Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 31 tháng 7, 2010

BÁO HÀ NỘI MỚI VIẾT VỀ GK1 NGÀY 21/01/2010


Gian trưng bày những thành tựu kỹ thuật của Viện Vật lý kỹ thuật tại triển lãm Techmart 2009. Ảnh: Bích Ngọc
Về nơi ra đời “GK1”
Theo Hà Nội Mới - 21/01/2010
Về nơi ra đời “GK1”
21/01/2010 06:59

(HNM) - Một trong những thành tựu khoa học công nghệ được Bộ KHCN điểm đến khi tổng kết 50 năm xây dựng và phát triển của ngành là đề tài phá thuỷ lôi từ tính và bom từ trường của đế quốc Mỹ mang mã số GK1.
(HNM) - Một trong những thành tựu khoa học công nghệ được Bộ KHCN điểm đến khi tổng kết 50 năm xây dựng và phát triển của ngành là đề tài phá thuỷ lôi từ tính và bom từ trường của đế quốc Mỹ mang mã số GK1.
Được mời lên diễn đàn trong hội nghị tổng kết để nói về công trình giúp tập thể các nhà khoa học của Khối Vật lý, tiền thân của Viện Vật lý kỹ thuật (ĐH Bách khoa Hà Nội) được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1, Giáo sư Vũ Đình Cự không nói nhiều về "GK1" mà dành thời gian quý giá để bày tỏ những mong mỏi đối với sự phát triển của KHCN nước nhà trong tương lai. Tâm huyết của vị giáo sư đáng kính đã thôi thúc tôi tìm về nơi cho ra đời "GK1".

Những cán bộ lãnh đạo Viện hiện nay khá bất ngờ trước sự xuất hiện của tôi, còn tôi sau một hồi tìm hiểu, cũng không khỏi ngạc nhiên trước sự đóng góp cho sản xuất và quốc phòng của các nhà khoa học ở đây thông qua các đề tài nghiên cứu. Hoá ra, không chỉ trong những năm chiến tranh và không chỉ với "GK1", kết quả nghiên cứu của các thầy, cô giáo đã được đưa vào phục vụ quốc phòng ngay trong thời bình và với nhiều sản phẩm có ý nghĩa, như điện mặt trời phục vụ chiến sĩ đảo Trường Sa, vật liệu từ và linh kiện dùng để sửa chữa, chế tạo khí tài cho bộ đội thông tin... Và không chỉ có phục vụ quốc phòng, nhiều sản phẩm của trí tuệ và tâm huyết được sinh ra trong các phòng thí nghiệm với trang thiết bị hiện đại đã vào các trường học và nhiều ngành sản xuất.

Có thể kể đến là các bộ thí nghiệm vật lý cho gần 100 trường ĐH, CĐ kỹ thuật, hàng nghìn trường trung học phổ thông hay những thiết bị rất gần với cuộc sống, như máy khử trùng thực phẩm cho rau quả bằng khí ozone... Khó có thể kể một cách cụ thể về những kết quả nghiên cứu của Viện mà chỉ có thể gói gọn bằng mấy con số: trong 25 năm chủ trì hơn 50 đề tài cấp nhà nước, hàng chục đề tài cấp bộ, 10 dự án sản xuất thử; công bố gần 1.000 công trình trên các tạp chí chuyên ngành, hội nghị khoa học quốc gia và quốc tế; hằng năm công bố khoảng 20 bài báo trên các tạp chí có uy tín trên thế giới.

Là cơ sở đầu tiên đào tạo kỹ sư vật lý, lại mang mô hình viện trong trường đại học chưa từng có ở nước ta, nhưng Viện Vật lý kỹ thuật đã thành công ở cả 2 nhiệm vụ chính: nghiên cứu khoa học và đào tạo. Cơ sở để làm nên thành công đó được những người đương thời lý giải là nhờ truyền thống của một bộ môn ra đời từ những ngày đầu thành lập Trường ĐH Bách khoa Hà Nội vào năm 1956 với những người thầy tên tuổi, như Bùi Ngọc Quỳnh, Lê Băng Sương, Lương Duyên Bình, Vũ Thanh Liêm, Nguyễn Hữu Hồ, Dư Chí Công, Vũ Đình Cự, Nguyễn Xuân Chánh và sự năng động khi gắn được đào tạo với nhu cầu xã hội. Nối tiếp truyền thống của thế hệ đi trước, hiện 86 cán bộ của viện có 3 GS, 10 PGS, 24 tiến sĩ và tiến sĩ khoa học, 29 thạc sĩ. Ở đây, các cán bộ trẻ luôn được quan tâm, tạo điều kiện để nâng cao trình độ và được làm việc trong môi trường nghiên cứu. Có lẽ bởi thế, Viện đã thu hút được nhiều người tài, mới đây nhất là tiến sĩ mới 27 tuổi Nguyễn Ngọc Tuấn, người được Giáo sư Kopaev Yuri Vasilevich, Viện sĩ Thông tấn Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Giám đốc Phân viện Vật lý chất rắn thuộc Viện Vật lý mang tên Lebedev đánh giá là một tài năng hiếm có trong lĩnh vực vật lý và mời ở lại làm việc tại Liên bang Nga.

Vật lý kỹ thuật là một ngành kỹ thuật cao, mang tính liên ngành với nội dung đào tạo không trùng lắp với các khoa đào tạo truyền thống. Sinh viên của Viện được cung cấp những kiến thức khoa học cơ bản về khoa học vật lý và các công cụ toán - tin học để vừa có khả năng độc lập nghiên cứu, vừa có kỹ năng vận dụng thực hành công nghệ trong chuyên ngành được đào tạo, có kiến thức tổng quan về các liên ngành liên quan đủ sức nắm bắt được các công nghệ mới. Bởi thế, sau khi ra trường, họ đã phát huy tốt trên các cương vị công tác tại nhiều cơ sở đào tạo, nghiên cứu, xí nghiệp, doanh nghiệp...

Những thành công trên là tiền đề để Viện Vật lý kỹ thuật trở thành viện nghiên cứu và đào tạo mạnh trong một trường ĐH công nghệ trọng điểm - Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Đây là điều sẽ không còn khiến tôi phải ngạc nhiên.

Thứ Ba, 27 tháng 7, 2010

CẦN ĐƯA RA TRƯNG BÀY CHIẾC TÀU TANKIST LỊCH SỬ

Trong các hiện vật của Bảo Tàng Cách Mạng Việt Nam có một hiện vật quý hiếm ,đó là cả một chiếc tàu to lớn ,hiện đang được bảo quản tại Cảng sông Ninh Bình.Đó là chiếc tàu tankist ,dân ta thường gọi là tăng –kích ,một loại tàu chở xe tăng có nhiều chiến công trong cuộc chiến tranh vừa qua.để tìm hiểu về con tàu này ta thử đọc cuốn Bách Khoa Hàng Hải và Đóng Tàu :

“Tàu tankist há mồm – tàu đổ bộ có sức chở một xe tăng T-54 (vì thế quen gọi là tàu tăng kích há mồm,tên gọi có lẽ xuất phát từ tankist- танкист- tiếng Nga là chiến sĩ lái xe tăng) hay 20 lính hay 50 tấn hàng ,thuộc loại десантный катер,kích thước dàix rộng x cao x mớn nước LxBxHxT =20,5 x 5,6 x 2,06x1,22 mét,đặt hai máy 3Д12 do nhà máy đóng tàu Azov (Азовская судоверфь ,trên sông Đôn,gần biển Azov nước Nga) chế tạo.Ngoài ra Trung Quốc cũng chế tạo theo thiết kế tương tự.Được Liên Xô và Trung Quốc viện trợ vào những năm 60 cho Hải Quân và Cục Vận Tải Biển,các tàu này ngoài nhiệm vụ rút hàng nhanh từ các tàu vào cảng, còn làm các nhiệm vụ sau đây:
1/Vận chuyển xe tăng cho các chiến dịch
2/Sử dụng tốc độ cao để phá lôi bằng cách dũng cảm lướt nhanh vào bãi thủy lôi để kích nổ và thoát nhanh ra ngoài.điển hình là trường hợp tàu mang số hiệu 154 với thuyền trưởng Dương Hải Rê
3/Dùng con tàu làm lõi từ để quấn cuộn dây kích từ ,biến con tàu thành tàu rà phá lôi.Có ba phương án đã được thực hiện
A) tàu rà phá lôi số hiệu 160 của Cục Vận Tải Biển ,mang thiết bị phá lôi ký hiệu ĐB 72-3 ,với một cuộn dây bọc ngoài con tàu,và máy phát điện một chiều.Con tàu dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Vũ Đình Kính đã phá nổ 161 thủy lôi các loại
B) tàu rà phá lôi mang số hiệu V 412 và sáu tàu tiếp theo cùng lớp mang số hiệu V 414,V 416,V 418,V 420,V422,V 409 thuộc Trung đòan 701 Hải Quân trang bị hai cuộn dây bọc ngoài tàu ,hai máy phát điện một chiều .Ngày 21/07/1972 tàu V 412 đã phá nổ thủy lôi đầu tiên
C) tàu rà phá lôi mang số hiệu 173 của Cục Vận Tải Biển trang bị thiết bị ĐB 72-4 tức là cuộn dây đặt trong lòng con tàu và máy phát điện xoay chiều,cấp dòng một chiều qua bộ chỉnh lưu do Đại Học Bách Khoa thiết kế và cung cấp .Khi con tàu hoàn tất ,cuộc chiến tranh chống phong tỏa đã kết thúc
Hiện nay,tại Bảo Tàng Cách Mạng Việt Nam còn lưu giữ một chiếc tàu tankíst mang số hiệu 173
Những thuyền trưởng lái tàu tankist chở xe tăng :
1/Nguyễn Mạnh Trinh
2/Lê Nhật Quang
3/Nguyễn Bá Trí
4/Trần Đức Thịnh
5/Nguyễn Ngọc Hùng
6/Hồ Thái Hùng
7/Trần Văn Yên
8/Nguyễn Duy Hồ

Những thuyền trưởng lái tàu tankist lướt phá lôi:
1/Dương Hải Rê
2/Nguyễn Duy Hồ
3/Nguyễn Mạnh Trinh
4/Nguyễn Ngọc Hùng”
(hết trích dẫn )
Trao đổi bằng điện thoại với Trưởng Phòng Hành Chính Cảng Ninh Bình ngày 20/07/2010.chúng tôi được biết Cảng vẫn cố gắng bảo quản tốt con tàu,che mưa che nắng nhưng yêu cầu chủ tàu –tức Bảo Tàng Cách Mạng Việt Nam-cần cho sơn sửa,bảo quản ,nếu không tàu xuống cấp rất nhanh.Là người nghiên cứu,lập hồ sơ về các con tàu này,chúng tôi cho rằng đây là hiện vật duy nhất còn lại nguyên vẹn ,phản ảnh một thời chiến tranh hào hùng về chống phong tỏa,mà các thế hệ trẻ cần được biết.Chúng tôi mong Bảo Tàng nghiên cứu và có biện pháp bảo quản tốt,nhanh chóng đưa hiện vật ra trưng bầy .
Đỗ Thái Bình
Kỹ sư đóng tàu

TƯỞNG NHỚ GIÁO SƯ TẠ QUANG BỬU

Chúng ta vừa long trọng kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố giáo sư Tạ Quang Bửu,một nhà khoa học yêu nước ,đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.Với lòng tôn kính giáo sư,một nhà trí thức tiêu biểu,với những hiểu biết về cuộc sống giản dị ,không màng danh lơi của giáo sư mà bản thân người viết cũng có một số mối quan hệ gia đình,tôi muốn nói rằng chúng ta cần đinh chính lại những sai sót có thể do quá yêu mến giáo sư hay do nhiều động cơ khác nhau viết sai lệch về tiểu sử của Người.Là một người nghiên cứu về cuộc chiến tranh chống phong tỏa vừa qua,tôi muốn nhắc lại việc giáo sư tham gia cuộc chống phong tỏa như thế nào,có phải như trang Bách Khoa mở Wikipedia hay nhiều ý kiến cho rằng :
“…..Ngoài công tác giáo dục, ông vẫn tham gia hoạt động trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật quân sự. Mùa hè năm 1972,Tổng thống Mỹ Richard Nixon ra lệnh thả thủy lôi trên sông biển và phong toả cảng Hải Phòng. Ông đã trực tiếp chỉ đạo một tổ nghiên cứu thiết kế, chế tạo khí tài phá thuỷ lôi (mật danh GK1) để chống lại thủy lôi chiến lược MK 52 của Mỹ, khí tài phá bom từ trường (mật danh GK2) do Tiến sĩ Vũ Đình Cự làm tổ trưởng.”
Như ta đều biết,để ngăn chặn việc tiếp viện cho cuộc chiến tranh giải phóng,ngay từ năm 1967,Mỹ đã thực hiện cuộc chiến tranh phong tỏa các cảng miền Bắc,chủ yếu là cảng Hải Phòng bằng thủy lôi ,một cuộc chiến tranh thủy lôi lớn nhất trong lịch sử theo đánh giá của họ (hai cuộc chiến kia là trận phong tỏa Incheon trong chiến tranh Triều Tiên và cuộc phong tỏa trong chiến tranh Iraq).Kết quả là chúng ta đã chiến thắng,vẫn giữ vững được tuyến đường vận tải giải tỏa hàng ra khỏi cảng Hải Phòng trong các chiến dịch VT05,vẫn tiếp tế cho cuộc chiến tranh giải phóng dẫn tới thắng lợi lịch sử 30/04/1975,thống nhất đất nước.Chiến thắng thủy lôi,công đầu trước hết phải thuộc về những người làm nghề vận tải sông biển ,đã tự mình tìm cách đánh phá các vũ khí thủy lôi của địch,với sự hướng dẫn của các lực lượng công binh và hải quân,một ví dụ hùng hồn về cuộc chiến tranh nhân dân vừa qua .Đó là những người làm nghề chài lưới phát hiện thủy lôi,là những cô gái làm nhiệm vụ đếm bom,là những kỹ sư tốt nghiệp đại học Bách Khoa hay Giao Thông-những học trò trực tiếp hay gián tiếp của giáo sư Bửu-đã thiết kế ra các tàu thuyền mang khí tài phá bom tự chế,là những thủy thủ gan dạ -từ người vận tải trở thành chiến sĩ phá lôi không đeo quân hàm-điều khiển các con tàu có ống phóng từ xông xáo giữa các bãi lôi dày đặc…Chỉ tới tháng 7 năm 1972,được sự đồng ý của Cục Trưởng Cục Vận Tải Đường Biển,những thầy giáo của Trường Bách Khoa mới bắt tay vào nghiên cứu thủy lôi và Cục đã cử người hướng dẫn ,thuyết minh và đem cả mẫu bom lên Hà Nội cho Trường nghiên cứu.Nhận được một số kết quả rất hạn chế của Trường như chiếc bừa bãi bom,bản tính cuộn dây từ trường,thiết kế hệ nắn điện một chiều…tất cả đều không được áp dụng trong thực tế của Đường Biển và cuộc chiến phong tỏa đã kết thúc .Điều đáng tiếc là do nhiều lý do trục trặc về thông tin (?),tất cả dư luận đều được hiểu sai lệch ,hình như mô hình cuộc chống chiến tranh phong tỏa vừa qua là khoa học kỹ thuật đã được nghiên cứu từ trên,thông qua triển khai áp dụng,đã hướng dẫn cho đường biển và hải quân giành được thắng lợi .Và tấm biển hiện nay tại Trường Bách Khoa còn ghi rõ:” Đề tài GK1 Giải thưởng Hồ Chí Minh
Năm 1972, tại ngôi nhà này, các nhà khoa học trường Đại học Bách Khoa Hànội đã nghiên cứu thành công phương pháp rà phá thủy lôi từ tính và bom từ trường (Đề tài GK1) kịp thời phục vụ chiến đấu chống lại âm mưu phong tỏa Cảng Hải Phòng, đường sông, đường biển và các huyết mạch giao thông của ta.”
Để thiết thực tưởng nhớ tới giáo sư Tạ Quang Bửu ,tôi đề nghị:
1/Việc một số người cố tình gắn tên giáo sư với cuộc chiến chống phong tỏa là có mục đích cá nhân,không lành mạnh.Cần có một hội thảo khoa học thực sự về đề tài mày vì các chứng nhân hiện còn sống:Cục Trưởng Đường Biển,các kỹ sư và công nhân chế tạo các thiết bị phá lôi của Đường Biển và Hải Quân ,các thày giáo của Bách Khoa
2/Xin kêu gọi lòng dũng cảm,trung thực của các thày giáo Bách Khoa,trước hết là giáo sư Vũ Đình Cự nên mạnh dạn trình bày sự thật trước công luận,đừng để mang tiếng là đạo văn trong khoa học,nhất là lại cố đưa hình ảnh của giáo sư Bửu đáng kính vào trong công việc của mình.Cần gỡ ngay tấm biển tại Bách Khoa để thế hệ trẻ hiểu đúng sự thật,không nghĩ xấu về các thày giáo của mính !
ĐỖ THÁI BÌNH
Tác giả “Bách khoa Đóng Tàu và Hàng Hải”