Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 30 tháng 5, 2011

Báo cáo của Ty Bảo Đảm Hàng Hải về phá lôi năm 1969

Lời nói đầu :Trong công cuộc chống phong tỏa,chúng ta hiện còn lưu giữ khá nhiều tài liệu mô tả hiện thực lúc bấy giờ,trong đó có những báo cáo viết tay,đánh máy ,có những tài liệu mật mà bây giờ có thể công bố .NH74ng tài liệu này giúp chúng ta nghiên cứu một cách trung thực các sự kiện đã qua.Sau đây chúng tôi giới thiệu bản bào cáo của Ty Bảo Đảm Hàng Hải đề ngày 14/03/1969.Tài liệu đánh máy chữ,được anh Trương Văn Giác giúp cho việc đánh máy lại

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
CỤC VẬN TẢI ĐƯỜNG BIỂN

TY BẢO ĐẢM HÀNG HẢI
Số: /HH VIỆT NAM DÂN CHỦ CÔNG HÒA
Độ lập - Tự do - Hạnh phúc



Hải Phòng, ngày 14 tháng 3 năm 1969

BÁO CÁO
TỔNG KẾT RÀ PHÁ THỦY LÔI VÀ BOM CHO NỔ
NĂM 1967-1968

I- ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH ĐỊCH, TA TRONG 2 NĂM 1967-1968
TRÊN MẶT TRẬN VẬN TẢI PHỤC VỤ TIỀN TUYẾN

Trong cuộc kháng chiến chống chiến tranh phá hoại của nhân dân ta trên miền Bắc để xây dựng chủ nghĩa xã hội và chi viện cho miền Nam, công tác giao thông vận tải được Đảng, Chính phủ ta coi là một nhiệm vụ trung tâm có tính chất chiến lược của toàn Đảng toàn dân.
Đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc 70% - 80% vào giao thông vận tải cũng chứng minh sự sáng suốt trong chu trương đường lối của Đảng và Chính phủ.
Trong giao thông vận tải thì vận tải thủy gồm sông, biển đóng một vai trò hết sức quan trọng:
- Cầu đường bộ địch còn có thể cắt phá được từng lúc nhưng sông biển của ta địch không thể nào chặt đứt nổi.
- Vận tải thủy lại kinh tế nhất, nhanh nhất với đặc điểm địa hình nước ta.
- Là khả năng lớn nhất để tiếp nhận hàng hóa thiết bị vũ khí của phe XHCN và nhân dân tiến bộ trên thế giới chi viện cho ta đánh Mỹ.
Noel Tết dương lịch năm 1966, Tết âm lịch Đinh Mùi trong những ngày ngừng bắn, công tác vận tải cho tiền tuyến đã thu được những thắng lợi vô cùng rực rỡ, góp phần phục vụ cho tiền tuyến đánh to thắng lớn.
Lúc đó trên bộ cầu phà, đường sá được phục hồi nhanh chóng, hàng vạn xe ô tô suốt ngày đêm trên đường ra tiền tuyến, trên sông ngoài biển hàng ngàn phương tiện rẽ sóng vào Nam.
Hàng triệu cán bộ, công nhân viên và nhân dân ta đã ăn tết trên công trường sửa đường, cầu, bến; trên tay lái, trên bãi bốc xếp trong các kho tàng với khí thế tất cả cho miền Nam đánh thắng, không có gì quý hơn Độc lập Tự do.
Thực tế vĩ đại đó của quân dân ta phản ánh qua các phương tiện chính xác của đế quốc Mỹ làm cho đau đầu bọn hiếu chiến trong tòa nhà Trắng, chúng sẽ tìm thêm những âm mưu mới thâm độc để đối phó với ta.
- Vừa hết giờ ngưng bắn máy bay, tàu chiến của địch đã điên cuồng bắn phá. Trên bộ chúng tập trung vào các trục giao thông quan trọng, kho tàng, ra sức truy lùng tàu xe của ta.
- Dưới nước, một âm mưu thâm độc mới là chúng dùng thủy lôi phong tỏa các cửa biển, cầu bến, luồng vào phía Nam cho nên ngày 28-2-1967 địch thả sông Gianh, Cửa Hội.
- Ngày 05-3-1967 thả tại cửa Lạch Trao.
Loại thủy lôi chúng thả là thủy lôi chìm, có dù, gắn máy gây nổ tiếng động và cảm ứng, có đinh lan định giờ (MK50, MK52 - MoD - 0), trọng lượng từ 300 đến 500kg.
Tại các cửa biển khác như Nam Triệu, Lạch Giang, máy bay Mỹ không ngừng trinh sát, thả nghi binh thủy lôi:
- Hồi 14 giờ ngày 19-4-1967 thả 12 vật ngoài phao 0 luồng Nam Triệu.
- Hồi 14 giờ ngày 15-5-1967, 2 phản lực 4 cánh bằng bay từ Đông sang Tây cửa Lạch Giang thả một số vật xuống cửa.
Đế quốc Mỹ ngày càng leo thang thì số lượng bom thủy lôi, số cửa biển, sông, cầu bến chúng phong tỏa càng nhiều với loại bom thủy lôi có cải tiến:
- Ngày 22-8-1967 xuất hiện loại bom chờ nổ tại cửa Đáy.
- Ngày 23-8-1967 thả loại bom này tại cửa Lạch Giang.
- Ngày 01-9-1967 thả tại cửa Lạch Trao.
- Tháng 10-1967 trong chiến dịch “Sấm rền biển lửa” tại Hải Phòng địch đã thả hàng ngàn quả bom chờ nổ kiêu trên.
Loại bom này trên cạn, dưới nước đều có tác dụng, máy móc tinh vi điều khiển bằng hệ thống bóng điện tử bán dẫn. Sức công phá như loại bom 500 bảng Anh (MK82 - MK42 còn có tên là kẻ phá hoại DST DESTRUCTOR). Trong hội nghị phá thủy lôi của Bộ Giao thông ngày 10-01-1968 đồng chí Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ đã cho biết:
- Đế quốc Mỹ đang hí hửng trước vũ khí này của chúng, chúng đã đặt sản xuất tại Nhật Bản 23 vạn tấn bom loại này để đánh phá ta. Với loại bom trên đã có lúc, nhất là lúc đầu gây những tổn thất cho ta trong công tác vận tải và công tác giải quyết hậu quả bảo đảm giao thông.

Ty Bảo đảm Hàng hải thuộc Cục Đường biển với nhiệm vụ chủ yếu được Bộ và Cục giao cho là:
- Khảo sát độ sâu các luồng vào bến cảng theo yêu cầu của công tác vận tải bốc xếp đường biển.
- Nạo vét thanh thải các chướng ngại vật, trục vớt tàu đắm, thả phao đèn để đảm bảo an toàn luồng lạch và hướng dẫn tàu bè đi lại.
Trong giai đoạn chống chiến tranh phá hoại, ngoài những nhiệm vụ trên, Ty còn được Bộ và Cục giao thêm những nhiệm vụ mới:
- Mở những luồng lạch mới để phá thế độc tuyến đối phó khi địch phong tỏa.
- Xây dựng các âu ụ cho các tàu vận tải trú ẩn ngụy trang, nghi trang bảo vệ bằng hỏa lực cho tàu, tổ chức cấp cứu người, hàng hóa phương tiện khi cần thiết.
Làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông, toàn bộ cán bộ công nhân Ty Bảo đảm Hàng hải đã xác định cho mình một trách nhiệm nặng nề khó khăn và phức tạp, phải nắm vững mọi phương châm đường lối của Bộ và Cục đề ra như:
- Phá thế độc tuyến.
- Phương châm 4 trước.
- Địch cứ phá ta cứ đi.
Sau chiến dịch vận tải Đông xuân 66-67 chủ trương của Cục là:
- Bảo vệ tuyệt đối an toàn cho các phương tiện tham gia chiến dịch.
- Tích cực phục vụ vận tải vào phía Nam.
Hàng loạt âu ụ, vị trí trụ âu đã được xây dựng từ trước tại Đông Bắc, Hải Dương, Bắc Giang, Lạch Trao, Lạch Giang phát huy tác dụng bảo vệ tàu bè.
Công tác bảo đảm giao thông hết sức phức tạp và khó khăn nhưng vẫn khẩn trương tiến hành để phục vụ cho vận tải phía Nam.
Từ tháng 3-1967 một mặt trận mới đã mở ra cho Ty Bảo đảm Hàng hải: Mặt trận chống phá thủy lôi.
Được sự chỉ đạo trực tiếp, kiên quyết và sáng suốt của Cục Đường biển bên cạnh những công nhân Hải đăng anh dũng với khẩu hiệu “Tim còn đồng đèn còn sáng”, xuất hiện những chiến sĩ mới: Chiến sĩ phá thủy lôi và bom chờ nổ với khẩu hiệu “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

II- CHỦ TRƯƠNG CHỐNG PHÁ THỦY LÔI CỦA LÃNH ĐẠO CỤC TỔ CHỨC THỰC HIỆN CỦA TY BẢO ĐẢM HÀNG HẢI

Sau khi địch phong tỏa thủy lôi tại sông Gianh và Cửa Hội, đồng chí Cục trưởng đã cùng một số cán bộ Quân sự trực tiếp vào tại hiện trường nghiên cứu và chỉ đạo cách đối phó.
Theo chỉ thị của Cục, khi địch phong tỏa cửa Lạch Trào ngày 05-3-1967 các đồng chí lãnh đạo Ty, Phòng Quân sự bảo vệ , Phòng Công trình đã vào trạm 4 để trực tiếp chỉ đạo chống phá rút kinh nghiệm chỉ đạo chung cho toàn Ty.
Phối hợp chặt chẽ với khu Hải quân sông Mã, trạm kịp thời đặt các đài quan sát, rút lực lượng công nhân kiến thiết cơ bản tổ chức ngay lực lượng rà quét. Mặc dù chưa có biên chế, thiếu thốn trang bị nhưng toàn thể cán bộ công nhân đều xác định rằng:
- Dù luồng lạch sâu, phao đèn tốt, hoa tiêu giỏi, ụ trú đậu bảo đảm mà không phá được thủy lôi thì không thể đưa hàng vào tiền tuyến được.
- Coi thủy lôi là một loại chướng ngại vật đặc biệt trên đường cần thanh thải nó đi. Khó khăn sẽ nhiều, gian khó nguy hiểm và có thể hy sinh nhưng nếu quyết tâm cao, tư tưởng thông suốt thì khó khăn nào cũng có thể vượt qua được.
Được huấn luyện sơ bộ về thủy lôi do Hải quân giúp đỡ lực lượng quan sát và rà quét của trạm 4 đã hăng hái lên đường làm nhiệm vụ.
Được nhân dân phát hiện 4 quả thủy lôi trên bãi cạn Côn Trường, anh em đã cùng Hải quân, dân quân địa phương đào và tháo gỡ được 4 quả MK52 còn nguyên vẹn. Máy móc hoạt động tốt nên đã cung cấp cho ta những tài liệu rất quý giá. Sau công tác tháo gỡ là công tác rà quét dưới luồng.
- Rà quét bằng móc câu để tìm dù.
- Bè rà bằng sắt thép để phá nổ.
- Dùng mảng bộc phá những khu vực nghi ngờ để phá nổ.
Để tạo điều kiện cho anh em đi công tác, Ty đã duyệt tại chỗ cho trạm đóng thuyền phục vụ rà quét, cho xe vận tải cung cấp mọi yêu cầu vật liệu trang bị phòng hộ tại Hải Phòng về cung cấp.
Về chế độ cho anh em rà quét hưởng tiêu chuẩn như anh em bên Hải quân (bồi dưỡng 1,5 đồng/ngày).
Để chuẩn bị chính thức cho công tác rà quét quan sát thủy lôi, ngày 28-3-1967 Ty đã làm một tờ trình xin tổ chức, trang bị khí tài và chế độ chính sách đề nghị Cục Đường biển xét duyệt.
Ngày 24-3-1967 theo đề nghị của Ty khu sông Mã đã tổ chức 1 lớp huấn luyện tại hiện trường về công tác chống phá thủy lôi cho anh em cán bộ của Ty và trạm học tập, kết hợp giới thiệu quả thủy lôi MK52 vừa mới tháo được. Lớp học này có tác dụng rất lớn đối với cán bộ lãnh đạo cũng như nghiệp vụ của Ty cho công tác chống phá thủy lôi sau này.
Ngày 27-3-1967 Hội nghị chống phá thủy lôi giữa Hải quân và Ty Bảo đảm Hàng hải còn xác nhận:
- Công tác chống phá thủy lôi muốn thu được kết quả phải có sự tham gia của toàn dân và toàn quân. Chủ yếu trước mắt là quan sát phát hiện đánh dấu. Việt này đã được Ty trực tiếp trình bày với Tỉnh ủy Thanh Hóa đề nghị được sự chỉ đạo giáo dục động viên nhân dân nói chung và các tổ trực chiến của bộ đội, dân quân nói riêng cùng tham gia làm.
Đợt thủy lôi địch thả ngày 05-3-1967 đến ngày 08-4-1967 đã rà quét tương đối kỹ, tàu của ta tiếp tục hoạt động. Thắng lợi này làm cho cán bộ công nhân ta tin tưởng: Chúng ta có thể dùng thô sơ thắng hiện đại, con ngoáo ộp thủy lôi của đế quốc Mỹ cũng không có gì đáng khủng khiếp lắm. Nó củng cố thêm 1 bước quyết tâm của anh em.
Nhưng sự việc phát triển không chỉ giản đơn như vậy: Sau 12 chuyến tàu qua lại, đến chuyến thứ 13, VS24 ra cửa bị trúng thủy lôi chìm ngày 23-4-1967.
Tiếp theo đêm ngày 18-5-1967, đến ngày 20-5-1967 địch liên tục thả xuống cửa Lạch Trào bổ sung. Không lui bước trước khó khăn công trường ra quét lôi của ta tiếp tục làm việc:
- Đào và tháo được quả MK52 thứ 5.
- Phá nổ 2 quả bằng bè và bộc phá.
- Thu được 12 dù thủy lôi.
Trong lúc tại hiện trường anh em dùng thô sơ rà quét bom thì tại Hải Phòng các cán bộ kỹ thuật của Hải quân và Cục Đường biển đã phân tích tính năng tác dụng của loại máy gây nổ thủy lôi MK52 - MK50 để thiết kế thi công những thiệt bị phá có cơ sở khoa học và kỹ thuật hơn.
Qua nhiều ngày khổ công nghiên cứu thiết kế, ca thi công thiết bị phá lôi mới ra đời có mật danh là PĐ-67 (phao đèn).
Tháng 6-1967 thiết bị này được Cục và Bộ Tư lệnh Hải quân giao cho C8 và Ty Bảo đảm Hàng hải mang vào cửa Lạc Trào để thực hiện.
- Thiệt bị gồm 1 phao sát có thiết bị phát từ, phát tiếng động nặng 500kg, 1 máy phát điện 1 chiều nặng 800kg, một cuộn dây điện 4 ruột dài 200m, nặng 500kg.. Thiết bị này lúc đầu bố trí trên bè luồng, nhưng không ra cửa được. Sau bố trí trên 1 thuyền gỗ 8 tấn. Mặc dù thiết bị có những nhược điểm như cồng kềnh, sức cơ động và khả năng chịu đựng sóng gió kém nhưng công trường đã tận tình sử dụng khắc phục rất nhiều khó khăn nguy hiểm, góp phần giải phóng luồng Lạch Trào đầu tháng 7-1967. Qua thực nghiệm, cán bộ nghiên cứu thiết kế được anh em đóng góp ý kiến cải tiến rất thiết thực.
- Cũng trong đợt giải phóng luồng, lần đầu tiên ta sử dụng ca-nô chạy kiểm tra. Lượt đầu ca-nô không người lái, ca-nô máy, dùng thuyền buồm kéo. Lượt thứ 2 do đồng chí Lê Văn Lợi công nhân trạm 4 lái.

Trong khi chỉ đạo điểm tại Lạch Trào, Thanh Hóa thi tại các điểm công tác tổ chức huấn luyện, chuẩn bị vật tư thiết bị được xúc tiến. Ban chỉ đạo chống phá thủy lôi của Ty Bảo đảm Hàng hải được thành lập gồm: đồng chí Trưởng Ty, 2 đồng chí Phó Ty và đồng chí Trưởng phòng QS.
- 8 lớp huấn luyện cho quan sát viên đã được liên tiếp mở.
- Ngày 28-4-1967 triển khai xong 8 đài quan sát cho cửa Đáy và cửa Lạch Giang do trạm 3 phụ trách.
- Tháng 5-1967 sáu đài quan sát tại Lạch Trào cũng triển khai xong do trạm 4 phụ trách.
- Ngày 29-4-1967 đã có kế hoạch cụ thể để triển khai các đài quan sát cho luồng Nam Triệu và luồng Việt - Trung do trạm 1 và trạm 2 phục trách; các đảo đèn và tổ đèn luồng Khu 4 và Đông Bắc được giao thêm nhiệm vụ quan sát thủy lôi.
- Tính đến cuối năm 1967 đã có 150 người chuyên trách quan sát thủy lôi trong đó có 44 nữ. Ngoài ra còn tổ chức phối hợp có thù lao với các tổ trực chiến của dân quân làm nhiệm vụ quan sát. Tổng số đài quan sát chuyên trách và bán chuyên trách gồm 64 đài, chưa kể sự tham gia của các đảo đèn.
Hầu hết các đài quan sát đều ở những nơi hẻo lánh, xa đất liền, xa dân, xa nước ngọt như các đài quan sát trên đảo Hòn Miễu, Hòn Hội, Vĩnh Thực, Động Ba Bể, Cồn Trương, Lạch Trào, v.v…
Có nơi địch thường xuyên đánh phá và pháo kích như Lạch Trào, Lạch Trương, Lạch Giang.
Để có nhà cửa, hầm hố cho các đài quan sát Đội công trình phải đến từng hòn đảo để xây dựng. Đội tàu phục vụ phải vận chuyển người, nguyên vật liệu tiếp tế cho xây dựng và sinh hoạt.
Có đài quan sát không có điều kiện xây dựng phải sống trên những thuyền gỗ cho nên trong năm 1967 đã phải đóng hàng chục thuyền gỗ cho quan sát rà quét và liên lạc. Công tác thông tin liên lạc để báo cáo kịp thời cũng được tổ chức với muôn hình muôn vẻ nơi chạy chân, xe đạp nơi dùng thuyền, điện thoại và vô tuyến điện.
Nhờ mạng lưới quan sát này những âm mưu phong tỏa thủy lôi của địch được phát hiện kịp thời góp phần cho rà quét được nhanh gọn. Nhiều đài quan sát không những có công phát hiện địch thả thủy lôi hoặc bom nổ chậm, mà còn ngăn chặn kịp thời tàu thuyền đi vào khu vực nguy hiểm như: Đài quan sát tại Công Tiên Phong Cửa Đáy đã ngăn kịp một đoàn sà lan chở thuốc nổ đi vào khu vực có bom chờ nổ.
Bên cạnh lực lượng quan sát, Ty đã coi trọng đặc biệt lực lượng rà quét, tháo gỡ bom và thủy lôi:
- Tháng 3 năm 1967 tổ rà quét của trạm 4 được thành lập.
- Tháng 9 năm 1967 Ty đã chuyển Đội Trục vớt tàu sang làm nhiệm vụ rà phá lôi chủ lực của Ty.
- Tháng 10 năm 1967 tổ rà quét của trạm 3 đã thành lập.
Tính đến cuối năm 1967 đã có 82 cán bộ công nhân viên chuyên trách rà quét tháo gỡ bom và thủy lôi, chưa kể các lực lượng tham gia đột xuất như đoàn tàu tổ đèn, hoa tiêu, lái xe, công nhân xưởng, cơ khí…
Đã mở 3 lớp huấn luyện chuyên về rà quét tháo gỡ.
Có tổ rà quét cắm chốt tại các cửa quan trọng như tổ rà quét trạm 4 phụ trách cửa Lạch Trao, tổ rà quét trạm 3 phụ trách cửa Lạch Giang và Lạch Đáy.
Đội Trục vớt sau đổi là Đội Xung kích vận tải là lực lượng cơ động: Khi ở Hải Phòng, khi đi phối hợp với các trạm 3, 4. Có thời kỳ đóng chốt tại sông Gianh Cửa Hội.
Trang bị cho các tổ đội rà quét lúc đầu rất thiếu thốn, lấy rà quét thô sơ làm chính để trang bị, dần dần được Cục quan tâm nên phần trang bị được từng bước tiến lên thô sơ, cơ giới.
Sang năm 1968 việc bố trí lực lượng rà quét có nhiều linh hoạt:
- Khi đế quốc Mỹ ném bom hạn chế, trạm 3, trạm 4 sau khi hoàn thành rà quét bom Lạch Giang, Lạch Trào thông luồng an toàn thì được tập trung phục vụ cho phía Nam. Tổ trạm 4 vào Lạch Quen Bắc Nghệ An mở luồng phục vụ chiến dịch vận tải sang Phi. Tổ trạm 3 cùng một số lực lượng trạm 1, trạm 2 thành một đoàn luồn sâu vào Hà Tĩnh phá bom mở luồng cửa Nhương phục vụ vận tải thô sơ.
- Đội Xung kích vận tải cắm chốt tại Cửa Hội phục vụ chuyển tải và phà Bến Thủy.
- Khi đế quốc Mỹ ngưng ném bom vô điều kiện ở miền Bắc, Ty còn tổ chức thành một đoàn tàu phá lôi mở luồng.
Nhờ việc bố trí lực lượng như trên, Ty Bảo đảm Hàng hải đã góp phần tích cực phá bom mở luồng phục vụ chiến dịch VT5.
Để phục vụ cho hàng trăm người quan sát phân tán dài rộng khắp nơi, hàng trăm người rà quét luôn luôn cơ động xa lại hầu hết ở các vùng đánh phá ác liệt, công tác hậu cần của Ty phải thực hiện những khối lượng rất lớn phức tạp và đột xuất. Vừa qua đã có những thành tích rất đáng kể như công tác tham mưu chỉ đạo của phòng QS/BV công tác tổ chức nhân sự, chế độ của phòng LĐTL, công tác cung cấp vật tư thiết bị, công tác đời sống, công tác vận chuyển, công tác y tế, công tác sửa chữa lắp ráp thiết bị rà quét của xưởng, v.v….
Hầu hết các bộ môn của Ty đã phục vụ vô điều kiện cho công tác chống phá thủy lôi, bom chờ nổ.
Được sự nhất trí như vậy là nhờ:
- Sự giáo dục, tổ chức chỉ đạo động viên của Bộ và Cục; trực tiếp của Đảng ủy các đoàn thể quân chủng và Ban lãnh đạo Ty.
Những lần xuất quân chiến dịch đều có thủ trưởng cấp trên đến dự giao nhiệm vụ và động viên như:
- Đông Xuân 1967-1968 khi Đội Xung kích vận tải xuất quân vào sông Gianh, đồng chí Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ đã đến gặp gỡ tiếp xúc giao nhiệm vụ cho anh em.
- Các đồng chí Cục trưởng: Lê Văn Ký, Hoàng Mạnh Khang, Nguyễn Văn Nhuận trực tiếp thường xuyên theo dõi giải quyết kịp thời mọi nhu cầu cho công tác này.
- Những chiến dịch lớn cán bộ lãnh đạo Ty như các đồng chí Hai, đồng chí Vân đều trực tiếp đi cùng các tổ đội chỉ đạo tại hiện trường.
- Các cán bộ phòng Quân sự của Cục, phòng Quân sự của Ty cũng thường xuyên bám sát các trọng điểm phá lôi mở luồng.
Đâu đâu mọi người cũng dành cho đội phá bom và thủy lôi những quyền ưu tiên có tác dụng động viên.

NHỮNG CHIẾN DỊCH PHÁ BOM CHỜ NỔ MỞ LUỒNG CHỦ YẾU
CÁC LỰC LƯỢNG CỦA TY BẢO ĐẢM HÀNG HẢI ĐÃ THAM GIA

1/ CHIẾN DỊCH BIỂN LỬA SẤM RỀN TẠI HẢI PHÒNG THÁNG 10-1967.
Đầu tháng 10-1967 địch đánh phá mạnh thành phố Hải Phòng. Âm mưu của chúng: Biến Hải Phòng thành một hòn đảo để hàng hóa của phe Xã hội chủ nghĩa và nhân dân tiến bộ trên thế giới chi viện cho ta đánh Mỹ nằm ứ đọng tại chỗ.
Sau khi đánh sập một số cầu chủ yếu như: Xi Măng, Tam Bạc, cầu Niệm, cầu Rào, chúng dùng loại bom chờ nổ (mật danh bom TN) rắc lên hai bên mố cầu, các khúc sông, bến phà để gây khó khăn cho ta giải quyết hậu quả như sửa cầu vận chuyển trên sông, qua phà.
Hải Phòng đã có lúc còn một bến phà duy nhất là phà Bính.
Một bảng thống kê chưa đầy đủ lấy của Ban Công binh 350 ngày 10-10-1967 như sau:
STT THỜI GIAN ĐỊA ĐIỂM
THẢ SỐ LƯỢNG Đ.VỊ
TÍNH ĐÃ NỔ CÒN LẠI
01 04-10-1967 Cầu Niệm 60 quả 21 39
02 04-10-1967 Cầu Rào 29 quả 22 7
03 04-10-1967 Cầu Quay 20 quả 15 5
04 04-10-1967 Bến Kiền 16 quả 9 7
05 04-10-1967 Lâm Đông 72 quả 21 51
06 05-10-1967 Bến Kiến An 56 quả 29 27
07 05-10-1967 Xưởng Bạch Đằng 6 quả 2 4
08 05-10-1967 Cầu Xin Măng 38 quả 21 17
09 05-10-1967 Máy Xay 20 quả 7 13
10 07-10-1967 Cầu Dẽ 35 quả 15 20
11 07-10-1967 Bến Khuể 48 quả 13 35
12 07-10-1967 Bến Cựu 24 quả 3 31
13 07-10-1967 Kênh Đông 48 quả 16 32
14 07-10-1967 Cửa Vạn Úc 10 quả 3 7

Tại cuộc họp đêm ngày 07-10-1967 Ủy ban phòng không Thành phố phân công:
- Phà trên cạn do Công binh Sư doàn 350 phụ trách.
- Phà dưới nước do Hải quân và Cục Đường biển phụ trách.
Cục Đường biển giao trách nhiệm cho Ty Bảo đảm Hảng hải phối hợp cùng C8 Hải quân tổ chức rà quét.
Đội trục vớt lúc này được chuyển sang làm công tác rà quét lôi đang học tập tại Quảng Ninh nhờ sự giúp đỡ giảng dạy của Hải quân.
Nhiệm vụ Cục giao là bằng mọi cách càng nhanh càng tốt rà quét từ cầu Xi Măng đến cầu Quay để phục vụ việc sửa chữa cầu.
- Phải đưa gấp đội trục vớt về Hải Phòng.
- Ổn định chỗ ăn ở cho đội trục vớt và C8 Hải quân.
- Lập kế hoạch rà phá và chuẩn bị vật tư thiết bị.
- Trinh sát thực địa khu vực phải rà phá.
Toàn bộ những công tác trên đã được khẩn trương thực hiện trong 5 ngày.
Ngày 15-10-1967 Đội trục vớt cùng một bộ phận C8 đã dùng bè rà kết cấu bằng phao tàu hút, có gắn 1 máy giảm chấn động để rà phá loại thủy lôi từ tính và tiếng động.
Công tác rà quét rất nguy hiểm và phải kiên nhẫn. Trên bờ nơi thao tác còn đầy bom đạn, lại là nơi địch hay đánh phá cho nên hầu hết phải thi công ban đêm. Phương pháp rà quét còn đang mò mẫm. Đã hoàn thành rà quét từ cửa sông Xi Măng vào cầu Tam Bạc phục vụ kịp thời cho đội tàu sửa chữa cầu và vận chuyển cầu Xi Măng và Tam Bạc.
Một mặt rà phá, một mặt anh em cán bộ đi nghiên cứu tìm hiểu tính năng tác dụng của loại bom mới này để có một phương pháp tháo phá có cơ sở khoa học.
Với lòng dũng cảm, thông minh và khôn khéo các đồng chí Hưng, Hoài, Tân, C8 Hải quân cùng đồng chí Thái Phong đội trưởng trục vớt đã tháo gỡ được bộ máy bom DST còn nguyên vẹn ngày 17-10-1967 tại khu nhà ăn An Dương. Bộ máy này đã được kịp thời phục hồi để nghiên cứu.
Các kỹ sư của Cục cũng nhận được chỉ thị Ban lãnh đạo Cục nghiên cứu cải tiến và thi công thiết bị phá bom mới dựa trên cơ sở kỹ thuật của PĐ67.
Những thiết bị mới được mang tên PĐ67-2 ra đời là được cấp tốc mang ra hiện trường thực hiện.
Những vị trí xung yếu lúc đó nghi ngờ có bom TN. Cục Đường biển đã duyệt y phương pháp dùng ca nô có tốc độ nhanh chạy lấn dần kiểm tra trước khi cho các tàu vận tải đi qua hoặc cập cầu.
- Đêm 13-10-1967, TN10 số 3 do các đồng chí Hồ Thanh Thảo, Đoàn Tiến Đức, Nguyễn Văn Đa để chạy kiểm tra cầu Sơ Đầu.
- Đêm ngày 01-11-1967 kiểm tra cầu Đầu lần thứ hai bằng ca-nô 185 do đồng chí Lê Văn Lợi lái.
- Chạy kiểm tra cảng Vật Cách bằng ca-nô còn có đồng chí Nhật lái.
- Ngày 04-01-1968 ca-nô còn có đồng chí Hòa và Hoa lại chạy kiểm tra cửa sông Xi Măng đã phá nổ liên tục 2 quả.
Việc chạy kiểm tra hết sức nguy hiểm, phức tạp, nhất là tổ chức cấp cứu trang bị phòng hộ lao động. Nhưng khi được phân công làm công tác này, Đội tàu tàu phục vụ của Ty đã phải chỉ định vì ai cũng xung phong nhận làm. Anh em đã đóng góp nhiều sáng kiến trong việc điều khiển để rút bớt người và những phương p\háp bảo đảm an toàn như: Ca-nô còn có dùng ghế đệm có lò xo cho thuyền trưởng lái, đứng lái bằng chân để khắc phục không phải ngồi trong ca-bin.
Anh em nói chung vẫn chưa bằng lòng với những phương pháp làm như trên nên việc đi rút kinh nghiệm và học tập đơn vị bạn được hết sức coi trọng.
- Đến Công ty 202 học tập phương pháp thả trôi sà lan phá nổ 4 quả.
- Học tập công binh F350 phá trên cạn bằng bộc phá, nam châm Vĩnh Cửu, kéo tôn.
- Ngày 08-11-1967 một đoàn đi Hà Nội học tập Công binh Hà Nội và gặp Cục Nghiên cứu Kỹ thuật Bộ Tổng tư lệnh để xin tài liệu về tính năng tác dụng kết cấu bom TN.
- Phục hồi máy ĐST để thí nghiệm thiết bị.
- Đem thí nghiệm 1 thiết bị mới của Cục mới sản xuất: PĐ67-3 tại hiện trường như: Bản đồ An Dương, phà Kiền, đo cầu Xi Măng, Hạ Lý, Bạch Đằng…
Qua việc học tập nghiên cứu đã có những phương pháp làm mới như: kéo tôn phía trên cần phải chú ý kéo đúng hướng máy bay.
- Phá bằng nam châm Vĩnh Cửu phải chú ý cực từ.
- Muốn phá bom được tốt phải có tài liệu quan sát chính xác, phải giữ tuyệt đối bí mật cách rà phá.
- Phải đầu tư phá bom trên cạn để tiến tới phá được bom dước nước.
Nhờ đó ngày 13-11-1967 tại Thanh Hà, Hải Dương đội trục vớt và C8 đã phá nổ 4 quả bom TN đầu tiên bằng một tấm tôn lợp nhà.
Ngày 20-11-1967 địch tiếp tục ném bom TN bến phà An Dương cầu phao chờ sát cửa sông Xi Măng, v.v…
Ngay đêm 20-11-1967 đội trục vớt và C8 Hải quân, một bộ phận Công binh 350 triển khai lực lượng cấp tốc phá bom. Đến bến phà An Dương, anh em đang chuẩn bị khí tài, một chuyến phà bị trúng bom. Anh em ngưng rà quét quay sang cấp cứu đồng bào bị tai nạn, đã cứu được 74 người (một số cứu sống tại chỗ, một số đã dùng xe của đơn vị đưa đi cấp cứu).
Ngày 15-11-1967 trong cuộc họp giữa Cục Đường biển và Hải quân có nhận định:
- Địch chủ quan vì coi như đã phong tỏa có kết quả các cửa biển bằng bom TN.
- Thời tiết rất thuận lợi cho vận tải phía Nam. Noel, Tết dương lịch và Tết âm lịch có khả năng ngừng bắn.
Cần khẩn trương mở luồng phục vụ vận tải ở khu 4: mở luồng Lạch Giang, Lạch Trào, Cửa Hội để chuẩn bị thời cơ hoạt động…
Nếu vận tải thủy chưa có điều kiện làm ăn cũng tập trung phục vụ cho vận tải bộ, vận tải thô sơ đang gặp khó khăn vì bom TN.
Về lực lượng thì phân công như sau:
- Mở cửa Lạch Giang, do trạm 3 và một số của đội trục vớt, chỉ đạo tại đây do đồng chí Vân Phó Ty phụ trách.
- Mở cửa Lạch Trào do trạm 4 phối hợp cùng Hải quân, chỉ đạo do đồng chí Hà Liệu Trưởng phòng Công binh và đồng chí Tròn cán bộ đội trục vớt.
- Cửa Hội, sông Gianh do đội trục vớt, chỉ đạo do đồng chí Hai Phó Ty.
Thế là mở màn chiến dịch phá bom mở luồng phục vụ vận tải phía Nam Đông Xuân 1967-1968.

2/ ĐÔNG XUÂN 1967-1968 MỞ LUỒNG PHÍA NAM
A- Mở luồng Lạch Giang và Cửa Đáy.
Lạch Giang là cửa sông Ninh Cơ ra biển Đông, cửa khá rộng từ 600 đến 800m. Phía đông cửa Lạch Giang có một cồn cát dài, khi sóng gió tại cửa này loại sóng cồn rất mình, nhất là khi có gió mùa đông bắc. Đội tự lực từ cửa này đi ra biển để vào khu Bốn.
Cửa Đáy cũng là cửa được chuẩn bị để đề phòng khi cửa Lạch Giang bị phong tỏa cho Đội tự lực ra biển. Cửa này thì hẹp, gấp khúc và dài. Ngày 22-8-1967 địch phong tỏa cửa Đáy bằng bom TN, tiếp theo ngày 23-8-1967 phong tỏa Lạch Giang.
Gần đến ngày Noel, Tết dương lịch địch càng phòng tỏa mạnh hơn, tính từ ngày 27-11-1967 đến ngày 17-12-1967, cửa Đáy địch thả 5 lần gồm 10 máy bay bằng 84 quả. Cửa Lạch Giang 14 lần bằng 35 máy bay 184 quả trong khoảng 3km.
Đến hôm 20-11-1967 hành quân vào trạm 3, khi qua phà Cựu phà không cho người đi, anh em đã phải bơi qua sông để đi cho kịp.
Mọi công tác được chuẩn bị hết sức khẩn trương:
- Nắm tình hình.
- Triển khai thêm lực lượng quan sát, thông tin liên lạc.
- Thành lập Ban chỉ huy Công trường quét lôi gồm:
+ Đồng chí Lê Sâm đội trục vớt làm Trưởng ban.
+ Đồng chí Phương + Tuy trạm 3 làm Phó ban.
+ Đồng chí Ưng (Hải quân) phụ trách kỹ thuật.
- Lực lượng rà quét gồm có:
+ Tổ đồng chí Nhơn trục vớt có 9 người.
+ Tổ đồng chí Tạo trạm 3 có 7 người.
- Toàn bộ trạm 3 và công trường rà quét đặt dưới sự chỉ đạo của đoàn chỉ đạo gồm:
+ Đồng chí Vũ Long Vân: Trưởng đoàn.
+ Đồng chí Lê Ngọc Châu + Trần Đình Cung: Phó đoàn.
- Ổn định nơi trú quán, tổ chức ăn uống cấp cứu.
- Nghiên cứu thực địa thống nhất phương pháp rà quét, chuẩn bị vật tư.
Với tinh thần nỗ lực sáng tạo, tự lực cánh sinh sau 7 ngày mọi việc hoàn thành. Chiều ngày 27-11-1967 xuất kích lần đầu rà quét. Bè rà lúc này dùng 2 phao tàu hút 100k/giờ và một số phi lao ghép lại đeo thêm một số sắt thép thu nhặt ở xí nghiệp Ninh Cơ. Thuyền điều khiển thuê của địa phương và mượn của HTX đánh cá. Sau ba ngày rà quét không nổ quả nào nhưng trên sông hàng ngày bom TN vẫn tự hủy. Mặt sông không một bóng thuyền qua lại, hàng đầy cả cũng bỏ không ai làm. Lúc này đã có nhiều anh em bi quan. Đoàn chỉ đạo đã trực tiếp đi hiện trường cùng anh em nghiên cứu phá những quả trên cạn để có tiếng nổ động viên khí thế của đơn vị. Đến ngày 01-12-1967 phá nổ 1 quả trên ruộng muối của xã Hải Thịnh giải phóng khu này cho nhân dân làm muối. Ngày 02-12-1967 phá nổ 1 quả gần chấp A bên mép nước bằng kéo tôn. Khi nước kiệt phát hiện 1 quả dưới nước, đoàn chỉ đạo đã quyết định cho nước thủy triều lên cao để thí nghiệm bè rà phá dưới nước. 4 giờ sáng ngày 03-12-1967 bè rà đã phá nổ quả này làm cho anh em rất phấn khởi và tin tưởng vào phương pháp rà phá.
Thắng lơi đầu tiên này được phân tích nghiên cứu kịp thời với tinh thần phấn khởi và sáng tạo không ngừng của anh em nên:
- Bè rà được cải tiến không ngừng.
- Người điều khiển từ 9 người rút lại còn 2.
- Trước chỉ xuất kích ban đêm, sau xuất kích cả ban ngày.
- Bom phá nổ liên tiếp, có đêm phá liên tục 15 quả anh em và bè rà được an toàn.
Việc phá bom thành công ở dưới nước đã được Tỉnh đội Nam Hà cử 1 đoàn cán bộ công binh đến tham quan học tập. Đồng chí Anh - thượng úy - Trưởng tiểu ban Công binh Tỉnh đội Nam Hà đã xác nhận, về mặt lý luận chúng tôi hơn các đồng chí nhưng về thực tiễn và tinh thần dám nghĩ dám làm thì chúng tôi phải học tập các đồng chí, với kinh nghiệm quý báu của các đồng chí chúng tôi có thể đẩy mạnh được phong trào phá bom TN trong lực lượng bán vũ trang của chúng tôi.
Bên cửa Đáy, tổ hoa tiêu đã tự đảm nhận quan sát thủy lôi, tình nguyện nhận thêm rà quét mở luồng. Với kinh nghiệm cửa Lạch Giang hướng dẫn phổ biến, anh em tổ cửa Đáy cũng phá được bom, lại còn giúp đỡ Tỉnh đội tỉnh Ninh Bình kinh nghiệm phá bom.
Tính đến ngày sơ kết 03-01-1968 đã phá nổ 50 quả trên 2 cửa Ninh Cơ và Đáy. Trên sông thuyền bè đã qua lại theo những luồng ta đã rà quét. Khu vực này đã hoạt động trở lại. Dân quân 2 xã Nghĩa Thắng và Ninh Cường đã được hướng dẫn tự lực phá được bom. Đồng bào hai bên sông đa số là đồng bào Thiên Chúa giáo hết sức phấn khởi tin tưởng và thường gọi anh em là Đội Quyết tử phá bom.
Qua hội nghị sơ kết đã rút ra được nhiều kinh nghiệm quý báu về phương pháp rà quét thủ công. Nhưng vấn đề còn tồn tại được anh em suy nghĩ khắc phục là:
- Làm thế nào để bè rà ít bị phá hủy (vấn đề tốc độ rà).
- Làm thế nào để khắc phục sóng gió ngoài cửa để đi xa ra cửa.
- Làm thế nào đã rà quét không lệ thuộc nước thủy triều.
Những kinh nghiệm rà quét thủ công tại Lạch Giang được báo cáo điển hình tại Hội nghị phá bom của Bộ ngày 10-01-1968 và Hội nghị của Cục ngày 19-01-1968. Nhiều kinh nghiệm mới học tập tại các hội nghị trên cũng được phổ biến áp dụng tại cửa Lạch Giang như rà quét bằng nam châm Vĩnh Cửu theo phương pháp “Văng câu”.
Để chính thức chuẩn bị cho tàu hoạt động tháng 02-1968, công tác rà quét phá bom tại cửa Lạch Giang được đẩy mạnh:
- Ngày 19-02-1968 thiết bị phá bom PĐ67 đã thí nghiệm thành công, phá nổ liên tục 2 quả ở cự ly từ 25m đến 50m rất an toàn.
- Bè rà bằng nam châm Vĩnh Cửu, bằng PĐ67 đã rà phá rất kết quả. Đến ngày 22-02-1968 luồng Lạch Giang được kết luận an toàn sau khi tăng-kít chạy kiểm tra nhiều lần chỉ nổ 1 quả ngoài mép luồng. Chuẩn bị đến ngày 21-02-1968 cho tàu vận tải hoạt động thì 1 giờ sáng hôm đó địch tiếp tục phong tỏa trở lại.
Mặc mưa phùn gió rét liên miên đoàn chỉ đạo cùng cán bộ công nhân trạm 3 ngày đêm bám sát cửa Lạch Giang quyết tâm mở luồng nhanh nhất. Đêm ngày 26-02-1968 sau khi phá nổ liên tiếp 12 quả thì 1 tăng-kít + 3VS ra cửa an toàn đi Lạch Trào. Cửa Lạch Giang từ đó liên tục đưa đón tàu bè ra vào nhờ sự cố gắng của anh em rà phá lôi thường xuyên kiểm tra luồng, ngày đêm theo dõi quan sát và tinh thần đồng cam ngoan cường của các đồng chí hoa tiêu.
Đầu năm 1968 khi địch phong tỏa cảng Nam Định bằng bom TN, trạm 3 cùng tổ trục vớt đã phá nổ 4 quả giải phóng kịp thời cảng Nam Định.

B- Mở luồng Lạch Trào.
Từ ngày 01-9-1967 đế quốc Mỹ bắt đầu dùng bom TN phong tỏa cửa Lạch Trào, tính đến ngày 18-3-1968 đã thả 6 lần, số thủy lôi 166 quả. Cửa Lạch Trào do trạm 4 phụ trách đã 2 lần phối hợp cùng Hải quân phá thủy lôi mở luồng: Tháng 4-1967; tháng 7-1967.
Là đơn vị có truyền thống phá bom mở luồng, cũng là nơi mà sự phối hợp giữa Hải quân chặt chẽ, cho nên Thu Đông 1967-1968 đã giòn giã phá 26 quả mở luồng trước ngày Noel 1967.
Kết quả mở luồng đã tạo điều kiện cho đoàn tàu vận tải Quảng Bình gồm 6 chiếc bị kẹt tại cửa sông Cung từ tháng 9 ra cửa an toàn về địa phương.
- Các tàu chiến đấu của khu Hải quân sông Mã có điều kiện hoạt động.
- Đoàn quân vận sông Hồng ra vào cửa an toàn thực hiện kế hoạch.
Ngày 05-01-1968 bến phà Lèn bị bom TN phong tỏa theo yêu cầu của tỉnh Thanh Hóa trạm đã cử một số cán bộ công nhân đến phà Lèn phá bom, sau khi phá nổ 6 quả ngày 08-01-1968 bến phà được giải phóng, anh em còn giúp đỡ bạn về tổ chức kỹ thuật và kinh nghiệm phá bom TN.
Tháng 3-1968 trước khi thực hiện âm mưu ném bom hạn chế miền Bắc địch lại phong tỏa cửa Lạch Trào đến ngày 20-3-1968. Ngày 26-3-1968 một tổ của đội trục vớt được vào chi việc cùng lực lượng rà quét của trạm đã kịp thời phá bom mở luồng; chỉ trong 1 ngày anh em đã hoàn thành nhiệm vụ hiệp đồng giòn giã với Lạch Giang. Đến ngày 26-3-1968 tàu bè tự do ra vào an toàn.

C- Mở luồng Cửa Hội.
Giữa vùng phà Bến Thủy - bến chuyển tải rồi đến chiến dịch VT5

Luồng Cửa Hội do trạm 5 thuộc cảng Bến Thủy phụ trách. Để chi đạo tại đây, Cục cử một đoàn cán bộ: đồng chí Hải - Phó Ty Bảo đảm Hàng hải - Trưởng đoàn, cán bộ Phòng Quân sự Cục.
Trạm 5 cũng là đơn vị có nhiều kinh nghiệm phá bom TN, bằng phương pháp thủ công. Tháng 3-1968 một tổ của Đội Xung kích vận tải đã dùng PĐ67 vào phối hợp cùng trạm 5 mở luồng Cửa Hội.
Khi địch ném bom hạn chế miền Bắc thì mật độ bom đạn tập trung tại đây rất lớn.
- Tháng 4-1968 chúng dùng bom TN phong tỏa dày đặc phà Bến Thủy - bến chuyển tải.
- Tiếp theo phong tỏa dày đặc Cửa Hội.
Sau khi phong tỏa xong bắt đầu đánh phá kho tàng, truy lùng các phương tiện tàu xe của ta. Những trọng điểm địch thường bổ sung bom liên tiếp.
Để chỉ đạo công tác phá bom phục vụ vận tải trong giai đoạn này tại Khu 4 Cục đã thành lập đoàn chỉ đạo gồm:
- 01 đồng chí Phó Ty Bảo đảm hàng hải làm đoàn trường.
- 01 đồng chí Phó Giám đốc Cảng Bến Thủy làm phó.
- 01 đồng chí cán bộ Phòng Quân sự Cục làm phó.
- Đồng chí đội trưởng Đội Xung kích vận tải làm ủy viên.
- 02 đồng chí cán bộ của C8 Hải quân làm ủy viên.
Lực lượng gồm:
- Đội Xung kích vận tải Ty Bảo đảm hàng hải.
- Trạm 5 thuộc cảng Bến Thủy (có 20 người).
- 01 phân đội của C8 Hải quân.
Nhiệm vụ của đoàn được Bộ Tư lệnh Hải quân và Cục giao cho:
1/ Tại Cửa Hội: Phục vụ kế hoạch chuyển tải qua sông Lam, giữ vững phà Bến Thủy. Mở Cửa Hội là phụ vì khả năng hoạt động của tàu ta còn thiếu.
2/ Tại cửa Gianh: Phục vụ chuyển tải bến phà, huấn luyện cho dân quân du kích phá bom mở đường.
3/ Thí nghiệm một số thiết bị mới để tăng sức cơ động phá bom TN như: Dùng PĐ67 lắp trên xuồng có máy đẩy riêng + PĐ67 lắp trên cần cua ca nô.
Sau khi vào cụ thể tình hình, một số nhiệm vụ mới đoàn phải chỉ đạo thực hiện là:
- Phá bom mở luồng cứu một số tàu bị đánh phá.
- Mở luồng cho thuyền thô sơ ra vào Cửa Hội.
- Giải phóng khu vực đánh cá để giải quyết đời sống cho ngư dân.
- Phục vụ các đội cầu, sửa cầu, đường bộ.
Nhờ sự chỉ đạo của phân bộ, Cục Đường biển, Bộ Tư lệnh Hải quân cộng với sự sáng suốt, sáng tạo của đoàn chỉ đạo nên trong tình hình địch đánh phá rất ác liệt các lực lượng rà quét đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo vệ được khí tài, lực lượng tạo điều kiện rất cơ bản cho đợt mở luồng Cửa Hội đầu tháng 11-1968 phục vụ chiến dịch VT5.
Phổ biến huấn luyện và trao đổi kinh nghiệm được rất nhiều đơn vị làm công tác phá bom TN. Kết quả:
Tại Cửa Hội: Từ Cửa Hội đến phà Bến Thủy dài 28km, 3 đoạn chủ yếu địch phong tỏa nhất là:
- Bến chuyển tải: Từ ngày 20-4-1968 đến ngày 23-4-1968: 13 lần địch thả bom TN = 116 quả (theo tài liệu quan sát của trạm 5).
- Cửa Hội:
Tháng 4 thả liên tục ngày 7, ngày 11 và ngày 12 = 78 quả.
Tháng 5 thả liên tục ngày 7, ngày 8 = 40 quả.
Tháng 9 thả liên tục ngày 6, 8, 9, 12, 14, 15, 16; có ngày từ 2 đến 3 lần chiếc = 157 quả.
- Phà Bến Thủy: Ác liệt nhất trong tháng 6-1968: ngày 9, 13, 15, 17, 20, 22, thả liên tục từ 1 đến 2 lần chiếc = gần 200 quả.
Qua phân tích cách phòng toán của địch tại sông Lam Cửa Hội thấy chúng có những âm mưu như sau:
- Phong tỏa xong, chặn đầu chặn đuôi thì truy lùng kho và tàu bè (tháng 6 địch đã đánh rất trúng vào một số kho của cảng Bến Thủy và một số tàu bè).
- Phong tỏa ác liệt phà Bến Thủy khi đường bộ còn thông. Nhưng thời gian cầu Phương Tích bị phá hỏng thì chúng tạm ngưng bớt phong tỏa phà Bến Thủy.
- Tại Cửa Hội sau khi trinh sát thấy tàu của ta ngưng hoạt động thì chúng cũng ít phong tỏa, sắp đến ngày xuống thang ngưng bắn thì phong tỏa ác liệt.
- Trong giai đoạn này chúng tích cực dùng tàu biệt kích để bắt ngư dân khai thác tài liệu về cách phá bom TN của ta.
Trong tháng 5-1968 Đội Xung kích vận tải và một tổ Hải quân đã huấn luyện và trang bị cho đội đáy cá Nghi Hải, Nghi Hòa phá bom giải phóng nơi đánh cá. Anh em đã tự phá nổ 9 quả và hàng đáy Cửa Hội cũng từ đó bắt đầu hoạt động trở lại đã giải quyết thiết thực cho đời sống của quần chúng. Đồng chí Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc đã đánh giá rất cao công lao của anh em.
Luồng lạch, bè để phục vụ cho tuyến vận tải thủ công cũng được giải phóng trong tháng 5, hàng ngày ít nhất hàng chục thuyền từ 10 đến 30 tấn của các công ty vận tải biển Hà Tĩnh, Nghệ An ra vào an toàn.
Gay go ác liệt nhất là chiến đấu giữ vững khu vực chuyển tải và phà Bến Thủy. Lực lượng của địa phương tại đây gồm có:
- C300: 7 người.
- Phòng 15 GT: 6 người.
- Phà Bến Thủy: 3 người.
Khí tài chủ yếu ở đây anh em có xuồng cao su, giấy ni lông và nam châm Vĩnh Cửu.
Ngày 09-6-1968 khi địch phong tỏa bom TN anh em tự rà phá đến quả thứ 24 cho ca nô chạy kiểm tra thì ca nô bị trúng bom và nổ chìm. Tiếp tục rà phá đến quả thứ 29 lại mất 1 ca nô nữa. Lúc này bến phà chỉ còn duy nhất 1 phà và 1 ca nô. Phà vẫn bị tắc.
Trong lúc tình thế đang nguy ngập như vậy thì đoàn được lệnh của phân bộ chi viện bến phà:
- Ngày 12-6-1968 trạm 5 dùng thô sơ phá nổ 4 quả, PĐ67 do anh em Đội Xung kích vận tải dùng kiểm tra phá nổ 1 quả, bến phà được giải phóng an toàn.
- Ngày 13-6-1968 máy bay địch lại phong tỏa lại. Phà lại tắc. Trạm 5 dùng thô sơ phá nổ liên tục 8 quả, đến ngày 14-6 phà thông.
- Ngày 15-6-1968 địch lại phong tỏa, ngày 17-6-1968 cũng phong tỏa, nhưng không trúng và luồng phà vẫn thông.
- Ngày 20-6-1968 địch thả một loạt, phà tắc nhưng ngay đêm đó PĐ67 đã phá một loạt 6 quả, phà lại thông.
Đêm 22-6-1968 địch lại phong tỏa, đêm 23-6-1968 ta lại phá nổ 4 quả, phà lại thông.
Sang tháng 7 cuộc chiến đấu lại càng ác liệt hơn nhưng đồng thời ta cũng có kinh nghiệm hơn. Đội xung kích được phân công chốt tại bến phà vừa phối hợp vừa truyền đạt anh em C300 đã liên tục đánh phá bom, giữ vững bến phá. Riêng tháng 7 đã phá nổ tại đây 68 quả, có trận đặc sắc ngày 13-7-1968 anh em đã phá 1 ca 20 quả nêu một kỷ lục cao nhất.
Khi đi qua bến phà trong tháng 6 đồng chí Bộ trưởng Phan Trọng Thuệ có biểu dương anh em của đoàn ngay tại hiện trường.
Trong chiến đấu ác liệt tại Cửa Hội những thiết bị mới của Cục trang bị cho cũng được đưa ra thực nghiệm để chuẩn bị một thời cơ mới khi địch xuống thang ta có thiết bị cơ động nhanh phá bom mở luồng với thời gian ngắn nhất.
Qua muôn ngàn khó khăn nguy hiểm các đồng chí Lê Văn Lợi, Trần Anh Nguyệt đã đưa ca nô 55 có cần gắn PĐ67 vào được sông Lam.
Anh em đã cho nó cái tên là “Người bảo vệ” để chống lại loại bom mà địch cho mang tên là Kẻ phá hoại.
“NBV” ngày 15-9-1968 xuất kích thí nghiệm đầu tiên đã phá nổ liên tiếp 3 quả dưới luồng. Tuy cần treo cuộn từ bị hỏng gây ra một tai nạn khá nguy hiểm nếu không có mưu trí và dũng cảm cấp cứu kịp thời.
“NBV” sau khi thí nghiệm chắc thắng trở thành thiết bị chủ bại phục kích sẵn cửa sông Lam để chờ thời xông pha diệt kẻ phá hoại lập công phục vụ vận tải cho tiền tuyến.
Ngày 02-11-1968 “NBV” đã xuất hiện kịp thời tại Cửa Hội góp phần xứng đáng mở màn chiến dịch VT5.
Bên cạnh những thành công trên, trong chiến đấu các lực lượng của đoàn chỉ đạo phụ trách đã giúp đỡ bồi dưỡng cho nhau cùng tiến bộ như:
- Trạm 5 - Hải quân được anh em Đội Xung kích vận tải giúp đỡ nắm vững kỹ thuật sử dụng PĐ67.
- Trạm 5 còn được cung cấp tận nơi hàng trăm viên nam châm Vĩnh Cửu.
- Đã uốn nắn giúp đỡ nhau một phần trên mặt tư tưởng như: chủ quan khinh địch, địa phương, thành tích chủ nghĩa, v.v…

Sông Gianh: Chiến dịch phá bom thắng lợi phục vụ cho vận tải đường
bộ, đường thủy Thu Đông 1967-1968.

Phà Sông Gianh cùng một số bến chuyển tải bị phong tỏa bom chờ nổ từ lâu.
Phải giải phóng con sông và bến phà đó để đón thời cơ lễ Noel, Tết ngưng bắn phá phục vụ cho vận tải và chiến đấu của địa phương và tiền tuyến.
Đồng chí Phan Trọng Tuệ trong khi tiếp xúc giao nhiệm vụ cho anh em đội TV gồm 2 tổ có nói rằng: “Đó là một nhiệm vụ trọng đại có ý nghĩa lịch sử”.
Với chặng đường hành quân 600km, với mật độ bom đạn càng vào sâu phía Nam càng lắm, càng ngày ngưng bắn càng mỏng manh. Thời tiết lại thường mưa, gió, rét, nhưng anh em lái xe dũng cảm và mưu trí đã đưa anh em đến địa điểm an toàn.
Anh em đa số công tác tại khu Ba, chưa từng hiểu rõ khu Bốn. Có anh em hiểu khu Bốn là ác liệt, là hy sinh chết chóc.
Nhưng không một ai xao xuyến tiền tuyền gọi khoong một lý do chậm chễ.
Khi anh em bước vào cuộc chiến đấu thực sự tại đây, sống trong lòng nhân dân, chiến đấu bên cạnh những chiến sĩ con em của Quảng Bình anh hùng gan vàng dạ sắt cũng có tác dụng động viên anh em dũng cảm tiến lên.
Khẩu hiệu của mọi người là: Ra đi mang nặng lời thề thủy lôi, quét sạch mới về quê hương.
Ngày 15-12-1967 hành quân tới địa điểm - mọi công việc ăn ở, trinh sát tình hình, nghiên cứu thực địa, bồi dưỡng lực lượng dân quân địa phương đều phải khẩn trương thực hiện - chỉ có 10 ngày phải hoàn thành để ngày 25-12-1967 bến phà sống lại.
Ngày 21-12 trên sông Gianh đã phá nổ 11 quả kịp cho ngừng bắn Noel phà qua lại an toàn.
- Sau sông Gianh là phà Rèn phà 17 qua.
- Đến phà Lý Hoa.
- Bến chuyển tải Ba Đôn.
Sau ngày Noel mức độ điên cuồng đánh phá của kẻ địch tăng lên gấp bội - Máy bay bắn phá hàng tấn pháo kích.
Yêu cầu phá bom không còn chỉ trong phạm vi vận tải mà còn phải phục vụ các mục tiêu khác.
Ngày 26-12-1967 phá bom tại xã Quang Văn để cứu nhà cửa của đồng bào, ruộng vườn đang vụ cày cấy. Tại đây đã phá nổ 7 quả có sự tham gia của dân quân và công an địa phương.
Đặc biệt ngày 28-12-1967 bom chờ nổ đã bao vây 1 trận địa pháo 12 khẩu bảo vệ phà Giang. Theo yêu cầu của Tỉnh ủy Quảng Bình, 2 đồng chí Thái Phong - Sâm đã hướng dẫn 8 đồng chí bộ đội phá 5 quả mở đường kéo pháo ra an toàn, trong khi đó các đồng chí công binh đã phá 2 ngày không nổ.
Ngày ngưng bắn Tết dương lịch (01-01-1968) phà sông Gianh: phà I và II đều được giải phóng, rồi phà Bắc Trạch cũng thông.
Xe và pháo vào Nam đi nườm nượp suốt ngày đồng thời hàng vạn đồng bào Vĩnh Linh sơ tán cũng về hậu phương được an toàn.
Nhìn những chuyến phá đầy ắp người hoặc tua tủa những nòng pháo. Cán bộ công nhân đội trục vớt mới thấm thía lời nói của Bộ trưởng đồng thời cũng thấy hết ý nghĩa của lời nói của đồng chí Giai BCH chiến dịch Bắc Giang. Một quả bom phá nổ được ở đây có giá trị như hạ 1 máy bay Mỹ.
Ngoài việc phá bom, ở đây còn là nơi tháo được nhiều bom nhất: 7 quả, gồm:
- 2 quả bom MK42.
- 3 quả bom sát thương.
- 2 quả nổ ngay.
Khi địch ném bom hạn chế miền Bắc thì sông Gianh cũng là nơi địch tập trung đánh phá ác liệt nhất.
Những chiến sĩ phá bom TN của Đội Xung kích vận tải và C8 Hải quân vẫn kiên trì bám sát tuyến lửa này để phục vụ vận tải.
Ở đây việc sống chết xảy ra từng giây từng phút, sinh hoạt lại vô cùng khó khăn do tiếp tế xa xôi, nhiều lúc khí tài cũng thiếu thốn.
Những chiến sĩ lái xe của Ty đã vượt qua rất nhiều nguy hiểm mưa trí và dũng cảm để tiếp tế lương thực thực phẩm và khí tài.
Anh em đã hoàn thành rất xuất sắc nhiệm vụ trong những tháng địch đánh phá ác liệt nhất là tháng 5, 6, 7.
Những bến phà I, II, Ba Đôn đã được anh em giữ vững.
Đoạn chuyển tải Thông Thông - Cù Lạc dài 25km anh em đã cơm đùm cơm nắm ăn ngủ ngay hiện trường để phá bom phục vụ cho vận tải.
Trong giai đoạn này đã phá nổ 45 quả.
Cũng ở đây 2 đồng chí Hải phân đội trưởng xung kích vận tải và đồng chí Khiêm công nhân đã cứu được 2 sà lan vũ khí của Cục tiền phương khi chiếc tàu kéo bị trúng bom TN chìm.
Hành động dũng cảm của 2 đồng chí trên đã được Cục tiền phương và nhân dân địa phương hết sức ca ngợi.


NHỮNG TRẬN ĐỘT XUẤT THẮNG LỢI

Trong khi toàn bộ lực lượng của Ty Bảo đảm Hàng hải tập trung phá bom mở luồng phục vụ vận tải phía Nam thì những luồng phía Bắc, Đông Bắc nhiều lần bị máy bay địch phong tỏa bằng bom chờ nổ kiểu từ trường (MK42).
Để kịp thời phục vụ vận tải Cục Đường biển nhiều lần giao nhiệm vụ cho Ty.
Phòng Quân sự bảo vệ trở thành đơn vị trực tiếp thi công. Ngày 04-01-1968 phòng đã trực tiếp điều khiển ca nô Cồn Cỏ phá bom giải phóng cửa sông Ci-ment, ca nô Cồn Cỏ do đồng chí Hoa và Hòa đã phá nổ liên tiếp 2 quả.
Đi phà Ninh Giang lần thứ nhất - kéo tôn nổ 7 quả giải phóng luồng, đồng thời hướng dẫn Thị đội Ninh Giang kỹ thuật kinh nghiệm phá bom.
- Phá bom giải phóng bến phà Quý Cao.
Tháng 02-1968 đi phá bom dưới luồng lần thứ hai tịa Ninh Giang. Lần này thiết bị PĐ67 xuất kích chỉ trong một ngày phá và kiểm tra 2 tuyến bom: 7 quả bom nổ liên tục làm cho đoạn này tắc 3 ngày được giải phóng, hàng trăm tàu thuyền đã qua lại tấp nập sau giờ luồng được giải phóng.
Phà Kiền bị phong tỏa làm tắc đường vận chuyển đường sông từ Hải Phòng lên Hà Nội. Ngay hôm đó PĐ67 đã mở luồng cho tàu bè qua lại an toàn.
Trong năm 1968 những trận đột xuất này đã phá được 13 quả bom chờ nổ MK42 giải phóng rất kịp thời luồng lạch hầu hết phục vụ cho luồng vận tải sông Hải Phòng - Hà Nội.
Những trận này cán bộ lãnh đạo phải trực tiếp đi thi công vì lực lượng rất thiếu.

Chiến dịch VT5

Địch ném bom hạn chế từ vĩ tuyến 19 trở vào. Vận tải thủy bộ đã nhanh chóng phục hồi, nhưng hàng vào ứ đọng tại Bắc sông Lam, Bắc cầu Bung.
Hàng ngàn phi vụ của địch trước đây dài toàn miền Bắc nay tập trung vào 1 địa bàn hẹp: Nam Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình.
Mỗi tấn hàng vào tiền tuyến đều có xương máu, việc vận chuyển theo đường biên qua Lạch Giang vào Lạch Trào trở thành bình thường.
Theo lệnh của Bộ Tư lệnh tiền phương đường biên tìm mọi cách chi viện cho đường sông, đường bộ.
Dù có tổn thất cũng chia lửa với đơn vị bạn.
Thi hành chủ trương đó của Bộ, Cục chỉ thị cho Ty Bảo đảm Hàng hải:
- Rút lực lượng của trạm 4 phá bom mở luồng Lạch Quèn (Bắc Nghệ An, cho tàu lấn dần tạo điều kiện cho thuyền vô thọc sâu.
- Rút lực lượng của trạm 3 và 1 cùng số anh em trạm 2 và 1 thành lập đội xung kích 11 gồm 30 anh chị em hành quân bộ luồn sâu vào cua Nhương Hà Tĩnh phá bom mở luồng cho thuyền vô hoạt động.
- Cục tăng cường cho Đội Công binh cảng Hải Phòng mở thêm luồng Lạch Cơn đề phòng địch phong tỏa bất ngờ Lạch Quèn.
- Đội Xung kích vận tải đóng chốt Cửa Hội chuẩn bị lực lượng thiết bị để đón thời cơ.
- Ngày 24-9-1968 đội xung kích 2 lên đường vào cửa Nhương.
- Bắt đầu từ đêm 22-10-1968 kế hoạch vận chuyển xăng phi vào Lạch Quèn được thực hiện. Hàng ngàn phi xăng đã đưa vào đây an toàn - sang ngang cho thuyền vô thọc sâu vào phía Nam.
- Cùng ngày 20-10-1968 Thường vụ Đảng ủy Cục họp mở rộng phổ biến chủ trương: Đế quốc Mỹ vì thua thiệt lớn trong chiến tranh phá hoại miền Bắc, thất bại nặng nề tại miền Nam và tình hình chính trị của nước Mỹ có khả năng ngừng ném bom vô điều kiện ở miền Bắc.
Gấp rút chuẩn bị lực lượng, thiết bị phá bom mở luồng phục vụ chiến dịch VT5 - phần vận tải biển.
Để thi hành chủ trương đó của Cục, Ty đã xây dựng một phương án rất cụ thể:
- Rà quét bom mở luồng cửa Gianh do lực lượng Lạch Quèn và Lạch Cơn (tổ rà quét trạm 4) và tổ Công binh Cảng Hải Phòng.
- Sau sông Gianh sẽ tiến vào Nhật Lệ.
- Cửa Hội sẽ do Đội Xung kích vận tải phụ trách.
- Ty còn kiến nghị với Cục tổ chức 1 lực lượng cơ giới phá bom mở luồng từ biển vào bằng:
+ 1 tăng-kít gắn 2 PĐ67.
+ 1 tăng-kít hộ tống và kiểm tra.
Phương án trên được Cục chấp thuận và cung cấp cho những thiết bị, phương tiện để thực hiện.
Với sự cố gắng nỗ lực của Xưởng Cơ khí, Phòng QSBV, ngày 26-10-1968 đoàn tăng-kít lên đường vào sông Gianh theo đường biển.
Lực lượng tại cửa Nhương được lệnh xuất phát vào sông Gianh bằng hành quân bộ, thồ khí tài bằng xe đạp. Anh em lên đường ngày 29-10-1968.
Lực lượng tại Lạch Quèn được tập trung sẵn sàng lên đường. Đoàn này đã lên đường bằng ô tô 5 giờ sáng ngày 01-11-1968.
Khắc phục muôn ngàn khó khăn trên đường hành quân như địch đánh phá ác liệt trước khi ngừng bắn, đường xa, cầu phà rất xấu, sóng gió ngoài khơi và tàu biệt kích của địch hoạt động, lực lượng của ta đã tập kết rất đúng lúc, rất kịp thời để làm nhiệm vụ.
Lực lượng của đội xung kích 2 từ cửa Nhương xuất phát đã có mặt tại sông Gianh ngày 01-11-1968.
Ngày 04-11-1968 đoàn tăng-kít đã mở cửa Gianh và xông thẳng vào bến phà II. Đoàn Lạch Quèn đi bằng cơ giới cũng vừa tới.
Mgày 05-11-1968 lực lượng thủ công sử dụng bè rà bằng PĐ67 và nam châm Vĩnh Cửu rà quét khu vực trọng điểm. Tăng-kít gắn PĐ67 rà phá những chỗ khó khăn nhất, tăng-kít chạy kiểm tra những khu vực đã rà quét bằng thô sơ. Chỉ ngay hôm 05-11-1968 với sự nỗ lực cố gắng của toàn đoàn phối hợp chặt chẽ với Hải quân đã hoàn thành mở luồng cửa Gianh đi vào bến phà I và II.
Tăng-kít gắn PĐ67 đã phá nổ trên sông Gianh 5 quả bom TN.
Sau khi hoàn thành mở luồng sông Gianh, một bộ phận đội xung kích 2 được cấp tốc quay về cửa Nhương phá bom mở luồng cửa Nhương, một bộ phận gồm hai tổ ở Lạch Quèn đã vào Nhật Lệ phá bom mở luồng, bộ phận này chiều 6-11-1968 xuất phát, 5 giờ sáng ngày 7-11-1968 đã dùng PĐ67 rà phá nổ liên tục 6 quả giữa luồng trên sông Kiên Giang.
Ngày 10-11-1968 đoàn tăng-kít lại vào để kiểm tra luồng: Hai chiếc tăng-kít, một chiếc lạp PĐ67 đã rà quét nhiều lần góp phầm kết luận luồng của cửa vào bến bốc xếp dài 4km đã an toàn.
Ngày 11-11-1968 đoàn tăng-kít tiếp tục kiểm tra sâu vào Vân La, bến phà Quần Liêu phá nổ 9 quả.
Trong lúc này tại Cửa Hội, Đội Xung kích vận tải từ lâu đã chuẩn bị sẵn sàng lực lượng và khí tài. Ngày 02-11-1968 ca nô phá bom (Người Bảo vệ) đã kéo cờ Quyết thắng và Quốc kỳ xông ra Cửa Hội. Đã phá nổ liên tiếp 6 quả bom TN.
Ngày 03-11-1968 phối hợp với các đơn vị bạn như Hải quân trạm 5 Bến Thủy, Công binh hoàn thành việc phá bom TN từ cửa vào đến phà Bến Thủy dài 28km. Luồng từ đó an toàn cho các tàu vận tải ra vào ở cảng.
Lực lượng của Xung kích II sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại sông Gianh đã cấp tốc hành quân về cửa Nhương ngày 12-11-1968. Đã phối hợp cùng dân quân du kích địa phương dùng thô sơ bộc phá phá bom TN tại cửa Nhương mở luồng phục vụ vận tải. Đã phá nổ tại đây 30 quả tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng của C8 Hải quân mang thiết bị vào kiểm tra cửa Lục vào trung tuần tháng 12-1968, cửa Nhương đã có thể ra vào an toàn để vận tải và đánh phá.


III- MỘT SỐ KINH NGHIỆM VỀ ĐỊCH PHONG TỎA THỦY LÔI
VÀ BOM TN - VÀ CÁC QUAN SÁT CỦA TA

Khi địch phong tỏa thủy lôi và bom TN đều có nghiên cứu đưa theo phao chấm để thả đúng luồng tàu ta thường chạy.
Tại cửa Lạch Trào khi chúng thả một loạt thủy lôi MK52 thường bay cưa vào nhằm theo hàng tiêu hai luồng, quả rơi trước hàng tiêu hai luồng đều trúng luồng, quả nào rơi sau tiêu hai luồng đều lên bãi cạn. Những lần phong tỏa tháng 3-1967, tháng 5-1967 những vị trí thủy lôi rơi đều gần sát nhau, lần đầu thì 4 quả lên bãi cạn, lần sau 3 quả lên bãi cạn.
Thủy lôi MK52 là loại thủy lôi to có dù nên chúng thường thả vào ban đêm có bỏ pháo sáng, bay thấp và chậm. Theo dõi trên máy bay mỗi lần thả rơi một quả đều có chớp sáng. Loại thủy lôi này khi thả xuống không tự hủy ngay sau 20 đến 30 phút như bom TN thời gian tự hủy thường lâu sau khi thả từ 10 đến 15 ngày trở lên. Số lượng thủy lôi loại này địch thả mỗi 1 máy bay thường 4 quả (số chan ít).
Khi địch dùng bom TN để phong tỏa, loại bom này như thả các loại bom thường nên thủ đoạn đánh phá có phức tạp hơn:
- Trước khi thả, bắn phá ven bờ để nghi binh và gây khó khăn quan sát cho ta vì loại bom này địch có thể thả ban ngày lẫn ban đêm. Cách thả như thả các loại bom thường.
- Có khi công khai bắn thẳng bom TN từ 2 chiếc đến 4 chiếc không cần có nghi binh đánh phá. Cũng có nơi lại bí mật đánh lén bay qua phong tỏa bom TN rồi đi luôn. Cách đánh này thường áp dụng ở những trọng điểm địch thường xuyên phong tỏa đã nắm vững địa hình địa vật.
- Thả bom TN chúng cũng vẫn dựa vào phao, tiêu, cháp để thả cho đúng luồng nên có những cửa do phao di chuyển vị trí, chập đèn bị ta nghi binh (khi có tàu hoạt động thì đốt chập đèn chính thức, khi không có tàu hoạt động thì đốt chập đèn giả như ở cửa Lạch Giang) thì địch thường thả chệch luồng.
Về số lượng bom TN địch thả thường căn cứ vào loại máy bay, cách thả ban đêm hay ban ngày. Như:
- Máy bay A6A thả ban ngày 18 quả, ban đêm 22 quả.
- Máy bay A4 thả ban ngày 6 quả, ban đêm 8 quả.
- Máy bay F4 thả ban ngày 4, ban đêm 6 quả.
Nhưng thực tế theo tôi thì số lượng này chỉ để tham khảo, còn chúng thả không theo một quy luật nào nhất định.
Bom TN địch thả thường dễ phát hiện:
- Nếu địch thả ngay trên đầu khi bom rơi xuống có tiếng lạch tạch nổ như tiểu liên, tiếng rít của đuôi bom quay trong không khí.
- Bom rơi ở trên mặt đất thường để cánh lại.
- Sau khi thả từ 15 đến 20 phút thì tự hủy ngay nên khi quan sát địch thả ở dưới nước cần theo dõi vị trí của những quả tự hủy để nắm chắc tuyến bom thả. Nhiều lần địch thả cắt ngang một khúc sông, đầu tuyến bom và cuối tuyến bom có một quả nổ ngay để chúng kiểm tra bom thả có đúng luồng hay không, thường chỉ áp dụng ở những nơi địch phong tỏa lần đầu.

TỔ CHỨC QUAN SÁT

Công tác quan sát là công tác hàng đầu để chống phá âm mưu phong tỏa thủy lôi và bom TN.
Mạng lưới quan sát yêu cầu rộng khắp. Thông tin liên lạc kịp thời. Có đủ điều kiện thông báo cho tàu bè trước khi đi vào khu vực có bom để ngăn chặn kịp thời.
Quan sát vị trí bom rơi và thủy lôi rơi chính xác tạo điều kiện rất thuận lợi cho công việc rà phá. Nhiều khi chưa cần rà phá tàu bè vẫn đi lại được vì không phải lần nào địch thả cũng trúng luồng hoặc số lượng bom rơi trúng luồng thường rất ít chỉ cần phá những quả ở luồng là tàu bè có thể đi được. Những tài liệu quan sát cần theo dõi cả thời kỳ rà phá để nắm chắc số lượng còn lại sau khi phá nổ và tự hủy để có biện pháp sau này giải quyết hậu quả.
Nghiên cứu bố trí vị trí đặt những đài quan sát phải hết sức thận trọng. Những trọng điểm như cửa biển, cảng, bến quan trọng nên tổ chức những đài quan sát chuyên nghiệp. Những điều kiện cần lưu ý để đặt đài quan sát là:
- Phạm vi quan sát rộng.
- Địch đánh phá ít bị trúng, trường hợp đặc biệt mới để ở những điểm địch hay đánh hoặc pháo kích.
- Phạm vi quan sát cho từng đài phải quy định. Các tuyến quan sát phải cắt nhau.
- Cần xây dựng công sự cho quan sát và sinh hoạt.
Trong 2 năm qua việc tổ chức quan sát của Ty ta đã được coi trọng ngay từ đầu: Các vị trí quan sát được nghiên cứu chu đáo. Công sự bảo đảm nên những đài quan sát này hoạt động rất tốt như tại các cửa Lạch Trào, Lạch Giang, Lạch Đáy, Nam Triệu, luồng Việt Trung, v.v…
Chúng ta cũng đã coi trọng các đài quan sát nghiệp dư như các nhà đèn, tổ đèn, các tổ trực chiến dân quân. Từng giai đoạn nhất định khi phán đoán được âm mưu phong tỏa sắp tới của địch, chúng ta đã kịp thời tăng cường những đài quan sát bổ sung trong một giai đoạn ngắn.
Việc ghi chép theo dõi của các đài quan sát cũng đã được đặc biệt coi trọng. Những tài liệu quan sát thường được phân tích, so sánh với các tài liệu thu thập trong nhân dân nên có tác dụng rất tốt cho công tác chỉ đạo rà phá như đã thực hiện tại Lạch Trào, Lạch Giang, Cửa Đáy, v.v… Đã có nơi tổ quan sát đồng thời là tổ rà quét. Việc rà phá thu được kết quả rất tốt: kịp thời bom còn mới dễ nổ, vị trí rơi anh em rà quét đã nắm chắc khi quan sát nên kế hoạch rà phá phù hợp như tổ hoa tiêu cửa Đáy đã đảm nhiệm cả quan sát và rà quét.
Đối với quan sát viên chúng ta đã coi trọng việc huấn luyện, đã tổ chức các tổ đi trao đổi kinh nghiệm những nơi địch thường đánh phá và nhưng nơi địch chưa phong tỏa.

Ở những nơi thiếu tài liệu quan sát do không có đài quan sát chuyên nghiệp, trước khi rà phá phải tổ chức việc trinh sát bom và thu thập tài liệu.
Phần tài liệu thu thập trong nhân dân phải được phân tích kỹ càng, đặc biệt lưu ý những nơi vì yêu cầu sản xuất hoặc đi lại của một số người nào đó thường bịa ra những số liệu không chính xác để ta rà quét cho họ yên tâm như trường hợp đã xảy ra ở Cửa Hội. Chúng ta đã phải rà quét rất nhiều lần, dùng bộc phá để kiểm tra một vị trí không có bom vì người chủ của một cái vó (giớ) muốn ta rà quét kỹ cho họ yên tâm làm ăn nên đã khẳng định rằng chỗ đó có bom rơi.
Vào trinh sát khu vực có bom cần phải chỉ đạo chặt chẽ:
- Phân công rõ ràng, đội hình cụ thể.
- Kiểm tra kỹ người vào trinh sát, những dụng cụ có sắt thép.
- Tổ chức cấp cứu chu đáo.
- Cần lưu ý cả thời tiết, thời gian bom hay tự hủy. Nếu vừa nơi có bom nổ do tự hủy hya ta phá thì tốt nhất phải đợi sau nửa tiếng mới được tiếp cận khu vực có bom.

IV- TỔNG KẾT VỀ KỸ THUẬT RÀ QUÉT
A- Các loại bè rà thô sơ

Những bè rà thô sơ bằng sắt thép hoặc bằng nam châm Vĩnh Cửu đã thu được kết quả:
- Bè rà tại Hải Phòng, Trạm III Lạch Giang.


HÌNH TRANG 23

Các loại bè trên khi điều khiển rà quét đều phải theo nước thủy triều khi lên hoặc xuống - Tốc độ chảy cho bè trôi tốt nhất từ 5 - 7km/giờ.
Đối với loại sông hẹp có thể dong dây sang hai bên bờ để kéo, nhưng sông rộng phải điều khiển bằng thuyền đi sau bè như tại cửa Lạch Giang.
Thuyền điều khiển là loại thuyền gỗ chở được 2 - 3 người. Phải đóng đinh đồng, đinh tre để khử từ. Thuyền có 2 neo gỗ đủ dây.
- Chỉ cần 2 người điều khiển.
- Dây dài 150m - 200m.

HÌNH TRANG 24

- Muốn lái sang phải bơi thuyền điều khiển sang trái, dây lèo bên phải căng bị ghìm lại dây bè bên phải chùng lại bè tiếp tục trôi, bè sẽ sang phải.
Lái sang trái thì làm ngược lại.
Bè này có ưu điểm dễ làm, ai cũng điều khiển được, vật liệu dễ tìm.
Có thể dùng thùng phuy, bè chuối treo tôn. Ngày 03-12-1967 bè này sử dụng rất tốt phá nổ liên tục trên sông Ninh Cơ gần 50 quả bom chờ nổ MK82, MK42.
Sông rộng nhưng nếu nắm chắc độ quan sát 1 phía sông không có bom có thể kết hợp người kéo trên bờ với ca nô kéo 1 đầu như đã làm ở bến phà Mía.


HÌNH TRANG 25

Có nơi anh em neo bè tại một chỗ nước thủy triều lên xuống đã đẩy bè rà quét khu vực có bom làm nổ như tại cửa Đáy, Nam Hà (rà quét khu vực).

HÌNH TRANG 25


Điều kiện: Nước lên đẩy bè ra, bè sẽ quét vòng cung. Nước xuống quét vòng lại. Dùng quét bến phà rất tốt.

Sau này sử dụng nam châm Vĩnh Cửu phương pháp rà quét theo lối “Vàng cân” rất tốt, có thể khắc phục một phần nào thủy triều.
- Cấu tạo bè như hình vẽ.

HÌNH TRANG 26

Dùng nam châm phải chú ý cực. Tốt nhất dùng cực bắc để phóng tới nên phải xác định hướng nam châm buộc cần lưu ý: Đeo cực nam 1 phao nhỏ nâng lên như sau:
- dây buộc phải có độ sâu để hòn nam châm rà sát đáy sông.

HÌNH TRANG 26

Điều khiển có thể dùng 2 xuồng cao su thả theo dòng nước chảy.

HÌNH TRANG 26

Khi đến hết khu vực rà quét lại thu dây vác xuồng quay trở lại, nên có thể rà được nhiều lượt.
Kiểu bè ra này áp dụng ở Lạch Giang Cửa Hội rất kết quả.
Phao đỡ dây ở cảng Bến Thủy còn dùng loại phao nhót nhỏ khi bom nổ ít bị vỡ như phao luồng.

HÌNH TRANG 27

Rà bằng bè này nguy hiểm nhất là khi bị mắc chướng ngại vật bên dưới. Mắc dây nào tốt nhất cắt bỏ bằng một dao đồng, nếu không neo lại chờ nước thủy triều trôi ngược lại có khả năng không mắc nữa. Tránh tuyệt đối bơi thuyền lại gỡ. Đã nhiều lần như vậy bom nổ là bị thương và có trường hợp bị hy sinh như anh Tính hy sinh tại Cửa Hội khi vào gớ dây.

B- Bè rà hiện đại và thô sơ kết hợp

+ Khi có PĐ67:
- Khi PĐ67 đã thành công cùng đặt thiết bị xuống bè rà, các kiểu bè đã làm như sau:
1/ Đặt trên thuyền gỗ:

HÌNH TRANG 27

2/ Đặt trên bè luồng - bè bằng thùng phuy.

HÌNH TRANG 27

Hai loại bè này đã dùng tại Lạch Giang rất kết quả; riêng loại thuyền gỗ khi bom nổ thuyền không chịu nổi trấn động nên hay bị chìm.
Sau này có loại thuyền chuyên dụng có tốt hơn như xuồng PĐ67 của Cục đóng tại Z21 hoặc xuồng của Thị đội Đồng Hới.
Cách điều khiển bè như các loại bè thô sơ.
Riêng khi rà quét tại sông Ninh Giang các điều khiển có khác vì sông hẹp, tuyến bom thả chéo, một bên bờ bom còn nhiều chưa phá nếu chờ sẽ chậm, nên khi chỉ đạo tại đây đồng chí Vân đã hướng dẫn cách điều khiển như sau:

HÌNH TRANG 28

Nhờ dây lèo điều khiển nên người bên kia sông không phải đi vào nơi có bom mà vẫn phá được bom dưới sông.
PĐ67 quét rất sạch nên sang tháng 7-1968 hai phương án của Cục được Ty đem áp dụng tại Cửa Hội đều kết quả là: tăng thêm sức cơ động cho bè ra.
Bè rà có máy đẩy:

HÌNH TRANG 28

Nhờ có máy đẩy nên khắc phục được thủy triều - bè rà chủ động đi được 5km/giờ nhưng máy đẩy hay bị hỏng vì bom nổ trấn động cũng làm ảnh hưởng đến máy đẩy.
Tại Cửa Hội bè kiểu trên đã phá nổ 7 quả an toàn mở luồng dài hàng chục ki lô mét để chạy tàu.
- Lạp PĐ67 trên bè dùng ca nô đẩy và dùng cần đo cuộn từ.

HÌNH TRANG 29

Nhưng những thiết bị trên chưa khắc phục được điều kiện sóng gió để rà quét ngoài cửa biển, nên chiến dịch VT5 đã dùng 1 tăng-kít đẩy bè lắp 2 PĐ67 rà quét từ cửa biển vào.

HÌNH TRANG 29

- PĐ67 có cần đỡ do ca nô 55CV cơ động đi rà quét đã góp phần thành công mở luồng Cửa Hội đầu tháng 11-1968 mở mà chiến dịch VT5.
- PĐ67 lạp tăng-kít đã tham gia mở luồng sông Gianh - Nhật Lệ, nhờ cơ động nhanh và có khả năng chịu sóng gió nên đã hoàn thành mở luồng an toàn cửa Gianh, Nhật Lệ phá nổ 10 quả.

C- Tháo gỡ

Vấn đề tháo gỡ loại bom này phải có những điều kiện nhất định:
- Bom nằm toàn phần hay đại bộ phận trên mặt đất.
- Trước khi tháo gỡ phải làm kỹ động tác gõ lôi như dùng tôn kéo, dùng nam châm Vĩnh Cửu hoặc PĐ67.
- Kiểm tra: có đủ dụng cụ như clé, đục, búa hoàn toàn bằng đồng, bằng nhôm.
Phương pháp làm an toàn nhất là dùng 1 lượng thuốc nổ từ 3 - 5 lạng áp vào phích đánh đứt tung dây diện từ máy xuống kíp là có thể tháo an toàn.
Trước khi tháo gỡ quả nào phải có phương án được lãnh đạo trên một cấp duyệt y mới được làm.

D- Dùng tàu, ca nô có tốc độ nhanh chạy vào khu vực có bom TN

- Điều kiện tiên quyết là khu vực này đã dùng thô sơ phá nhiều lần.
- Tốc độ của tàu ít nhất phải đạt trên 10 hảy lý/giờ.
- Tổ chức cấp cứu, trang bị phòng hộ cho thủy thủ, thuyền bè thật tốt. Bố trí người ít nhất, khắc phục điều kiện thợ máy không nên ở hầm máy.
- Chỉ được chạy phương pháp lan ép. Tránh tuyệt đối chạy lên trên bom.
- Tận dụng gió, thủy triều để tăng điều kiện thuận lợi cho lướt. Chú ý nước càng sâu càng tốt.
- Lúc quay trở tàu là lúc tốc độ tàu giảm phải chọn khu vực tuyệt đối an toàn.

V- MỘT SỐ TỔN THẤT KHI LÀM CÔNG TÁC
RÀ QUÉT LÔI MỞ LUỒNG

Trong cuộc chiến đấu chống thủy lôi và bom chờ nổ toàn Ty:
- Hy sinh: 9 đồng chí.
- Bị thương: 14 đồng chí.
+ Nặng: 4 đồng chí.
+ Nhẹ: 10 đồng chí (Kể cả hành quân ra).
Nếu chỉ tính riêng trực tiếp rà phá:
- Hy sinh: 2 đồng chí.
- Bị thương: 8 đồng chí.
- Tỷ lệ hy sinh 3,5% so với tỷ số tham gia.
- Tỷ lệ bị thương 5,4%.
Thiết bị hư hỏng: - Đắm 01 ca nô cứu sinh.
Hư hại nặng:
- 1 ca nô.
- 1 tăng-kít.
- 1 thuyền gỗ 3 tấn.

Những trường hợp thương vong

- Ngày 05-10-1967: Ca nô đưa một số anh em đến các đài quan sát thủy lôi trên sông Cấm bị nổ bom hy sinh 5, bị thương 1. (Do khi đi không nghiên cứu kỹ, thiếu tài liệu quan sát).
- Tháng 9-1967: Đồng chí Tính trạm 4 hy sinh bị bom chờ nổ, tại Lạch Trào khi khiêng một túi quà đi quá gần chỗ có bom - bom nổ bị sức ép chết. (Vì chưa có kinh nghiệm).
- Tháng 02-1968: Đồng chí Mạnh và 4 đồng chí trạm 3 đi thuyền gỗ làm công tác kiểm tra luồng Lạch Giang bị nổ, 1 hy sinh, 4 bị thương.
- Tháng 6-1967: Đồng chí Du bị thương khi tai bị mắc vào gờ bom, bom nổ tung người lên nhưng cứu được vì có đeo phao an toàn.
- Tháng 7-1968: Hai đồng chí Nhân và Giang điều khiển bè PĐ67, khi nổ một quả máy điều khiển đóng ngắt hỏng, đèn báo ban ngày không rõ nên phát hiện chậm, khi dừng bè để sửa thì bè đã trôi 1 quãng đến gần quả bom khác, khi chưa xong bật công tắc bom bị phá ngay dưới chân nên bị tung lên nhưng chỉ bị thương nhẹ.
- Tháng 10-1968: Đồng chí Tình bị hy sinh trường hợp như trên.
- Tháng 11-1968: Tăng-kít phá bom đi Đồng Hới bị bom nổ, 2 người bị thương nặng.
Nguyên nhân do trinh sát tình hình bom thả không kỹ cho nên nghi ngờ địch thả loại từ tính hay tiếng động cố định lẫn định giờ.
Những tổn thất trong 2 năm rà quét thủy lôi và bom chờ nổ MK42 của Ty ta tuy không nhiều nhưng có nhiều trường hợp có thể tránh được nếu chúng ta thận trọng hơn, giáo dục anh em kỹ hơn.
Thận trọng chủ yếu khi hạ quyết tâm trong công tác chống phá thủy lôi và bom là: Nắm cho chắc tình hình trinh sát lấy tin cho đúng. Trên cơ sở tài liệu đó mà đặt kế hoạch công tác. Khi giao nhiệm vụ cho anh em yêu cầu quán triệt thật cao, có dự kiến nhiều tình huống, có biện pháp phòng ngừa cấp cứu.

VI- KẾT LUẬN

Qua hai năm làm công tác chống phá thủy lôi và bom TN, chúng ta có thể khẳng định rằng: Ta đã thu được thắng lợi vẻ vang:
- Phục vụ kịp thời cho nhu cầu vận tải, hạn chế đến mức thấp nhất sự tổn thất về người và phương tiện.
- Có một cơ sở vật chất kỹ thuật rất quý cho công tác này là: Cán bộ công nhân đã kinh qua thực tế chiến đấu, thiết bị, chiến thuật ngày càng được hoàn chỉnh từ thô sơ đến cơ giới.
Chúng ta đã phá và phối hợp với đơn vị bạn: 627 quả thủy lôi MK52 và bom TN (trong đó tháo được 5 quả MK52 + 7 quả bom TN). Những quả thủy lôi và bom TN tháo được đều thuộc loại đầu tiên nên có tác dụng rất lớn cho việc nghiên cứu.
Số cửa biển, cầu, bến được chúng ta rà quét bảo đảm an toàn cho tàu bè qua lại chủ yếu phục vụ cho vận tải vào phía Nam cũng khá lớn:
- Lạch Giang mở luồng 3 lần với chiều dài phong tỏa 7km.
- Cửa Đáy mở luồng 1 lần với chiều dài 4km.
- Lạch Trào mở luồng 4 lần với chiều dài trên 10km.
- Cửa Hội mở luồng 2 lần với chiều dài trên 20km.
- Sông Gianh mở luồng 1 lần với chiều dài trên 4km.
- Nhật Lệ 1 lần với chiều dài trên 7km.
- Giữ vững một số bến phà quan trọng trong điều kiện địch đánh phá ác liệt như phà Bến Thủy, sông Gianh, phà Ron, Lý Hoa, phà Kiền, phà An Dương, v.v…
- Phá thế phong tỏa 1 số bến cảng quan trọng như cảng Vật Cách, cầu Sơ Đầu, cảng Nam Định, Ninh Giang…
Ngoài nhiệm vụ phục vụ vận tải, công tác phá bom còn phục vụ sản xuất, đời sống, chiến đấu cho quân và dân ta. Phá bom cho dân cày cấy, làm muối, đánh cá. Phá bom cứu nhà cửa của dân. Phá bom cứu pháo của quân đội.
Hành động dũng cảm quên mình vì nhiệm vụ của anh em rà phá, lái xe, lái tàu, phá bom còn là những hành động có tính chất công tác chính trị, nó củng cố lòng tin tất thắng cho nhân dân, nâng cao vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân, nó chứng minh một cách hùng hồn sức mạnh của đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng và Chính phủ. Thắng lợi to lớn này còn chứng minh một luận điểm vô cùng quý trọng của chủ nghĩa Mác Lênin là: Con người quyết định thắng lợi chứ không phải là vũ khí.
Chúng ta có hàng trăm gương anh dũng chiến đấu phá bom và những sáng tạo rất quý về mặt kỹ chiến thuật, bản tổng kết này không sao nêu lên hết được những người thật việc thật.
Chúng tôi chỉ xin nêu lên những khen thưởng mà Đảng và Chính phủ đã và sắp tặng khen cho những tập thể và cá nhân trong 2 năm 1967 - 1968 để minh họa một phần nào.
- Huân chương chiến công hạng ba cho trạm 4 Thanh Hóa.
- Huân chương chiến công hạng nhất cho Đội Xung kích vận tải.
- Huân chương chiến công hạng hai cho Đội Xung kích vận tải.
- Huân chương chiến công hạng ba cho đồng chí Thái Phong.
- Đảng đề nghị thưởng Huân chương chiến công cho 2 đồng chí khác.
- Hai bằng khen của Chính phủ.
- Bảy bằng khen của Bộ GTVT.
- Ba bằng khen của UBHC Thành phố Hải Phòng.
- Mười giấy khen và bằng khen của Tỉnh Quảng Bình.
- Bảy chiến sĩ thi đua năm 1967.
- 4 Tổ lao động xã hội chủ nghĩa.
- Chiến sĩ quyết thắng, đơn vị quyết thắng.
Những nguyên nhân chủ yếu giúp ta thu được thắng lợi đó là:
1/ Sự chỉ đạo sáng suốt và kiên quyết của các đồng chí Cục trưởng, Cục phó Cục Đường biển về mặt tổ chức, trang bị, kỹ thuật.
2/ Tinh thần giám nghĩ giám làm này xuất phát từ giác ngộ nhiệm vụ cách mạng: Tất cả để đánh thắng giắc Mỹ, không gì quý hơn Độc lập - Tự do, cho nên với số vốn tri thức ít ỏi, với những anh em mà trình độ mọi mặt không có gì là đặc sắc, những thiết bị lúc đầu không có gì đáng kể thế mà chúng ta đã lập được chiến công.
Chúng ta giám nghĩ giám làm còn là nhờ sự dìu dắt giúp đỡ của các đồng chí Hải quân, và là thầy vừa là bạn chiến đấu đã cùng nhau đồng cam chịu khổ trên khắp mọi chiến trường.
Chúng ta còn được sự động viên vô cùng to lớn của chiến thắng hai miền, của chế độ chính sách ngày càng có sự chiếu cố thích đáng, của các cơ quan đoàn thể nhân dân ở đâu cũng dành cho những chiến sĩ phá bom quyền ưu tiên và cảm tình sâu sắc.
3/ Về phương diện kỹ chiến thuật nhờ học tập các đồng chí Hải quân chúng ta đã đi đúng hướng, có kế hoạch tiến lên từng bước: Từ thô sơ tiến lên cơ giới, từ trên cầu tiến xuống dưới luồng, từ trong sông tiến ra cửa biển. Có tinh thần học hỏi cao, có trình độ tổng kết tốt nên đã nhanh chóng vượt qua giai đoạn bỡ ngỡ ban đầu tiến lên nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ.
Trong cuộc chiến tranh chống thủy lôi và bom TN vừa qua chúng ta đã thu được những thắng lợi to lớn nhưng tuyệt đối không được chủ quan tự mãn, phải phát huy hơn nữa những nguyên nhân thành công đã có sự chuẩn bị sẵn sàng cao nhất, tốt nhất đối phó với đế quốc Mỹ ngoan cố quyết chưa chịu bó tay trước những thắng lợi của ta.
- Tiếp tục nghiên cứu tìm ra những biện pháp tốt nhất để giải quyết những hậu quả còn tồn tại như những quả bom chưa nổ còn nằm sâu trong đất hoặc dưới luồng.
- Bổ khuyết những thiếu sót và các mặt: quan sát, phát hiện, thông tin liên lạc, kỹ chiến thuật rà quét. Để không ngừng nâng cao trình độ mọi mặt.

HẾT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét