết những dòng này, tôi đã điện xin anh Thái Phong một số tài liệu lưu trữ. Anh Thái Phongđã chuyển cho tôi hai văn bản có từ lâu mà tôi không hề biết:
- Đó là bức thư của nguyên Cục trưởng Lê Văn Kỳ gửi ông Vũ Đình Cự (thư đề ngày 08/7/2003) sau khi tập thể của nhóm Bách Khoa - Vũ Đình Cự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh cho “Đề tài GK1”. Trong thư, ông Lê Văn Kỳ, bằng những dẫn chứng cụ thể đã vạch ra rằng các thành tích của nhóm Bách Khoa – Vũ Đình Cự là không có thật. Cuối thư ông Lê Văn Kỳ viết: “Qua những sự việc ấy tôi thấy phải đặt vấn đề xem động cơ làm việc của các anh có trong sáng hay không. Mặt khác với tư cách người đã giúp đỡ các anh tôi có quyền hỏi xem các anh đã đóng góp được gì cho đất nước”. Bức thư đã không hề có phản hồi.
- Đó là văn bản viết tay của ông Vũ Đình Cự trả lời anh Nguyễn Thái Phong (thư đề ngày 4/1/2008), với nội dung thanh minh về thành tích tưởng tượng của mình. Dù giả vờ đổ lỗi cho Vụ Khoa học Kỹ thuật (Bộ GTVT), cho báo chí tuyên truyền, nhưng ông Cự vẫn phải thừa nhận: “Đến nay, nghĩa là sau 35 năm mới có thông tin rằng khi tàu này xong đưa đi rà phá thì đã rà phá xong rồi”, ông Cự còn vớt vát: “Như vậy lỗi là do thiếu thông tin” (?)
Thế là đã rõ: Chỉ vì “lỗi là do thiếu thông tin”(?) mà “… rằng khi tàu này xong đưa đi rà phá thì đã rà phá xong rồi” (?). và cũng chỉ vì “lỗi là do thiếu thông tin”(?) mà các chiến công của các kỹ sư – công nhân thiết kế - chế tạo; của các tập thể - cá nhân quyết tử của ngành Đường Biển trên trận tuyến rà phá lôi bỗng “nhầm” thành chiến công của “Đề tài GK1”. Sự “nhầm” này giống như một trò ảo thuật, để rồi nghiễm nhiên “Đề tài GK1” được khen tặng giải thưởng Hồ Chí Minh. Còn những tập thể, cá nhân thực sự đã từng lập nên chiến công to lớn, xứng đáng được nhận các phần thưởng cao quý của Nhà nước đã bình thản bước vào cuộc sống đời thường sau chiến tranh. Cho đến hôm nay sau gần nửa Thế kỷ vẫn không một lời đòi hỏi, không một lần thắc mắc…
Tôi bỗng nhớ tới câu chuyện chiếc xe tăng đầu tiên nào đã đâm đổ cánh cổng Dinh Độc Lập và câu chuyện ai là người đã viết lời “Tuyên bố đầu hàng” cho tướng Dương Văn Minh đọc… Tại sao lại có thể có hành vi “nhầm chiến công”? Hành vi đó không thể trong sáng và rất đáng hổ thẹn. Và trong cuộc “Kháng chiến chống Mỹ cứu nước” vừa qua, còn bao nhiêu vụ việc “nhầm chiến công” như vậy mà chưa bị phát hiện ???.

Hà Nội, ngày 15 tháng 6 – 2011

Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2011

Những ghi chép từ Hà LIễu

Trong danh sách những chiến sĩ phá lôi của Bảo Đảm Hàng Hải,anh em thường nhắc tới Hà Liễu .Tóm tắt lý lịch của anh có thể nêu vài dòng như sau:HÀ LiỄU (1926-) quê Quy Nhơn ;Cao đẳng Giao Thông Công Chính (1961) ;Trưởng phòng Công Trình BĐHH (1968);Trưởng phòng Kế hoạch BĐHH (1972) về hưu 1980; Liên lạc :0563 941086;thư từ :264/34 Âu Cơ Phú Tài p. Bùi Thị Xuân Quy Nhơn .Ở độ tuổi U80 mà trí nhớ của bác Liễu vẫn rất minh mẫn .Vừa qua,anh Nguyễn Tiến Hà có thực hiện một cuộc du lịch xuyên Việt,dừng chân tại Quy Nhơn và tới thăm Hà Liễu .Những clip ghi chép dưới đây giúp ta hình dung thêm cuộc chiến chống phong tỏa dưới một góc nhìn của người trong cuộc ,vừa là chiến sĩ trực tiếp ,vừa là nhà quản lý sau này.
1/Câu chuyện về Nguyễn Tài Vân,trạm trưởng phá lôi (trạm 05) Cảng Bến Thủy hy sinh


2/Chuyến đưa các cán bộ của Ban Kinh Tế Trung Ương đi thị sát tuyến Việt-Trung
Tuyến Việt -Trung H1-H 5 là tuyến len lỏi giữa các đảo Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long.Phải bảo đảm chuyến đi an toàn.Thuyền trưởng Nguyễn Văn Trí không bằng cấp ,đưa tàu len lỏi giữa các đảo.Khi hòa bình,anh Trí làm nghề đạp xích lô


3/