Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2011

Báo Thanh NIên viết về Trương Thế Hùng

Huyền thoại phá lôi

Trong lịch sử 55 năm anh hùng (7.5.1955-7.5.2010) với những chiến công dậy sóng của Hải quân nhân dân Việt Nam, có một mốc son mà hải quân của nhiều cường quốc, thậm chí ngay cả Hải quân Mỹ cũng phải nể phục: đó là chiến dịch rà phá thủy lôi của Mỹ phong tỏa cửa sông, cửa biển giai đoạn 1968-1973.

Ông Trương Thế Hùng tháo quả thủy lôi đầu tiên tại Nam Đàn, Nghệ An năm 1967 - Ảnh tư liệu: K.T.L chụp lại tại bảo tàng Hải Quân
Mổ bụng thần chết

Trong căn nhà nhỏ trên phố Trần Phú, TP Hải Phòng, đại úy Trương Thế Hùng, nguyên Chỉ huy Đội 8 Công binh Hải quân, chuyên gia đầu ngành về thủy lôi thời đó (ông được cử đi nước ngoài học về vũ khí dưới nước từ năm 1955) lật giở từng trang trong cuốn album ảnh đã bạc màu thời gian và hình dung lại những ngày hào hùng khi ông mới hơn 30 tuổi.

Đầu tháng 3.1967, Đội 8 được cử vào vùng cửa sông từ Nghệ An đến Quảng Bình khảo sát tình hình sau khi địch thả thủy lôi. Sau 2 tuần đạp xe dưới làn mưa bom bão đạn, ngày 16.3.1967, tại Nam Đàn, Nghệ An, ông Hùng và đồng đội lần đầu tiên chạm tay vào thủy lôi Mỹ. “Đây là lần đầu tiên chúng tôi tháo thủy lôi của Mỹ. Các chuyên gia Liên Xô, Trung Quốc cũng chưa hề tập huấn hay trao đổi với chúng tôi tài liệu, thông tin về loại lôi này. Việc đầu tiên là tôi phải đánh dấu từng con ốc vì rất có thể địch đặt bẫy chống tháo, nếu tháo phải bẫy, lôi sẽ nổ, hoặc xì khí độc giết chết người tiếp cận”.

Gần 1 ngày trời, các chiến sĩ công binh hải quân tháo từng con ốc, từng kíp nổ, dây điện. Hai quả thủy lôi được tháo an toàn, nguyên vẹn, mở đột phá khẩu cho cuộc chiến đấu chống phong tỏa, lần đầu tiên chúng ta đã “mổ bụng” được thủy lôi của Mỹ. Từ đó, các cán bộ kỹ thuật đã tìm ra sơ đồ, nguyên lý hoạt động và thiết kế ra các thiết bị phóng từ phá thủy lôi, giải tỏa các cửa sông, cửa biển.

Sau khi dùng máy bay rải thảm bom tại Hà Nội, Hải Phòng, ngày 9.5.1972, Mỹ bắt đầu thả thủy lôi xuống cửa Nam Triệu (cửa ngõ cảng Hải Phòng). Các vùng lân cận như Quảng Ninh, Thái Bình cũng bị chúng bịt các cửa sông bằng bom từ trường và thủy lôi. Có những thời điểm Hải Phòng gần như bị phong tỏa, các sông như cửa sông Cấm, sông Tam Bạc... đều có thủy lôi, bom từ trường. Nhiều đoàn tàu của Liên Xô, Cuba và các nước anh em đưa hàng vào Việt Nam bị tắc nghẽn. Hơn hai chục tàu đậu trong cảng không ra được. Đường vận tải ven biển từ Hải Phòng vào Nam bị tắc.

Ông Trương Thế Hùng cùng đồng đội lại được lệnh tháo gỡ, tìm hiểu quả thủy lôi mà Mỹ đã cải tiến vừa thả xuống cửa Nam Triệu. Đêm 14.5.1972, ông Hùng cùng đồng đội lại tháo nguyên vẹn một quả thủy lôi MK 52 cải tiến tại khu vực Đèn Nơm, cửa Nam Triệu, để các đơn vị kỹ thuật nghiên cứu, cải tiến thiết bị phóng từ phá thủy lôi.

Ông Nguyễn Văn Phả, nguyên là cán bộ Nhà máy X46 Hải quân nhớ lại: “Chúng tôi làm việc quên ngày đêm, vừa sửa chữa, vừa lắp ráp các cuộn dây điện vào thân tàu, biến thân tàu thành một lõi nam châm khổng lồ để cải tiến thành các tàu phóng từ, bàn giao cho các đơn vị rà phá thủy lôi”. Cùng Nhà máy X46 ở Hải Phòng, trong hang núi tại Quảng Ninh, Nhà máy X48 cũng sản xuất ra những chiếc tàu phóng từ như T150 cung cấp cho các lực lượng rà phá thủy lôi. Trung tá Ngô Văn Thành, Chính ủy Nhà máy X48 hiện nay, cho biết: “Thời kỳ đó hàng trăm công nhân nhà máy đã làm việc trong hang núi đá vôi để sản xuất ra các thiết bị phóng từ phá hủy thủy lôi và nhiều loại vũ khí khác. Công nhân nhà máy phải vừa làm vừa đánh máy bay Mỹ...”.

Thủy lôi hay còn gọi là mìn nước, là một loại vũ khí hiện đại dùng để đánh đắm các loại tàu thuyền trên mặt nước và tàu ngầm. Thủy lôi có thể là loại chạm nổ hoặc kích nổ bằng từ trường, bằng âm thanh (vì vậy muốn phá thủy lôi, các đơn vị quân đội đã chế tạo các thiết bị phóng từ để kích nổ thủy lôi). Mỗi quả thủy lôi MK 50, MK 52 chứa khoảng 300 kg thuốc nổ, có thể đánh chìm con tàu từ vài trăm đến cả ngàn tấn.

“Khiêu vũ” trên bãi lôi

Từ đầu mùa hè năm 1972, người dân Hải Phòng chứng kiến cảnh tượng vô cùng oanh liệt. Những chiếc tàu thủy, cano rẽ sóng quần đi quét lại trên biển giữa những cột nước trắng xóa bốc cao cả chục mét và tiếng thủy lôi nổ uỳnh uỳnh như sấm. Người lính hải quân đã lướt trên đầu bãi lôi tử thần như những vũ công đang khiêu vũ - vũ điệu của sự sống trên đầu cái chết.

Trung tá Nguyễn Việt Long, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 - Trung đoàn 171 Hải quân, đơn vị chủ lực tham gia rà quét thủy lôi tại Hải Phòng giai đoạn 1972-1973, giở những kỷ vật thời chiến, chậm rãi kể: "Ngày đó chúng tôi cứ ngày ở lại bờ vừa tránh máy bay, vừa chuẩn bị sửa chữa tàu thuyền, khí tài, đêm đi rà phá. Chúng tôi chia vùng cửa biển Nam Triệu thành những ô vuông, mỗi cạnh chừng 3 hải lý, 1 ô có 4 tàu đi rà quét, thường là một tàu phóng từ cực mạnh V412 đi trước, theo sau là các cano hoặc tàu phóng từ nhỏ hơn. Trên tàu có từ 10-12 cán bộ chiến sĩ, các cano thường có 3-4 người, chúng tôi bố trí ít người như vậy để giảm thấp nhất số thương vong, bởi tàu mình có thể vướng lôi bất kỳ lúc nào”.

Những con tàu lầm lũi rời bến trong đêm tối, chốc chốc lại có tiếng nổ uỳnh uỳnh, những cột nước bùng lên trắng xóa. Có khi cả bùn đất, nước mặn và cả tôm cá rơi rào rào xuống boong thuyền. Mắt ông Nguyễn Việt Long nhìn ra xa xăm: “Anh em chúng tôi ngồi trên con tàu xung quanh là từ trường, mắt căng thẳng quan sát hồi hộp từng giây vì tàu đi trên bãi lôi, thỉnh thoảng lại một cột nước bùng lên, tàu lại nghiêng ngả, bùn đất bắn tung tóe. Cứ thế cả đêm rà đi rà lại trên từng ô vuông đã chia tại hải đồ. Có đợt cao điểm 28 ngày đêm anh em không nghỉ, liên tục rà quét để mau thông luồng đưa tàu ra vào cảng. Đêm cao điểm, chúng tôi phá 15-20 quả lôi, bom từ trường, sáng sớm hoàn thành nhiệm vụ, anh em lại ôm nhau hân hoan vì thêm một vùng biển đã được giải phóng”.


Thủy lôi MK 50 và MK 52 chứa tới hơn 300 kg thuốc nổ

Đến tháng 6.1973, Quân chủng Hải quân kiểm tra, khẳng định các luồng lạch vùng ven biển, cửa sông và các luồng sông nội địa miền Bắc đều đã được giải tỏa, tàu thuyền ra vào cảng và mọi hoạt động trên sông, trên biển trở lại bình thường. Chiến dịch chống phong tỏa đã hoàn tất, đánh dấu hơn 300 ngày truy quét tử thần giấu mặt.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét