Họ đã từng phá thủy lôi...
Câu chuyện của ông Nguyễn Thành Long, Hồ Văn Hiệu - hai trong số gần 50 người từng tham gia hai đội phá thủy lôi "Quyết Thắng" và "Lê Mã Lương" - tiểu đoàn tự vệ Ty Bảo đảm hàng hải (Ty BĐHH) - ví như hai lát cắt mỏng trong bề dày 55 năm truyền thống ngành bảo đảm hàng hải Việt Nam...
Ông Nguyễn Thành Long, Hồ Văn Hiệu hiện nay.
(LĐCT) -
Sáng chủ nhật 19.9.2009, vài phút trước khai mạc Đại hội lần thứ I Hội KH-KT và Kinh tế biển TPHCM, ông Đỗ Thái Bình - Ủy viên Ban Thường vụ hội, Giám đốc Cty Semaser - giới thiệu tôi với ông Long, ông Hiệu, nói: "Cuộc chiến chống phong tỏa thủy lôi tại Hải Phòng những năm 1967-1972 ít người biết tới".
Ông Long, ông Hiệu khẽ nói: "Người của ngành BĐHH quan sát, đánh dấu được 6798 quả thủy lôi, rà phá nổ 1098 quả, tháo gỡ 18, đội phá lôi bảo đảm công việc gần như an toàn tuyệt đối, trong 12 người hy sinh của ngành BĐHH, không có người của đội... Mấy chục năm, người còn, người mất. Một số hiện sống ở Hà Nội, Hải Phòng, TPHCM...".
"Thủy lôi chưa sạch, chưa về quê hương"
Tạp chí Hảng hải VN số 4/2005, tờ giấy Cty BĐAT HH I xác nhận: "Ông Nguyễn Thành Long (1941, Thái Bình) nguyên CBCNV Ty BĐHH là chiến sĩ tự vệ thuộc đơn vị tập trung chiếu đấu phá lôi Quyết Thắng - tiểu đoàn Tự vệ BĐHH, tham gia chiến đấu trên các mặt trận chống phong tỏa đường biển trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ" - món giấy tờ, ông Long giữ cực kỳ cẩn thận.
Năm 2007, tại cảng Koshoki (Nhật Bản), ông Long thấy trên báo tấm hình mình và đồng đội trên tàu phá lôi Tankist 160 chụp năm 1972. TK160 do Nga sản xuất, còn gọi là tàu há mồm, thân tàu hai vỏ, đã được đội Quyết Thắng cải tiến bằng cách đưa cụm phá lôi ra đuôi tàu, thuyền trưởng là Lê Đình Kính, ông Long là đại đội phó. Mỗi lần nhìn ảnh, ký ức ùa về tâm trí ông Long...
Ty BĐHH là đơn vị chịu trách nhiệm chính quản lý hệ thống luồng vận tải từ Vĩnh Thực (Quảng Ninh) vào Quảng Bình. Tiền thân đội rà phá lôi là đội trục vớt. Tại miền Bắc, 1967-1972, Mỹ tiến hành hai cuộc phong tỏa cửa sông cửa biển, đợt một - 1967-1968, đợt hai - 1972-1973, thả hơn 17.000 thủy lôi, bom từ trường; công binh quân đội chủ lực rà phá 3908 quả, dân quân tự vệ phá 9940 quả.
Ngày 5.8.1964, Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc. Hải Phòng - nơi tập trung cảng biển, đường sắt, đường bộ, cửa ngõ VN tiếp nhận viện trợ thế giới, chi viện bằng đường biển cho chiến trường miền Nam - là mục tiêu đánh phá dữ dội của máy bay Mỹ.
Tháng 2.1967, Mỹ bắt đầu chiến dịch phong tỏa Hải Phòng bằng thủy lôi, tháng 3, Hải quân VN (HQ VN) tháo gỡ được thủy lôi MK 50, MK 52, phương pháp rà phá thủy lôi lúc này đơn giản, thô sơ.
8.1967, Mỹ bắt đầu ném bom phong tỏa Hải Phòng. Những cán bộ, người thợ Ty BĐHH lập tức bắt tay vào cuộc chiến. Đội Quyết Thắng có 30 người, có người viết đơn xin vào đội bằng máu, đội trưởng là Nguyễn Thái Phong, sau này được anh em phong danh hiệu "Vua phá lôi", đội nhận được sự giúp đỡ của C8 Hải quân, cụ thể là Trương Thế Hùng - chuyên gia phá thủy lôi của HQ VN. HQ VN lúc đó đã chế tạo được một số thiết bị rà phá thủy lôi có hiệu quả, trong đó có thiết bị TĐ 671. Sau, thiết bị TĐ 671 được nâng cấp 673 và hoàn chỉnh là 678 rà phá thành công các loại bom định lần, bom chấn động, bom che khuất ánh sáng, bom từ trường MK 52 - sức công phá cực lón, bằng 500kg bảng Anh thuốc nổ DKT.
"Người lái canô thử nghiệm phá lôi là anh Lê Văn Lợi, ba lần trước khi anh đi, đội đều truy điệu sống. Anh dũng cảm nói, tôi đi, có chết, chết một mình. Lúc đó, đội viên của đội có lời thề "Ra đi mang nặng lời thề/ Thủy lôi chưa sạch, chưa về quê hương", chiến đấu với tinh thần tràn đầy khí thế giải phóng miền Nam, hòa bình cho miền Bắc. Thủy lôi nổ ngay hông tàu, cột nước trùm cao to như cây cổ thụ, mọi người quên sợ hãi, bình tĩnh điều khiển tàu, phóng từ, diệt thủy lôi - "kẻ thù giấu mặt".
Việc rà phá thường tiến hành ban đêm, sau 17 giờ. Lên tàu, ai nấy vào vị trí, bộ phận điện, đóng cầu dao kích từ, phóng từ... Tàu phá lôi đi chậm, 3-4 hải lý/giờ, tiến lùi, mọi người phải ngồi trên săm caosu bơm không quá căng, để giảm chấn. Rà quét các luồng, luồng Nam Triệu rất khó vì rộng mênh mang" - ông Long nhớ lại.
"Không thể không nhớ tới những đồng đội - những người dân quân tự vệ ở các trạm quan sát thủy lôi, đặc biệt ở "Miếu ba cô" với cô Huê, Vây, Kim ở Hoàng Châu (Cát Hải) - chuyên làm nhiệm vụ đếm bom rơi đánh dấu vào hải đồ. Sau khi phá lôi, chúng tôi so sánh giữa số quả đã đếm được và số quả đã bị phá để biết mức hoàn thành công việc tới đâu..." - ông Long nói.
Thuyền gỗ phá thủy lôi
Sáng chủ nhật 4.10, ông Hiệu mời tôi đến nhà "để chị thấy hình con thuyền gỗ, một phương tiện phá lôi độc đáo của ta". Di động của ông Hiệu reo. Từ Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Tám - nguyên bí thư đoàn thanh niên đội Lê Mã Lương gọi điện hỏi thăm.
"Trong thành tích của đội phá lôi, có công của nhiều người, các nhà khoa học, những người ở trạm quan sát, phát hiện thủy lôi như anh Phúc, tổ điện với những nữ công nhân cuốn từ như cô Huệ - vợ anh Hiệu, bao nhiêu người góp sức vào... Chúng tôi chỉ là những người bấm nút, làm động tác chiến đấu cuối cùng thôi", ông Tám nói.
Là ông Tám khiêm tốn nói vậy! Tất cả chiến sĩ đội phá lôi đều là quân cảm tử! Tìm hiểu thêm từ nhiều nguồn, tôi được biết, quét lôi mở đường thông tuyến biển gian khổ chẳng kém gì phá bom trên đường mòn Hồ Chí Minh.
Cao điểm cuộc chiến phá lôi là năm 1972. Ngày 16.4.1972, Mỹ đánh phá trở lại cảng Hải Phòng. Từ Hạm đội 7 đậu ngoài khơi, máy bay Mỹ chỉ bay vào, thả bom vào ban đêm. Đội thanh niên xung kích phá lôi Lê Mã Lương thành lập ngày 30.5.1972. Huấn luyện nghiệp vụ cho đội là "Vua phá lôi" Thái Phong. Đại bản doanh của đội ở hang Trinh Nữ - Hạ Long.
Ông Hiệu nhớ lại: "Chỉ 4/36 người của đội từng phá lôi. Đội có những nhân vật đặc biệt như anh Chí, một tay lái cừ. Anh vô cùng dũng cảm, thông thạo luồng lạch, dẫn tàu ra đảo an toàn. Chúng tôi đi đánh lôi không được nói trước, ngay cả công an vũ trang cũng không biết thuyền chúng tôi là thuyền phá lôi vì phải phòng ngừa gián điệp. Bối cảnh chung năm 1972, đánh lôi ban đêm không đủ, do đó, lãnh đạo Ty BĐHH đưa ra quyết định đánh cả vào ban ngày.
Chiến sĩ phá lôi đội Quyết Thắng trên tàu Tankist 160 (11.1972). Ảnh tư liệu của ông Nguyễn Thành Long.
Để không bị lộ, anh Vũ Long Vân - nguyên Phó Ty BĐHH - đưa sáng kiến sử dụng thuyền gỗ gọn nhẹ, cơ động, phủ lá ngụy trang, giả thuyền đánh cá của ngư dân, đặt tên là Thanh niên 2 (TN2), thiết bị phá lôi để trong mui thuyền che thấp, có những lần ra trận, trên thuyền có 4 người là anh Yên, Khoát, Báo và tôi - phụ trách máy phóng từ".
Ông Hiệu là con em Việt kiều về từ Tân Đảo năm 1964 theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, từng học trường Bách nghệ ở Tân Đảo, giỏi cơ khí, nên trong cuộc chiến phá lôi, ông cũng góp được sáng kiến đơn giản nhưng hiệu quả như cắm ngược cuộn dây từ để tầm với của thiết bị xa hơn, bình thường thiết bị đánh lôi xa 50-70m (tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn), nhưng thiết bị TN2 có thể đánh lôi cách 100-150m. TN2 chạy liên tục từ 9.1972 đến cuối 1973. Có những trận, trong một ngày, TN2 phá được 6-7 quả lôi.
Kỷ niệm không sao quên của ông Hiệu là trận đánh đầu tháng 9.1972 tại ngã ba Quả Xoài - "cuống họng" thông Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, nơi được mệnh danh là "Ngã ba Đồng Lộc trên biển". Đêm 30.8.1972, tàu Hoa tiêu 1, trong lúc rà quét luồng Quả Xoài, thủy lôi nổ dưới bụng tàu, ông Hiệu bị thương tay phải, cột sống bị ép.
7 ngày sau, cũng tại Quả Xoài, tàu TN1 trúng lôi, dù bị thương lần thứ hai ở cột sống, ông Hiệu kịp nhảy xuống biển cứu sống người đội trưởng Nguyễn Uyển bị thương nặng, hôm đó, TN1 phá được 5 quả lôi.
Ngay hôm sau, trên TN2, ông Hiệu cùng 3 anh em khác phá nổ hàng loạt lôi, làm sạch luồng để tàu đưa hàng về cảng Hải Phòng. Đó là một trong những chiến công đáng nhớ của đội Lê Mã Lương.
"Cuối 1972, chúng tôi tiến ra giải phóng luồng Đông Bắc giáp biển Trung Quốc. Tôi tự hào vì đã góp phần làm sạch lôi ở hầu hết những điểm quan trọng trong vùng danh thắng vịnh Hạ Long. Ngày 27.1.1973, trên tàu, ở Quảng Bình, nghe Hiệp định Paris ngừng bắn ở Việt Nam được ký, tôi mừng phát khóc" - ông Hiệu nói.
Trở về làm người thợ, thủy thủ...
"5.2.1973, thực hiện những điều khoản giải quyết hậu quả chiến tranh của Hiệp định Paris, biên đội đặc nhiệm 78 vớt mìn của hải quân Mỹ đến Hải Phòng, với 44 tàu chiến, tàu quét mìn các loại, hơn 5000 lính, biên đội tập kết ở gần đảo Long Châu (Hải Phòng). Sau 5 tháng, tàu Mỹ chỉ phá được 3 quả lôi ở luồng Nam Triệu" - ông Long nhớ lại. Tiểu đoàn Tự vệ BĐHH sau chiến tranh được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT, Ty BĐHH là một trong 77 đơn vị được tặng Huân chương Hồ Chí Minh đợt đầu.
Tháng 5.1978, ông Long là một trong 60 người được chọn cử vào TPHCM với nhiệm vụ tăng cường lực lượng sĩ quan cho miền Nam chống vượt biên, sau đó đi tàu chi viện cho chiến trường Campuchia năm 1979, rồi về làm ở Cty Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam. 5.1973, hoàn thành nhiệm vụ, ông Hiệu về làm thợ như cũ. 10.1978 ông Hiệu vào TPHCM trong lực lượng tăng cường cho ngành BĐHH. Ông là người đầu tiên, sau giải phóng, đi thay đèn cho hải đăng ở hòn Khoai, hòn Bảy Cạnh, mũi Kê Gà,...
Ông Hiệu cũng đi tàu tới khá nhiều nước. "Đi biển nhiều, các ông thấy trình độ, khả năng đi biển của chúng ta ra sao?" - chúng tôi hỏi. Hai ông cho biết: "Người ta nói nhiều tới chuyện thế kỷ 21 - thế kỷ của đại dương. VN có trên 1 triệu kilômét vuông mặt biển với hơn 3200km đường biển - điều kiện lý tưởng để phát triển ngành hàng hải! Bên cạnh thành tích như hiện đại hóa 40 tuyến luồng tàu biển quốc gia có tổng độ dài 750km, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật của Tổ chức Hàng hải Quốc tế,.. không thể không nhắc tới những tai nạn gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, môi trường biển, do nhiều nguyên nhân, như một số vụ gần đây.
Theo chúng tôi, quan trọng là việc đào tạo con người đi biển. Kêu gọi, kích thích tình yêu biển là đúng, nhưng đào tạo một lớp người mới đi biển, phải chú trọng phát triển thể chất, sức chịu đựng tốt, vững nghề, ý thức kỷ luật, trách nhiệm cao. Hiểu, yêu biển, yêu Tổ quốc không chỉ là ở những khẩu hiệu, lời hô hào...".
Ghi chép của Lâm Tuyền
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét