Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 19 tháng 9, 2011

Hàm Châu,Nguyễn Lân Dũng,Nguyễn Lãm,Vũ Minh Mão viết về sự ra đi của GS Vũ Đình Cự

09/09/2011 02:00:29 PM
untitled3.jpg
Nguyên Phó chủ tịch Quốc hội Vũ Đình Cự (ở giữa).

Giáo sư Vũ Đình Cự từ trần

ICTnews - Theo tin từ Văn phòng Quốc hội, GS, TSKH Vũ Đình Cự, Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng khóa VII, VIII, Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam đã đột ngột từ trần vào ngày 7/9/2011 tại Bệnh viện Quân đội 108 sau một cơn bệnh hiểm nghèo.

vu-dinh-cu.jpg

GS, TSKH Vũ Đình Cự sinh ngày 15/2/1936 tại xã Đông Xuân, huyện Đông Hưng, Thái Bình. Ông từng là cán bộ giảng dạy của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội từ năm 1956, tổ trưởng Bộ môn Vật lý chất rắn; những năm 1960 - 1967 ông tốt nghiệp học vị tiến sỹ và tiến sỹ khoa học về vật lý chất rắn tại Trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp (Liên Xô); năm 1977, ông là Phó Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam; từ năm 1984, kiêm giữ chức Viện trưởng Viện Công nghệ Quốc gia; ông là Ủy viên BCH Trung ương Đảng các khóa VII, VIII; từ năm 1992, ông là Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (khóa IX); năm 1997, ông là Phó Chủ tịch Quốc hội kiêm Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (khóa X). Với những cống hiến to lớn của mình, ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ (công trình tập thể); Huân chương Lao động hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến hạng Nhì; Huân chương Chiến công hạng Nhì, Huân chương Độc lập hạng nhất.

Lúc sinh thời, GS, TSKH Vũ Đình Cự luôn gắn bó và có những đóng góp to lớn trong việc phát triển các lĩnh vực KH-CN nói chung và ngành BCVT, CNTT Việt Nam nói riêng. Trên các cương vị công tác của mình, GS, TSKH Vũ Đình Cự luôn nỗ lực không biết mệt mỏi cho sự phát triển của KH, CN, nhất là CNTT-TT ở Việt Nam, từ việc ban hành các chủ trương, cơ chế, chính sách, đến việc phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức, thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng … Ông đã được Tổng cục Bưu điện tặng Huy chương Vì sự nghiệp Bưu điện (năm 2002)

GS, TSKH Vũ Đình Cự cũng là cộng tác viên thân thiết của Báo Bưu điện Việt Nam trong những năm qua. Không chỉ viết cho Báo nhiều bài viết sâu sắc, uyên bác về những phát kiến, những vấn đề mới nhất của khoa học, công nghệ cao, ông còn thường xuyên có sự quan tâm, cho ý kiến về sự phát triển của Báo.

Báo Bưu điện Việt Nam xin bày tỏ lòng tiếc thương sâu sắc về sự ra đi của GS, TSKH Vũ Đình Cự và xin chia buồn cùng gia quyến của GS.

Bưu điện Việt Nam

Nguyễn Lãm
Ấn tượng sâu sắc mà GS, TSKH Vũ Đình Cự ghi đậm trong lòng tôi là sự ham mê nghiên cứu khoa học, tinh thần trách nhiệm cao và sự gần gũi, trao đổi thẳng thắn. Ông đã qua đời ngày 7/9/2011, sau nhiều năm gắn bó với Điện tử - Tin học - Viễn thông.

GS TSKH Vũ Đình Cự.
Tôi được biết GS từ những năm 60 của thế kỷ trước khi GS đang làm nghiên cứu sinh ở Đại học Lômônôxôp. Về nước thì mãi đến năm 1990, tôi mới có dịp làm việc cùng GS trong chương trình Điện tử - Tin học - Viễn thông do GS làm chủ nhiệm. Ấn tượng sâu sắc mà GS ghi đậm trong lòng tôi là sự ham mê nghiên cứu khoa học, tinh thần trách nhiệm cao và sự gần gũi, trao đổi thẳng thắn. GS mong muốn gắn các lĩnh vực điện tử, tin học và viễn thông vào một hướng tạo ra các sản phẩm công nghệ cao nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước. Thông qua chương trình này mà tin học tiếp tục xâm nhập sâu vào bộ máy cơ quan nhà nước từ Văn phòng Quốc hội, Văn phòng chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng, đến các bộ, ngành, các địa phương.

Chẳng hạn, đề tài “Xây dựng hệ thống thông tin tư liệu các dữ liệu về khoa học, công nghệ và môi trường” do ông Vũ Minh Mão - Văn phòng Quốc hội làm chủ nhiệm cũng đã xây dựng được một cơ sở ban đầu cho hệ thống thông tin khoa học, công nghệ, môi trường của Quốc hội, chuẩn bị cho việc triển khai một dự án được đầu tư lớn hơn cho hệ thống này. Một số ý tưởng ứng dụng tin học táo bạo như Hội chẩn bệnh từ xa rồi phát triển cho phẫu thuật từ xa mà gần đây nhất truyền hình có đưa tin phẫu thuật ở Trường sa với sự trợ giúp trực tuyến của đất liền cũng phôi thai từ chương trình này.

GS Vũ Đình Cự sinh ngày 15/2/1936 tại xã Đông Xuân, huyện Đông Hưng, Thái Bình.

Ông từng là cán bộ giảng dạy của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Từ năm 1960 đến năm 1967 ông là nghiên cứu sinh của Trường Đại học Tổng hợp Lô-mô-nô-xốp (Liên Xô), bảo vệ thành công Phó tiến sĩ, rồi Tiến sĩ khoa học tại đây.

Về nước, sau khi rời trường ĐH Bách khoa, ông là Phó Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam kiêm giữ chức Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia (1984-1992). Ông là Ủy viên BCH Trung ương Đảng các khóa 7, 8; Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khóa 9; Phó Chủ tịch Quốc hội kiêm Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khóa 10, 1997 - 2002.

GS đã được tặng thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ (công trình tập thể); Huân chương Lao động hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến hạng Nhì; Huân chương Chiến công hạng Nhì, Huân chương Độc lập hạng nhất.

Vào dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Hội Tin học Việt nam (17/12/1988 - 17/12/2008), GS đã gửi gắm tâm tình của mình trong bài “20 năm CNTT-TT gian nan mà anh dũng”. Bài viết đã thể hiện phần nào trí tuệ của GS qua những dự báo về một số xu hướng phát triển CNTT-TT đến năm 2020, như khả năng đột phá của máy tính lượng tử, sự tích hợp điện thoại di động và máy tính bỏ túi, sự phát triển Internet, điện toán lưới, điện toán mây, sự tích hợp CNTT-TT với công nghệ sinh học, công nghệ nano, công nghệ vật liệu tiên tiến tạo ra những sản phẩm mới. GS dự báo dung lượng thông tin khổng lồ mà loài người tạo ra đến năm 2020 sẽ bằng 115 exabytes và sức tạo nội dung trung bình của mỗi người sẽ là 15GB. GS có một nhận xét hóm hỉnh, sâu sắc: “Vì sự vô giá của thông tin, tri thức nên sự phát triển của CNTT-TT chỉ sinh ra nhiều tỷ phú mà chậm làm cho thế giới “phẳng ra””.

Ngành CNTT-TT nước ta đang cố gắng làm cho những điều GS đã gửi gắm trong dịp kỷ niệm 20 năm Thành lập Hội Tin học Việt Nam trở thành hiện thực. Khi đó ông viết: “CNTT-TT cho năm 2020 phải là một bước tiến mạnh mẽ vượt qua được các thách thức, chắc chắn rất ghê gớm, để kịp bước của tương lai; dựa vào nguồn lực trong nước đồng thời liên doanh để có thêm nguồn lực nước ngoài; đào tạo nguồn lực chuyên gia với cách làm đa dạng, nhiều chiều; tăng dịch vụ thiết kế trong lĩnh vực CNTT-TT; có khuyến khích đặc biệt và quỹ rủi ro cho các loại máy vạn năng bỏ túi; tiếp cận sớm với máy tính rẻ cho mẫu giáo và tiểu học; có ngay các xí nghiệp chế tạo vật liệu mới, linh kiện phụ trợ nhằm vào một loạt máy móc hoặc xuất khẩu, dựa vào thế mạnh về vật liệu sẵn có mà lại cần cho CNTT-TT…”.

Trước sự ra đi của GS, tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình GS và đồng nghiệp.

Vũ Đình Cự – đam mê khoa học

Tôi quen anh Cự từ thuở hàn vi. Căn phòng anh ở và làm việc rộng 10m2 nằm cạnh tòa nhà A trong khu Bách khoa. Trong phòng kê một tấm bảng lớn, một giá sách, một cái bàn con. Dạo ấy chưa có máy vi tính nên cuốn sách, cây bút và viên phấn là ba “người bạn chí cốt” của anh. Kể ra anh còn có thêm một “người bạn” nữa: phòng thí nghiệm. Buổi tối chủ nhật, anh cũng xin nhà trường cho phép được “sống chung” với “người bạn” ấy!

Nếu nhìn lên căn gác nhỏ đầu cầu thang A mà không thấy sáng đèn, tức là anh Cự đang ở phòng thí nghiệm!

Anh đọc nhiều, lần mò tìm hướng nghiên cứu. Lúc bấy giờ, giáo sư Tạ Quang Bửu làm hiệu trưởng trường anh. Giáo sư gợi ý cho anh đi vào một ngành có nhiều ứng dụng: vật lý chất rắn. Chọn được hướng đi rồi, anh cảm thấy khỏi bị lạc lối giữa rừng sách.

Năm 1965 tại Matxcơva, Vũ Đình Cự bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ. Hội đồng khoa học đề nghị nước ta cho phép anh ở lại Liên Xô thêm một thời gian để phát triển công trình thành luận án tiến sĩ khoa học.

Sang giai đoạn này, anh phải tự lập hoàn toàn, không có giáo sư hướng dẫn gợi ý và kiểm tra từng khâu như trước. Phải tự mình vạch ra hướng tìm tòi lý thuyết và tiến hành các thí nghiệm chứng minh. Có những thí nghiệm đòi hỏi phải sáng chế những thiết bị mới toanh, chưa hề có trong bất cứ phòng thí nghiệm tiên tiến nào! Anh Cự đến các nhà máy, nêu ra yêu cầu rồi đặt họ chế tạo theo mẫu thiết kế đơn chiếc do anh sáng chế.

Tháng 3-1967, chỉ 15 tháng sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ, anh Cự bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học. Tại buổi bảo vệ, vị đại diện Trường Lomonosov nói: “Với niềm tự hào, Đại học Matxcơva chúng ta tặng học vị tiến sĩ khoa học toán – lý cho người Việt Nam đầu tiên. Như vậy, chúng ta đã thực hiện lời hứa với các đồng chí lãnh đạo Việt Nam khi các đồng chí ấy đến thăm trường là đào tạo cho Việt Nam những nhà khoa học có trình độ cao. Chúng ta nhờ đồng chí Vũ Đình Cự báo cáo lên Thủ tướng Phạm Văn Đồng kính mến rằng chúng ta đã và sẽ thực hiện lời hứa của mình”.

Các công trình của Vũ Đình Cự được trích dẫn nhiều ở Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Đức… Một tạp chí vật lý quốc tế công bố công trình thực nghiệm của Maccosi và Chen Cheng nhan đề “Sử dụng lý thuyết màng mỏng từ tính của Vu Dinh Ky để chế tạo các bộ nhớ của máy tính điện tử”. “Vu Dinh Ky” chính là họ tên anh Cự được chuyển chữ từ tiếng Nga sang tiếng Anh.

Tại hội nghị quốc tế về màng mỏng năm 1970 ở Tiệp Khắc, đoàn đại biểu Mỹ phân phát một cuốn sách giới thiệu các kết quả ứng dụng “lý thuyết Vu Dinh Ky” để sáng chế linh kiện máy tính. Giới khoa học Pháp cũng thông báo về kết quả ứng dụng “lý thuyết Vu Dinh Ky” để làm bộ nhớ máy tính.

Là một nhà vật lý đam mê nghiên cứu nhưng Vũ Đình Cự không tự nhốt mình trong “tháp ngà” học thuật. Ông lãnh đạo nhóm GK1 (G là giao thông, K là bách khoa) nghiên cứu biện pháp rà phá thủy lôi và bom từ trường trong những năm chống Mỹ. Cùng với hải quân, công binh và các ngành đường biển, đường sông, đường bộ, tổ GK1 đã có những đóng góp xứng đáng, được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Sau ngày đất nước thống nhất, Vũ Đình Cự ngày càng tham gia nhiều hơn vào công tác lãnh đạo khoa học và công nghệ, với những cương vị cao như ủy viên Trung ương Đảng, phó chủ tịch Quốc hội…

Đối với thế hệ trẻ, ông là tấm gương về niềm đam mê khoa học cũng như về thái độ hiến thân cho nghĩa vụ công dân trong những thời khắc nghiệt ngã của lịch sử.

HÀM CHÂU

“Tôi kém anh hai tuổi nhưng anh vẫn giữ tình thân bằng hữu cho mãi đến về sau” – GS Nguyễn Lân Dũng kể về những kỷ niệm với GS. TSKH Vũ Đình Cự.

Tôi học Đại học cùng khóa với GSTSKH.Vũ Đình Cự. Ngay từ hồi ấy anh đã biểu hiện một tài năng đầy triển vọng cùng với các bạn học khác, như các anh Phan Đình Diệu, Nguyễn Văn Hiệu, Đàm Trung Đồn, Phan Văn Thích…
Tôi kém anh hai tuổi nhưng anh vẫn giữ tình thân bằng hữu cho mãi đến về sau , khi anh đã có nhiều công lao hiển hách trong việc chống phá bom từ trường của Mỹ tại Vịnh Bắc Bộ hoặc nhận các trách nhiệm nặng nề như Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học – Cộng nghệ của Quốc hội, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam. Viện trưởng Viện Công nghệ Quốc gia (về sau đổi là Viện Ứng dụng Công nghệ), rồi còn đảm nhiệm cho đến nay chức vụ Chủ tịch Ủy ban Hòa Bình của nước ta. Anh là Ủy viên BCH Trung ương Đảng các khóa VII và VIII.

Giáo sư - TSKH Vũ Đình Cự (giữa) giới thiệu thủy lôi cho các nhà lãnh đạo tối cao của Đảng và Nhà nước. Ảnh: (ảnh tư liệu)
Giáo sư – TSKH Vũ Đình Cự (thứ ba từ trái sang) giới thiệu thủy lôi cho các lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Ảnh tư liệu

Anh thường vui vẻ gặp tôi trong ba khóa Quốc hội với tư cách Khách mời. Lần nào tôi cũng đùa vui với anh về chuyện không chịu lấy vợ. Có lần cách đây đã lâu tôi thử làm mối cho anh với một nữ tiến sĩ, một người tài hoa, lại còn rất trẻ và rất mến mộ tài năng của anh.
Anh ở trong một căn hộ nhỏ tại Khu tập thể Đại học Bách khoa nhưng các tối thứ bảy vào gặp anh đều phải tìm trên Phòng thí nghiệm ,vì anh lên đấy để một mình… đọc sách (!). Anh tiếp đón nhiệt tình và rất vui. Sau ba lần như vậy. Tôi hỏi vui anh “Comment?” (Thế nào?), anh hào hứng trả lời “Parfait” (Hết ý!). Thế là tôi yên chí là mình đã làm được một việc mà chưa ai làm được.
Bẵng đi mấy tuần tôi gặp lại nữ tiến sĩ ấy và được trả lời là “Không thấy anh Cự đến em!”. Tôi vội gặp nhà bác học đãng trí để hỏi, không ngờ câu trả lời là: “Ông ơi, lại phải đến nữa kia à?”. Thật không biết nói gì thêm nữa. Thật đáng tiếc, nữ TS ấy hiện công tác tại TP Hồ Chí Minh và vẫn không kết hôn với ai (!).
Anh là người như thế đấy. Rất dí dỏm, duyên dáng, nhưng chuyện ấy thì thật khó giải thích. Gần đây tôi còn cố một lần nữa bằng câu hỏi: “Ông ơi, đến giờ tôi vẫn có khả năng giới thiệu cho ông”. Vẫn một nụ cười tươi với đôi mắt nheo lại sau cặp kính trắng: “Cảm ơn ông, mình đến giai đoạn tổng kết rồi!”. Tôi không chịu thua: “Ông đã bắt đầu đâu mà đòi tổng kết?”. Anh đúng là người rất dễ gần gũi, rất cởi mở, nhưng chỉ riêng về chuyện này thì có lẽ ít ai dám động đến như tôi.

GS Vũ Đình Cự sinh ngày 15/2/1936, được đào tạo khá sâu tại Nga để có học vị Tiến sĩ Khoa học và do những cống hiến xuất sắc mà anh đã được nhận cùng tập thể Giải thưởng Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhì và nhiều Huân chương, Huy chương cao qu‎ý khác.

GS.Vũ Đình Cự để lại không ít công trình khoa học và những cuốn sách phổ biến khoa học có giá trị cao. Vì là người ngoại đạo Vật lý cho‎ nên trong tay tôi chỉ có cuốn Khoa học Công nghệ Thông tin và Điện tử – Triển vọng phát triển và ứng dụng trong hai thập niên tới do NXB Khoa học và Kỹ thuật phát hành năm 2007.

Sự ra đi đột ngột của GS Vũ Đình Cự là một tổn thất lớn lao cho nền khoa học nước nhà khi đang cần những ‎ý kiến đóng góp của các nhà khoa học đầu đàn như anh trong sự nghiệp chấn hưng nền Khoa học và Công nghệ trong quá trình Đổi Mới của đất nước. Chúng tôi mất đi một người bạn tài hoa và hiền hậu. Gia đình, dòng họ mất đi một người con trung hiếu vẹn toàn. Sao anh ra đi đột ngột thế, anh Cự ơi?

GS. TSKH Vật lý Vũ Đình Cự, Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam đã qua đời vào ngày 7/9/2011 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 sau một cơn bệnh hiểm nghèo, hưởng thọ 75 tuổi.

GS. TSKH Vật lý Vũ Đình Cự sinh ngày 15/02/1936, quê ở xã Đông Xuân, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.

Ông đã từng đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh (tập thể); Huân chương Lao động hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến hạng Nhì; Huân chương Chiến công hạng Nhì.

Ông nguyên là Phó Chủ tịch Quốc hội kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng khóa VII, VIII.

GS Nguyễn Lân Dũng


Là nhà khoa học nổi tiếng, nhưng ông rất khiêm tốn, giản dị. Ông nhiều lần khước từ những ưu ái về nhà đất và lợi ích vật chất cơ quan dành cho mình. Những ngày Tết âm lịch hằng năm, được nghỉ theo chế độ, ông thường một mình đóng cửa tranh thủ làm việc.>Nguyên phó chủ tịch Quốc hội Vũ Đình Cự qua đời

Trong những cơn mưa không ngớt, từ sáng sớm 12/9, hàng đoàn người từ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, các cơ quan, đoàn thể ở trung ương và địa phương đến anh em, họ hàng, bạn bè gần xa và những người có vinh hạnh được cộng tác, giúp việc giáo sư Vũ Đình Cự đã đến Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông viếng và tiễn biệt giáo sư về nơi an nghỉ vĩnh hằng.

Tôi thực sự bàng hoàng, vô cùng thương tiếc trước sự ra đi đột ngột của giáo sư Vũ Đình Cự, dù ông cũng đã ở lứa tuổi “xưa nay hiếm” từ dăm nay nay. Tôi có dịp giúp việc giáo sư 10 năm (1992-2002) tại Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. Làm cấp phó giúp giáo sư, tôi học được nhiều bài học trong công tác và thu nhận từ ông nhiều điều bổ ích trong công việc hằng ngày và lẽ sống ở đời.

Giáo sư Vũ Đình Cự là một vị lãnh đạo có tinh thần trách nhiệm rất cao trong công tác, luôn gần gũi, chân thành chỉ bảo, giúp đỡ anh em trong công việc, cùng anh em chia sẻ khó khăn, thử thách để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Giáo sư là một trong số ít nhà khoa học xuất sắc ở nước ta. Là nhà khoa học nổi tiếng, nhưng ông rất khiêm tốn, giản dị. Ông nhiều lần khước từ những ưu ái về nhà đất và lợi ích vật chất cơ quan dành cho mình. Những ngày Tết âm lịch hằng năm, được nghỉ theo chế độ, ông thường một mình đóng cửa tranh thủ làm việc ở căn phòng được bố trí ở từ ngày còn là giảng viên ĐH Bách khoa Hà Nội.

Là nhà khoa học năng động, sáng tạo, say mê nghiên cứu khoa học, ông để lại nhiều công trình khoa học có tính thực tiễn cao, có lợi cho đất nước và xã hội. Ông hết lòng tận tụy, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của cấp trên giao cho, dìu dắt lớp cán bộ cấp dưới, đào tạo nhiều người trở thành người có trình độ học vấn cao, góp phần phát triển khoa học, công nghệ của đất nước.

Vĩnh biệt giáo sư Vũ Đình Cự, chúng ta ghi nhớ những đóng góp to lớn của ông cho đất nước trên cương vị một lãnh đạo cấp cao, một nhà khoa học hàng đầu, đồng thời cũng ghi nhớ mãi tấm gương lao động quên mình và nếp sống trong sạch, giản dị của ông – một trí thức mẫu mực.

- Ngay khi GS Cự vừa bảo vệ thành công luận án TSKH ở Liên Xô về, GS Tạ Quang Bửu đã cho gọi lên, hỏi han cụ thể về kết quả nghiên cứu và còn yêu cầu ông đưa cuốn luận án TS cho Bộ trưởng đọc. Có lẽ vì GS Tạ Quang Bửu biết rõ khả năng chuyên môn về vật lý chất rắn của Vũ Đình Cự mà có cuộc gặp hôm nay.

TS Vũ Minh Mão, Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội k


XEM PHẦN 1: ‘Đối với tôi, nhiều tiền chỉ phức tạp’


Người thông thái và cơ duyên với bộ trưởng
GS Vũ Đình Cự giới thiệu về thủy lôi của nhóm GK 1. Ảnh tư liệu

Người đầu tiên bảo vệ luận án tiến sĩ khoa học ở ĐH Lomonoxop

Sinh năm 1936 trong một gia đình nông dân khá giả ở xã Đông Xuân, huyện Đông Hưng, Thái Bình, Vũ Đình Cự thuộc thế hệ những trí thức đầu tiên được đào tạo và trưởng thành trong chế độ mới.

Những năm kháng chiến chống Pháp, ông vào Thanh Hóa học trường dự bị đại học của giáo sư Trần Văn Giàu, cùng với những bạn bè mà sau này thành những trí thức tên tuổi như Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng…

Năm 1956, tốt nghiệp khoa 1 của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 1, ông được phân công về Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và trở thành một trong những cán bộ giảng dạy đầu tiên đặt nền móng xây dựng trường này một trong những trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học lớn nhất miền Bắc và cả nước sau này, đặc biệt là trong bộ môn Vật lý.

Trong 7 năm – từ 1960 - làm nghiên cứu sinh tại Trường ĐH Lômônôxốp, ông bảo vệ thành công luận án phó tiến sỹ (nay gọi là tiến sỹ) và tiến sỹ toán – lý (nay gọi là tiến sỹ khoa học) chuyên ngành vật lý chất rắn với đề tài về màng mỏng từ tính, trở thành người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án tiến sỹ khoa học tại trường này.

Thủy lôi và giải thưởng Hồ Chí Minh


Học thành tài về nước giữa lúc cuộc chiến tranh chống Mỹ đang vào giai đoạn ác liệt nhất, Vũ Đình Cự dồn hết tâm huyết vào công tác giảng dạy và nghiên cứu tại Trường ĐH Bách khoa, đặc biệt là xây dựng và phát triển bộ môn Vật lý chất rắn.

Vào một ngày trong tháng 8/1972, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp Tạ Quang Bửu gọi ông lên phòng làm việc.

Ngay khi GS Cự vừa bảo vệ thành công luận án TSKH ở Liên Xô về, GS Tạ Quang Bửu đã cho gọi lên, hỏi han cụ thể về kết quả nghiên cứu và còn yêu cầu ông đưa cuốn luận án TS cho ông đọc. Có lẽ vì GS Tạ Quang Bửu biết rõ khả năng chuyên môn về vật lý chất rắn của Vũ Đình Cự mà có cuộc gặp hôm nay.

Tại buổi gặp, Bộ trưởng đã giao cho Vũ Đình Cự nhiệm vụ quan trọng: biệt phái sang Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) làm thành viên của tiểu ban rà phá bom mìn, thủy lôi với nhiệm vụ cụ thể là vận dụng các kiến thức đã nghiên cứu được, phối hợp với một số đồng nghiệp ở ĐH Bách khoa và các cán bộ của Bộ GTVT thành lập một tổ đặc nhiệm gọi tắt là GK1 (viết tắt của từ Giao thông – Bách khoa) để nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật cao để rà phá bom, mìn, thủy lôi hiệu quả, bảo đảm tránh thương vong cho các lực lượng làm nhiệm vụ, góp phần đập tan âm mưu phong tỏa miền Bắc bằng bom, thủy lôi từ trường của kẻ thù.

Đó là thời điểm mà Tổng thống Mỹ Nixon và ê kíp đang ráo riết thực hiện kế hoạch “Việt Nam hóa chiến tranh”.

Một trong những đòn mà Nixon tung ra để buộc Việt Nam phải nhượng bộ trên bàn đàm phán Paris là cho máy bay thả bom từ trường và thủy lôi dày đặc tại cảng Hải Phòng và tất cả các cửa sông, luồng lạch và các huyết mạch giao thông khác hòng làm tê liệt hệ thống giao thông thủy bộ.

Ngày 9/5/1972, Nixon tuyên bố cuộc phong tỏa miền Bắc, đồng thời ra lệnh cho máy bay ồ ạt thả bom từ trường và thủy lôi từ tính, trong đó có loại bom/thủy lôi từ trường mới nhất với cơ chế gây nổ gây nổ thông minh bằng thiết bị kỹ thuật số được quân đội Mỹ đặt cho cái tên: Kẻ hủy diệt (Destructor - DST).

Bộ trưởng Bộ GTVT thời điểm đó là Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ đặt vấn đề với Bộ trưởng Tạ Quang Bửu, cùng báo cáo xin ý kiến và được Ban Bí thư đồng ý chủ trương huy động các nhà khoa học vào cuộc để cùng với ngành giao thông thực hiện việc rà phá bom, mìn, thủy lôi với nhiệm vụ nghiên cứu, tìm ra các giải pháp rà phá hiệu quả và đặc biệt là tránh được thương vong cho các lực lượng làm nhiệm vụ Tổ đặc nhiệm GK1 (sau đó còn có thêm GK2, GK3) ra đời từ đây.

Nhận nhiệm vụ, Vũ Đình Cự cùng các đồng nghiệp ở ĐH Bách khoa và Bộ GTVT khẩn trương bắt tay vào công việc trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn của thời chiến.

Trong thời gian ngắn, tổ GK1 đã “mổ phanh” 1 quả DST được đưa từ Hải Phòng về Hà Nội để tìm ra cơ chế gây nổ tinh vi của nó, đồng thời, tổ chức nghiên cứu thực nghiệm.

GK1 đã chế tạo thành công một thiết bị phá bom, thủy lôi từ trường tự động (như robot), có thể “lừa” được những loại bom, thủy lôi từ trường mới nhất của Mỹ lúc đó, khiến chúng phát nổ mà không gây thương vong cho cho các lực lượng rà phá.

Thiết bị nhanh chóng được đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả lớn trong việc rà phá bom, thủy lôi từ trường, tránh được thương vong ở cảng Hải Phòng và nhiều nơi khác.

Trong quá trình tổ GK1 thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, Bộ trưởng Tạ Quang Bửu gần như hằng ngày đều tranh thủ xuống gặp anh em GK1, hỏi han, trao đổi, động viên, thậm chí là cùng tranh luận những vấn đề khoa học nảy sinh.

Sau này, kết quả nghiên cứu GK1 còn được phát triển để rà phá bom mìn trên các tuyến đường bộ, đặc biệt là trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh.

Tổ GK1 được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 (năm 1996) lĩnh vực khoa học – công nghệ cùng với các lực lượng khác trong công trình phá thủy lôi từ tính và bom từ trường, bảo đảm giao thông thời chống Mỹ.

Những móng nhà khoa học

Chiến tranh kết thúc, đất nước hòa bình, thống nhất, cuộc đời khoa học của Vũ Đình Cự lại đứng trước một bước ngoặt mới.

Năm 1977, ông được điều sang làm Phó Viện trưởng Viện Khoa học Viện Nam, trung tâm nghiên cứu phát triển về khoa học tự nhiên và kỹ thuật lớn nhất vừa được Chính phủ thành lập (năm 1975).

Một lần nữa, Vũ Đình Cự lại trở thành người đi xây nền móng cho một ngôi nhà khoa học.

GS Trần Đại Nghĩa là Viện trưởng đầu tiên của Viện Khoa học Việt Nam, cùng với thế hệ những nhà khoa học lúc đó như Nguyễn Văn Hiệu, Nguyễn Văn Đạo, Phan Đình Diệu, Đào Vọng Đức, Vũ Đình Cự… đã có những đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của viện.

Trong thời gian làm lãnh đạo của viện, hoạt động khoa học của Vũ Đình Cự chủ yếu tập trung vào lĩnh vực ứng dụng, phát triển công nghệ. Ông là người thành lập và trực tiếp làm Viện trưởng Viện Kỹ thuật nhiệt đới (trực thuộc Viện Khoa học Việt Nam) từ 1980 – 1991.

Từ năm 1984, ông được giao nhiệm vụ thành lập Viện Công nghệ quốc gia và trực tiếp làm Viện trưởng cho đến năm 1991.

Trong thời gian này, Viện Công nghệ quốc gia đã cho ra đời một số doanh nghiệp khoa học – công nghệ, trong đó, thành công nhất là Công ty FPT.

Từ năm 1982, Vũ Đình Cự bắt đầu tham gia Quốc hội, là Đại biểu Quốc hội khóa VII. Năm 1987, ông là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (khóa VIII - kiêm nhiệm).

Ngoài nghiên cứu chiến lược, lý luận và ban hành luật pháp, chính sách và các hoạt động xã hội, ông vẫn dành thời gian thích đáng cho lĩnh vực KH-CN mà mình gắn bó: CNTT, điện tử, viễn thông.

Trong nhiều năm liền, ông là Chủ nhiệm Chương trình KH,CN cấp nhà nước về điện tử, tin học, viễn thông.

Đây chính là chương trình nghiên cứu phát triển có quy mô lớn, quy tụ một đội ngũ các nhà khoa học của nhiều ngành như: Đỗ Trung Tá, Phạm Thế Long, Nguyễn Thúc Hải…, và đã trở thành “bà đỡ” cho nhiều thành tựu nghiên cứu phát triển, đào tạo, ứng dụng công nghệ vào sản xuất – kinh doanh của ĐH Bách khoa, Học viện Kỹ thuật quân sự, ngành bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, truyền hình Kỹ thuật số.

Với vốn ngoại ngữ phong phú, có thể sử dụng thành thạo 3 thứ tiếng: Anh, Nga, Pháp, giai đoạn này Vũ Đình Cự cũng đi sâu nghiên cứu các vấn đề về triết học và kinh tế chính trị với nhiều phát hiện mới mẻ.

Hiếm có nhà khoa học nào có thể cùng lúc đạt được đỉnh cao tri thức ở cả 2 lĩnh vực: khoa học tự nhiên và khoa học xã hội như Vũ Đình Cự. Một vị bộ trưởng khi trò chuyện với tôi đã gọi ông là “nhà thông thái”.

  • Võ Đăng Thiên




1 nhận xét:

  1. Lý thuyết Vũ Đình Cự theo link http://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1002/pssb.19660150234/abstract nhưng nói là nhờ đó mà chế tạo máy tính thì nên xem lại !!!
    Theory of the Δε-Effect in Ferromagnetic Metals
    Vu Dinh Ky
    Article first published online: 30 MAR 2006

    DOI: 10.1002/pssb.19660150234

    Copyright © 1966 WILEY-VCH Verlag GmbH & Co. KGaA, Weinheim
    Issue
    physica status solidi (b)
    Volume 15, Issue 2, pages 739–744, 1966

    Trả lờiXóa