Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 19 tháng 12, 2009

Thư của Nguyên Cục Trưởng Lê Văn Kỳ gửi GS TS Vũ Đình Cự

Trên trang Quân Sử Việt Nam,một số anh em muốn được biết thêm các tài liệu gốc về RÀ PHÁ THỦY LÔI.Do không tải được lên trang đó,chúng tôi đành đưa lên trang này ,xin mời anh em đọc và cho ý kiến




Hải Phòng ,ngày 8 tháng 07 năm 2003

Thư ngỏ gửi anh Vũ Đình Cự và các anh trong
nhóm nghiên cứu thủy lôi Đại Học Bách Khoa

Những năm gần đây các phương tiện thông tin đại chúng có nhắc đến nhiều đền chiến công của quân dân ta phá thế bao vây phong tỏa đường biển bằng thủy lôi của đế quốc Mỹ .Sau khi nhà nước ông bố giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 trong đó có công trình “Phá thủy lôi từ tính và bom từ trường” đứng đầu danh sách 13 công trình khoa học kỹ thuẫt được tặng thưởng thì vần đề này lại được nhắc nhiều hơn trên các báo,trên đài phát thanh,vô tuyến truyền hình ,trên các ấn phẩm nhân dịp 40,45 năm ngày thành lập trường đại học Bách khoa.Tất cả đều mang một nôi dung ca ngợi nhóm GK 1,Đại học Bách khoa đã thành công trong việc nghiên cứu thủy lôi mà kết quả là đã phá được hàng ngàn thủy lôi của Mỹ.Qua đó nhiều người ngộ nhận rằng nhờ có công trình nghiên cứu của các anh mới phá được thế bao vây phong tỏa bằng thủy lôi của đế quốc Mỹ.Tôi đã theo dõi một thời gian dài từ đó đến nay xem các anh có phát biểu một ý kiến nào để cải chính hoặc ít ra là “ nói lại cho rõ “ hay không nhưng tôi đã thất vọng vì không nghe được,đọc được một lời nào như thế và mặc nhiên dư luận quần chúng ,kể cả trong ngành Đường Biển cũng có người cho rằng thành tích phá lôi là của nhóm ông Vũ đình Cự.

Là người lãnh đạo trực tiếp ngành Đường Biển trong thời gian chiến tranh,tôi hàng ngày hàng giờ phải đối mặt với nhiệm vụ chống phá thủy lôi ,tôi vẫn nhớ rất rõ từng bước các anh đến với công trình này như thế nào.Tôi thấy cần phải nhắc lại để các anh rõ.

Giữa năm 1972,ông Kha ,Vụ trưởng Vụ KHKT Bộ GTVT đến gặp tôi chuyển lời xin phép của nhóm của anh được đến Cục tôi tham gia nghiên cứu về thủy lôi.Ông Kha còn cho tôi biết các anh đã đến Bộ Quốc Phòng đặt vấn đề nhưng không được tiếp.Đại úy hải quân Nguyễn Khoái cho tôi biết các anh cũng đã đến hải quân và bị từ chối.Nể ông Bộ trưởng Tạ Quang Bửu và thông cảm các anh đi lại vất vả tôi đồng ý cho phép các anh được nghiên cứu (có lời cảm tạ trích kèm theo) .Lúc ấy tôi cũng có nói rõ là việc phá thủy lôi chúng tôi đã làm thành công từ năm 1967-1968,hiện nay (giữa năm 1972) được sự giúp đỡ của hải quân và qua thể nghiệm bản thân chúng tôi đã nắm chắc vũ khí địch và đang thiết kế phương tiện phá nổ hàng loạt,việc tham gia nghiên cứu của các anh thực ra không cần thiết ,tôi để các anh nghiên cứu để đi sát với thực tế sản xuất chiến đấu,nắm vấn đề sau này để dạy lại cho con cháu.Những cái tên như GK1,GK2,GK 3 chỉ được các anh và ông Kha đặt ra sau khi được tôi cho phép nghiên cứu (việc đặt tên này tôi cũng không biết).Hoàn toàn không có chuyện Bộ Chính Trị ra chỉ thị thành lập tổ nghiên cứu thủy lôi mang tên GK1 do TS Vũ Đình Cự phụ trách.

Sau khi được tôi cho phép nghiên cứu ,từ tháng 8 năm 1972,các anh mới cử người xuống Hải Phòng mượn dần dần các bộ phận của thủy lôi về nghiên cứu.Người thường được cử đi làm công việc này là anh Nguyển Nguyên Phong còn ký nhận với chúng tôi nhiều văn bản mượn hiện vật mà dến nay đều không trả .Đến ngày 14/02/1973 ,nghĩa là sau khi chiến tranh kết thúc trên miền Bắc,còn mượn một đầu nổ MK-42,model 0 về nghiên cứu .Tháng 9 năm 1972 ,tổ GK của các anh mới mang xuống đường biển văn bản Nguyên lý làm việc và một số tính năng cơ bản của bom nổ chậm từ tính MK-42,model 3,vài tài liệu nghiên cứu về màng mỏng từ tính của MK-52.

Tôi cũng nhắc để các anh nhớ về quá trình côn tác nghiên cứu rà phá thủy lôi ở Đường Biển đã diễn ra như thế nào

Năm 1967,đã thành lập tổ nghiên cứu (lúc đầu có thành phần của hải quân tham gia ).Được sự giúp đỡ ban đầu rất tích cực của Hải quân,đầu năm 1968 thiết bị ĐB/67-3 của đường biển nghiên cứu chế tạo đã phá thủy lôi nổ hàng loạt ở Ninh Giang và cửa Lạch Giang,từ đó đóng vai trò chủ lực trong việc rà quét thủy lôi ,giải phóng các luồng lạch và bến phà khu IV.

Năm 1972,ngày 8 tháng 7,Cục đường biển đã đăng ký đề tài chế tạo thiết bị ĐB/72-1 có khả năng phá các loại thủy lôi từ trường ở độ sâu 10-15 m với khoảng cách an toàn là 30m,lúc này nhờ sự hỗ trợ của Hải Quân cộng với sự nghiên cứu,thể nghiệm của tổ nghiên cứu của chúng tôi ,cộng với những sự hiểu biết mới về những thủy lôi địch mới thả trên luồng Nam Triệu và kinh nghiệm thực tế khi rà quét ,Đường biển đã có hiểu biết về vũ khí địch đến mức đủ để chế tạo thiết bị rà phá hiệu quả cao.Ngày 7 tháng 8 năm 1972,Cục Đường Biển đăng ký tiếp đề tài chế tạo thiết bị ĐB/72/3 có khả năng phá các thủy lôi ở độ sâu 20-30 mét với khoảng cách an toàn 50 mét.Ngày 1/09/1972 ,Bộ Giao Thông Vận Tải duyệt cấp kinh phí nghiên cứu cho đề tài này và chúng tôi bắt tay vào thiết kế chế tạo.Như vậy,thiết bị ĐB-72-3,thiết bị chủ lực đóng vai trò quyết định trong việc rà phá thủy lôi năm 1972 không phải đựa vào những kết quả nghiên cứu của các anh.Mặt khác,trong khi thiết bị ĐB-72-3 chưa chế tạo xong thì Đường Biển đã có một hạm đội 13 chiếc với những thiết bị cũ chế tạo từ năm 1967 lăn lộn phá thủy lôi trên các luồng lạch rất có hiệu quả.

Một thực tế không thể bác bỏ là Mỹ thả thủy lôi để bao vây phong tỏa mọi hoạt động của Đường Biển,Đường Biển với sự giúp đỡ của Hải Quân ,bằng nội lực của mình,đã kiên trì tiến hành công việc nghiên cứu ,rà phá thủy lôi rất thành công,phá âm mưu bao vây phong tỏa của địch.

Về sau này các anh có mang xuống thiết bị làm nhiễu.Thiết bị này hoạt động tốt với điều kiện đặt trên miệng hố bom.Điều kiện ấy tất nhiên không phù hợp với đường biển nên không thể áp dụng. Sau hiệp định Paris ,các anh lại chế tạo thiết bị phát hiện thủy lôi còn sót lại có dạng răng bừa ,đem sử dụng thử cũng không thích hợp và kém hiệu quả hơn thiết bị thăm dò thủy lôi nằm sâu dưới bùn của tiến sĩ Hàn Đức Kim (lúc đó thuộc Bộ Cơ khí luyện kim) .(Anh Hàn Đức Kim cho tới nay không hề có một lời phát biểu nào nhắc đến công lao của mình)

Tôi muốn nói đến một số việc làm của các anh mà xem ra còn cần phải bàn cãi:
Ngày 9-10-1972 ,Đường Biển cử đồng chí Thái Phong,đội trưởng đội phá lôi lên Hà Nội mang theo toàn bộ linh kiện quả thủy lôi MK-52 và đầu nổ MK-42 thuyết minh và hướng dẫn cho các anh về mọi tính năng hoạt động của hai loại lôi này cũng như những việc Đường Biển đã làm để phá hai loại thủy lôi đó.Tiếc rằng sau đó khi đồng chí Thái Phong đã về Hải Phòng thì ông Kha và anh (Vũ Đình Cự) lại tổ chức một buổi thuyết trình với lãnh đạo Đảng và Nhà Nước về hai loại thủy lôi nói trên .Trong buổi đó,đồng chí Phan Trọng Tuệ đã phải phát biểu :” Tại sao lại không có Đường Biển ở đây?”.
Các anh có nói đến việc thiết kế làm nhiễu của các anh được sử dụng cho việc bảo vệ Si-ha-núc trên đường Hồ Chí Minh.Tôi đã gặp đại tá Lê Đình Xum ở binh đoàn 559,ông ấy nói rằng không hề có việc đó.

Những năm tháng gần đây,các tài liệu nói về vấn đề này chỉ nhắc đến nhóm GK 1.Cái tên GK 2,GK3 do các anh đặt ra nhưng các anh không quên GK3 là những người đã chỉ dẫn cho các anh những hiểu biết ban đầu về thủy lôi,tạo điều kiện cho các anh nghiên cứu mà không được nhắc đến thì có trái với truyền thống “tôn sư trọng đạo” hay không ?

Qua những sự việc ấy,tôi thấy phải đặt vấn đề xem động cơ làm việc của các anh có trong sáng hay không.Mặt khác với tư cách là người đã giúp đỡ anh tôi có quyền hỏi xem anh đã đóng góp được gì cho đất nước.Tôi cũng đã theo dõi quá trình làm việc của anh trên cương vị Phó chủ tịch quốc hội và băn khoăn về một số lời nói ,việc làm của anh như lời phát biểu về đường dây 500kV.

Tôi muốn nói riêng về việc xét và trao giải thuởng Hồ Chí Minh:
Năm 1985 có dự kiến về xét tặng giải thưởng cho công trình.Tôi và đồng chí Nguyễn Bá Phát,tư lệnh Hải quân đã trao đổi và nhất trí với nhau:”Đó là thành tựu của Hải Quân và Đường Biển và cần phải tổng kết,chưa tổng kết chưa nên xét thưởng”.11 năm sau ,giải thưởng được xét một cách vội vàng,có đơn vị không có công lao cũng đưa vào danh sách nên đã xin rút ,nội bộ Bộ GTVT phải làm một việc chọn đơn vị nào để thay thế nhưng rồi cũng không thỏa đáng.Phải chăng với cương vị của anh lúc đó,anh đã thao túng việc xét duyệt giải thưởng này làm cho nó mất một phần ý nghĩa.

Hôm nay tôi phải gửi bức thư ngỏ này là bất đắc dĩ vì sự việc cứ chìm dần vào quên lãng .Nhiều người tưởng rằng tặng giải thưởng Hồ Chí Minh là xong nhưng chúng tôi còn mắc nợ với các liệt sĩ,thương binh và bao nhiêu cán bộ,chiến sĩ lăn lộn trên mặt trận phá lôi,không quản hy sinh xương máu đến nay thương tật,bện htật đầy mình ma chưa được đánh giá cho xứng đáng .Với tư cách người phụ trách,động viên anh em phấn đấu hy sinh trong những ngày gian khổ ấy,tôi sợ rằng đến lúc nhắm mắt xuôi tay vẫn còn mắc nợ anh em.
Vài lời tâm huyết để anh suy nghĩ

LÊ VĂN KỲ

Nguyên ủy viên Ban Điều hòa vận tải trung ương,phụ trách khu vực Hải Phòng,Quảng Ninh
Nguyên ủy viên Ban chống phong tỏa thủy lôi
Nguyên Cục trưởng Cục vận tải đường biển những năm chống Mỹ
Lão thành cách mạng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét