Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2009

Trước hết xin mời các Bạn nghe giáo sư Vũ Đình Cự trả lời phỏng vấn của chúng tôi vào ngày 30 tháng 9 năm 2007 về việc giáo sư đã chỉ đạo cái nhóm được gọi là GK 1 thiết kế con tàu phá lôi .Như ta đã biết,con tàu phá lôi của Đường Biển và của Hải Quân là niềm kiêu hãnh của hai đơn vị,là một thắng lợi thật sự của công tác KHCN trong chiến tranh .Cả hai đều được xây dựng dựa trên con tàu tankist 50 tấn do Liên Xô viện trợ,riêng con tàu của Đường Biển đã phá được 163 quả thủy lôi với những nhân chứng còn sống tới ngày hôm nay


LẠI CHUYỆN “SỬA LẠI CHO ĐÚNG
BÀN THÊM CHO RÕ”

Tôi có được xem đoạn băng ghi lại buổi nói chuyện giữa giáo sư tiến sĩ Vũ Đình Cự và anh Đỗ Thái Bình về việc các anh ở trường Đại học Bách Khoa tham gia vào cuộc chống phong toả bằng thuỷ lôi của Mỹ năm 1972.
Tôi nêu tóm tắt những điểm mà giáo sư tiến sĩ Vũ Đình Cự đã nói:
1) Đầu điều khiển nổ của thuỷ lôi MK – 42 có 250 gram thuốc nổ. Nếu mở không khéo sẽ bị nổ. Các anh ở Đại học Bách Khoa đã vượt qua nguy hiểm và không sợ hy sinh để cưa đầu nổ này, bóc tách các vi mạch trong đầu nổ này để nghiên cứu.
2) Các anh ở Đại học Bách Khoa đã thành công tìm ra nguyên lý gây nổ của các loại thuỷ lôi MK – 42 và MK – 52, đã đóng góp vào việc thiết kế các phương tiện, thiết bị rà phá ở Cục Vận Tải Đường Biển. Cụ thể là đã làm được 1 bộ chỉnh lưu 1000A cung cấp cho Cục Vận Tải Đường Biển.
3) Các anh em ở Đường Biển không biết cách làm thế nào để có một dòng điện một chiều 1000A để đưa vào cuộn dây phát từ, kích thích cho thuỷ lôi nổ.
4) Tính toán sự phân bổ từ trường bằng máy tính điện tử của cuộn dây quấn quanh con tàu với toàn bộ khối sắt thép trong con tàu làm lõi của cuộn dây.
5) Anh em ở Đường Biển chỉ chủ yếu là đi gỡ bom, không có nghiên cứu cơ bản để làm ra các thiết bị rà phá.
6) Thuỷ lôi biết nhận dạng đâu là ôtô, đâu là tàu để cho nổ đúng lúc, đánh đúng mục tiêu.
7) Trong thuỷ lôi có đặt hệ rủi ro, nên không biết nó làm việc lúc nào, lúc nào thì nó nghỉ không làm việc.
8) Độ nhạy của thuỷ lôi giảm nên khi đưa thiết bị cũ ra rà quét thì không gây nổ và thương vong nhiều ……
Là một kỹ sư của Cục Vận Tải Đường Biển, tốt nghiệp Đại học Bách Khoa khoá 3, tôi đã tham gia tổ nghiên cứu thiết kế và chế tạo thiết bị rà phá thuỷ lôi cả 2 thời kỳ 1967-1968 và 1972-1973.
Những vấn đề giáo sư tiến sĩ Vũ Đình Cự đã nêu trong đoạn băng tôi có ý kiến như sau:
1) Trong đầu điều khiển nổ của MK - 42 không có thuốc nổ và không có bẫy chống tháo gỡ. Trong đó chỉ có bột chống ẩm.
2) Nguyên lý gây nổ của các loại thuỷ lôi MK – 42 và MK – 52 chúng tôi đã biết từ giai đoạn 1967 – 1968 qua các tài liệu của Hải Quân, của Bộ tư lệnh Công Binh, của Viện Kỹ Thuật Quân Sự và tự nghiên cứu.
Với các kiến thức ấy chúng tôi đã thiết kế và chế tạo được thiết bị PĐ – 67 (hơn 50 bộ) để giải quyết hiệu quả thuỷ lôi MK – 42 và cá biệt thuỷ lôi MK – 52
3) Các anh em ở Đại học Bách Khoa đề nghị được tham gia nghiên cứu về thuỷ lôi và được Cục trưởng Lê Văn Kỳ đồng ý.
Ngày 05/07/1972 nhóm Đại học Bách Khoa đã xuống Hải Phòng nghiên cứu về MK – 52 đã được anh em ở Cục Vận Tải Đường Biển nhiệt tình trao đổi, hướng dẫn cách lắp ráp và cho hoạt động lại thuỷ lôi để nhóm Bách Khoa đo đạc và mặt khác chuyển cho nhóm này các tài liệu có được của bên quân đội đã giúp nhóm Đại Học Bách Khoa nhanh chóng nắm bắt các nguyên lý hoạt động của thuỷ lôi.
Nhóm đại học Bách Khoa đã xuống Hải Phòng 2 lần để tìm hiểu và nghiên cứu trên thuỷ lôi mà Đường Biển đã tháo gỡ được và đợt nghiên cứu lần thứ 3 tại hầm bộ Giao Thông Vận Tải từ giữa cho đến cuối tháng 10/1972.
Như vậy không phải nhóm Đại học Bách Khoa đã phát hiện ra các quy luật của thuỷ lôi mà chỉ là đo đạc lại và định lượng các số liệu đã được nghiên cứu của bên Quân đội.
Thiết kế và chế tạo các thiết bị rà phá do Đường Biển độc lập làm, không có sự tham gia của Bách Khoa trừ trường hợp của ĐB-72-4.
ĐB-72-4 là phương tiện rà phá chúng tôi đề xuất chế tạo nhưng vì không có máy phát điện một chiều 100 KW nên chúng tôi phải dùng máy phát điện xoay chiều 3 pha công suất 100 KW. Tháng 10/1972 chúng tôi đã ký hợp đồng kinh tế với Đại học Bách Khoa để chế tạo bộ chỉnh lưu này và phải ứng trước 40.000đ (thời giá năm 1972). Giá thành cụ thể sẽ tính sau khi hoàn thành.
Sở dĩ chúng tôi phải ký hợp đồng làm bộ chỉnh lưu, vì chúng tôi không tìm được chỉnh lưu để làm tuy chúng tôi đã làm bộ chỉnh lưu cho máy 30KW.
Giáo sư tiến sĩ Vũ Đình Cự đánh giá chúng tôi không biết làm thế nào để có dòng điện một chiều 1000A.
Nếu không biết cách làm thế nào để có dòng điện 1 chiều từ một nguồn xoay chiều thì quả là công tác đào tạo của đại học Bách Khoa quá kém!
Nhưng quả thực chúng tôi không biết cách làm thế nào để có dòng điện 1000A từ máy phát điện xoay chiều 100KW!
Sau hơn 35 năm chúng tôi vẫn chờ để có dòng điên 1000A từ máy phát điện xoay chiều 100KW như GS Cự mô tả!
Bộ chỉnh lưu mà Bách Khoa giao cho chúng tôi để lắp xuống ĐB-72-4 dùng cho máy phát điện xoay chiều cho dòng điện 320a. Các phương tiện rà phá của chúng tôi không có phương tiện nào sử dụng đến dòng điện 1000a.
Đây là phương tiện duy nhất ĐHBK “phải tham gia thiết kế” bằng việc ký với CVTĐB hợp thi công bộ chỉnh lưu. Trong hợp đồng ghi GS Cự được giao trực tiếp chỉ đạo thi công ! (CVTĐB còn lưu hợp đổng).
Tháng 2/1973 ĐB-72-4 hoàn thành nhưng vì giai đoạn cuối không phá được quả thuỷ lôi nào, nhưng giáo sư tiến sĩ Vũ Đình Cự lại nhớ nhầm là bộ chỉnh lưu đã được lắp cho ĐB-72-3 là phương tiện rà phá do chúng tôi tự lực thiết kế và chế tạo với máy phát điện 1 chiều 100KW,không có sự tham gia của ĐHBK. Thiết bị ĐB-72-3 đã phá nổ 161 quả thuỷ lôi.
4) Đại học Bách Khoa có gửi cho chúng tôi 1 bảng tra để tìm nhanh cường độ từ trường phân bổ như thế nào trong không gian của 1 cuộn dây dẹt không lõi. Chúng tôi không sử dụng vì cuộn dây nào của chúng tôi cũng có lõi, nhất là lõi ấy là cả con tàu tăng kít.GS Cự nói đã dùng máy tính tính được sự phân bổ từ trường trong không gian của cuộn dây quấn quanh con tàu tankít.
Không biết giáo sư tiến sĩ Vũ Đình Cự có còn lưu được tính toán phân bổ từ trường của cuộn dây có lõi là cả con tàu tăng kít mang thiết bị ĐB-72-3 không?
Tôi nhớ đây chỉ là tính toán sự phân bố từ trường trong không gian của một cuộn dây tròn dẹt không lõi với các biến số là I; W; D (cường độ dòng điện, số vòng dây, đường kính cuộn dây).
5) Chúng tôi tiến hành cuộc chiến chống phong toả có thể là một việc làm khép kín:
a. Quan sát thuỷ lôi địch thả
b. Rà phá, tháo gỡ thuỷ lôi
c. Nghiên cứu thiết kế chế tạo thiết bị rà phá trên cơ sở nắm vững nguyên lý hoạt động của thuỷ lôi
ĐB-72-3 do chúng tôi tự lực thiết kế và chế tạo có thể nói là một trong những thiết bị mạnh nếu không dám nói là mạnh nhất của thời kỳ 72-73.
ĐB-72-3 là thiết bị rà phá hoàn chỉnh và mạnh nhất mà chúng tôi có được và là niềm tự hào của Đường Biển chúng tôi. ĐHBK cũng xác nhận như vậy sau khi tiến hành đo đạc tại Chùa Vẽ Hải Phòng.
Đánh giá Đường Biển chủ yếu là gỡ và rà phá thuỷ lôi là không đúng.
6) Thuỷ lôi dùng để đánh tàu biển nên Mỹ đã dùng từ trường hoặc âm thanh do con tàu sinh ra làm tín hiệu nhận dạng để điều khiển nổ. Mỹ đã làm từ năm 1967-1968 và chúng tôi cũng đã biết từ 1967-1968. Năm 1972 chúng tôi thiết kế các thiết bị rà phá đều có làm xung từ giống như tín hiệu con tàu sinh ra khi di chuyển trên biển nên đã phá nổ nhiều thuỷ lôi. Không có gì mới khi GS Cự nói phát hiện thuỷ lôi có bộ phận nhận dạng.
Việc định lần của MK-52 và hệ rủi ro của MK-42 chúng tôi giải quyết bằng chiến thuật rà phá, ngay cả Mỹ cũng phải rà phá cho đủ số lần của MK-52. Đại học Bách Khoa cũng không đưa ra cách nào để chống lại việc định lần của MK-52 và hệ rủi ro của MK-42.
7) Độ nhạy của thuỷ lôi giảm ở thời kỳ 1972 chúng tôi đã biết. Chúng tôi không đưa nguyên si các thiết bị cũ ra rà phá mà chúng tôi đã cải tạo các thiết bị PĐ-67 cũ bằng cách nối 4 thiết bị PĐ-67 cũ để có được một thiết bị mới gọi là PĐ-67-72-1 hoặc ghép bốn thiết bị PĐ-67 và quấn thêm 1 cuộn to chùm lên 2 cuộn PĐ-67 để có một thiết bị mới là PĐ-67-72-2. Xung răng cưa của các thiết bị này vẫn phá nổ thuỷ lôi MK-42. Sau này chúng tôi có T-480 với xung răng cưa, chúng tôi vẫn phá nổ MK-42.
Chúng tôi không bị thương vong nhiều như Giáo sư tiến sĩ Vũ Đình Cự nói.
Đề tài GK1 là đề tài rà phá thuỷ lôi của Đại học Bách Khoa nhưng những báo cáo về nguyên lý hoạt động của MK-42 và MK-52 chỉ là hệ thống hoá các tài liệu của bên Quân đội.
Những gì cần cho thiết kế thiết bị rà phá thì chúng tôi đã biết từ trước qua các tài liệu của bên Quân đội. Đại học Bách Khoa chế tạo và cung cấp cho chúng tôi 1 bộ chỉnh lưu để lắp cho ĐB-72-4 với máy phát điện xoay chiều 100KW theo 1 hợp đồng kinh tế. Tàu ĐB-72-4 không phá được quả nào vì là cuối đợt.
Như vậy đề tài GK-1 chỉ là hệ thống hoá nguyên lý mà người khác, đơn vị khác đã biết thì chắc phải dựa vào các đóng góp khác mà chúng tôi không biết để nhận được giải thưởng Hồ Chí Minh!
Vừa đây anh Thái Phong có cho tôi xem thư của giáo sư Tiến sĩ Vũ Đình Cự có viết là do thiếu thông tin cứ tưởng con tàu có lắp bộ chỉnh lưu do Bách khoa chế tạo phá được nhiều thuỷ lôi. Thư giáo sư Cự viết:
“Chúng tôi có tham gia với các anh về cải tiến con tàu để rà phá trong phần nguồn có chỉnh lưu dòng điện một chiều và một số đo đạc… Sau đó Vụ Kỹ Thuật có báo cáo tàu này rà phá tốt, do đó báo chí có viết như vậy.
Đến nay, nghĩa là sau 35 năm mới có thông tin rằng tàu này xong đưa đi rà phá thì đã rà phá xong rồi. Thật đáng tiếc, nếu biết sớm thì báo sẽ viết khác. Cụ thể là chỉ kể về tàu tự động rà phá T5, các thiết bị dùng cho đường bộ, trong đó có đường HCM, đường sông và ven biển vào miền Trung.
Như vậy lỗi là từ thiếu thông tin.”…….
Hànội và Hải Phòng cách nhau có 100km, liên lạc điện thoại luôn thông suốt
thế mà GS Cự suốt 35 năm vẫn thiếu thông tin dẫn đến cung cấp thông tin sai lệch cho báo chí và cho cả các vị lãnh đạo Đảng cà Nhà nước về kết quả rà phá thuỷ lôi nhờ vào sự “nghiên cứu thành công giải pháp phá thuỷ lôi”của ĐHBK!
Như vậy là giáo sư Cự đã rút lại và coi như đề tài GK1 rà phá thuỷ lôi trên biển không còn mà chỉ còn đề tài GK2 và các thiết bị dùng cho đường bộ trong đó có đường HCM.
Tôi được biết tàu tự động rà phá T-5 trong đề tài GK-2 là do Cục Cơ khí Bộ GTVT làm mà người chủ trì là kỹ sư điện tàu thủy Nguyễn Hữu Bảo công tác tại Phân Viện Thiết Kế Tàu Thủy Cục Cơ Khí.Tàu T-5 đầu tiên ra đời năm 1968 tại HảiPhòng.
Các thiết bị dùng cho đường bộ là các thiết bị gây nhiễu làm liệt bom từ trường. Phần này tôi không có thông tin nhưng chắc các đơn vị sử dụng đã có đánh giá và báo chí cũng không thấy nêu chiến công trong phần này.
ĐHBK có đề xuất lắp các thiết bị gây nhiễu trên các phương tiện rà phá của chúng tôi nhưng chúng tôi không lắp vì chúng kém hiệu quả và không phù hợp với Đường Biển.
Tôi hình dung hình ảnh một chiếc cân mà 2 đĩa đang cân bằng, 1 bên là tiêu chí để được giải thưởng HCM, 1 bên là đề tài GK-1 (Thuỷ lôi) cộng đề tài GK-2 (Bom từ trường). Bây giờ không còn đề tài GK-1 mà chỉ còn đề tài GK-2 mà tàu tự động rà phá T-5 lại do đơn vị khác làm thì không hiểu giáo sư tiến sĩ Vũ Đình Cự nghĩ gì khi nhìn chiếc cân này?

Nguyễn Ngọc Linh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét