Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 21 tháng 12, 2009

Bom ,mìn, thủy lôi… là công việc quân sự,tưởng chừng không có liên quan gì tới vận tải biển.Nhưng,trên thực tế không phải như vậy.Trong suốt ba năm qua,với mục đích tìm hiểu lịch sử ngành vận tải biển trong thập niên 60,70,trong những câu chuyện của các thuyền trưởng,máy trưởng,các lãnh đạo ngành …,có một chữ được nhắc đi nhắc lại tới hàng nghìn lần ,đó chính là từ “thủy lôi” khiến tôi phải quan tâm tới cái vũ khí chết người này và tự mình bị lâm vào một tình thế khó xử,đó là phải tự trả lời câu hỏi :ai là người đã dẹp thủy lôi để cho các con tàu tiến lên được,chính những người đường biển và hải quân đã làm việc này hay có sự mở đường của các nhà khoa học như nhiểu trang web đã viết như vậy ?.Công việc dò tìm sự thật đã khiến tôi phải đọc hai bài báo có tính chất “phản biện” gay gắt với nhau về giáo sư tiến sĩ Vũ đình Cự ,”nhà khoa học của thủy lôi” :một là bài báo của phóng viên Hà Hồng trên báo Nhân Dân ngày 21/04/2005 (và cả của Hàm Châu,một nhà báo chuyên viết về các nhà khoa học) và một loạt ba bài trả lời của tác giả Phi Đăng.Là người theo dõi các buổi tổng kết của đường biển trong ba năm qua,xin được nói vài lời về Phi Đăng.Anh là đại tá hải quân,người được Bộ Tư Lệnh đặc trách cử sang giúp Đường Biển có khái niệm về quân sự,bom mìn,thủy lôi ngay từ những ngày đầu tiên chống chiến tranh phá hoại vào năm 1967.Từ đó,cuộc đời anh gắn chặt với các hoạt động bảo đảm giao thông thời chiến.Nay,Phi Đăng đã về hưu và sống tại Quận 7 thành phố Hồ Chí Minh.Các bài báo này,anh đã trực tiếp gửi tới Tổng Biên tập báo Nhân Dân năm 2005 và chúng tôi đã xin phép khi đưa lên blog này

NHỮNG TRẬN ĐÁNH XUẤT SẮC
NHỮNG GƯƠNG CHIẾN ĐẤU DŨNG CẢM
“ĐỘI ĐẶC NHIỆM GK-1”

Tháng 5-1972, đế quốc Mỹ phong tỏa cảng Hải Phòng và vùng biển miền Bắc, tuyên bố áp dụng biện pháp “cắt đứt giao thông đến mức tối đa”, nhằm gây áp lực với ta tại Hội nghị Pa-ri. Tạp chí Thời báo của Mỹ ra ngày 22-5-1972, nhận định: “Ném bom với quy mô và mức độ tàn bạo nhất từ trước tới nay cũng như thả mìn phong tỏa hải cảng và bờ biển là hành động vừa quá ư mạo hiểm vừa quá ư bất lực”. Bộ đội, dân quân và các nhà khoa học đã vô hiệu hóa việc thả mìn phong tỏa hải cảng và bờ biển miền Bắc.

Rà phá thủy lôi từ tính và bom từ trường trên sông, biển và đất liền là công việc rất khó khăn. Từ năm 1967, Mỹ đã dùng loại vũ khí nguy hiểm nói trên để đánh phá giao thông trên biển, lúc đó bộ đội ta chưa có nhiều kinh nghiệm. Các bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố đã có nhiều hội nghị liên tịch với các ngành giao thông vận tải, Cục Đường biển, Bộ đội Hải quân... bàn cách chống địch phong tỏa đường biển. Các cơ quan nghiên cứu của Bộ Tư lệnh Công binh, Quân chủng Hải quân, cùng các cơ quan dân sự tập trung lực lượng nghiên cứu các biện pháp phá gỡ mìn và thủy lôi. Sau ngày Mỹ phong tỏa cảng Hải Phòng và vùng biển miền Bắc, ngoài các lực lượng nói trên, Đảng và Nhà nước còn huy động thêm lực lượng các nhà khoa học tham gia nghiên cứu cách rà phá thủy lôi từ tính và bom từ trường. Đội đặc nhiệm GK-1 ra đời trong bối cảnh đó.
Để hiểu kỹ hơn công việc của đội đặc nhiệm GK-1, chúng tôi tìm gặp Giáo sư - Tiến sĩ (GS.TS) Vũ Đình Cự, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội. Ông chính là đội trưởng GK-1. GS. Vũ Đình Cự kể: “Vào cuối tháng 5-1972, sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học ở Liên Xô trước đây về công tác tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, tôi được Bộ trưởng Đại học lúc đó là đồng chí Tạ Quang Bửu cho mời lên giao nhiệm vụ. Bộ trưởng đã quyết định thành lập một đội đặc nhiệm gồm mười nhà khoa học do tôi làm đội trưởng, phối hợp các đơn vị của Bộ Giao thông vận tải để nghiên cứu thủy lôi từ tính và bom từ trường (MK-52, MK-42). Đội đặc nhiệm mang tên GK-1 (G - viết tắt cụm từ Giao thông vận tải. K - viết tắt cụm từ Trường Đại học Bách khoa Hà Nội), có nhiệm vụ: Nghiên cứu cơ bản về loại vũ khí thông minh này; xây dựng hệ thống đo lường chính xác, tìm ra thông số kỹ thuật của thủy lôi, bom từ trường; cung cấp các tư liệu, thiết kế các thiết bị rà phá chuyển cho các đơn vị của Bộ Giao thông vận tải và bộ đội Công binh chế tạo. GK-1 được ưu tiên cung cấp những thiết bị tốt nhất của trường lúc đó như máy dao động kỳ để đo tần số và bố trí một phòng thí nghiệm tại khu nhà A của trường.
Làm thế nào có thủy lôi từ tính, bom từ trường để nghiên cứu? Công việc không đơn giản và cũng thật sự nguy hiểm. Sau khi được dân quân địa phương báo tọa độ có thủy lôi, nhóm đặc biệt của tổ bảo đảm hàng hải (Bộ Giao thông vận tải) vào cuộc. Mỗi lần các anh đi tìm thủy lôi là mỗi lần đơn vị tổ chức buổi chia tay đặc biệt. Các anh để lại kỷ vật, thư viết cho người thân... Đến bãi có thủy lôi chỉ mang theo một chiếc clê bằng nhôm. Để giảm tối đa thương vong, chỉ một người tiếp cận thủy lôi, sau đó có báo cáo với người chỉ huy qua lời nói, người này truyền cho người kia. Với tinh thần dũng cảm, kinh nghiệm tháo gỡ bom mìn, các anh đã chuyển được thủy lôi từ tính, bom từ trường về cho đội đặc nhiệm nghiên cứu, sau khi đã tháo hết thuốc nổ.
GS.TS Vũ Đình Cự kể về những ngày tháng hào hùng đó cho chúng tôi một cách chi tiết, cụ thể, y như sự việc mới diễn ra hôm qua. Vừa đưa xem đầu điện khai nổ bom từ trường M-42 (kỷ vật mà GS còn giữ lại được sau 33 năm), giáo sư vừa kể cho chúng tôi nghe việc nghiên cứu cơ chế hoạt động của bom, mìn. Một kỷ niệm làm giáo sư nhớ nhất là để tìm hiểu cấu tạo của đầu điện khai nổ chỉ có phương án duy nhất lúc đó là phải cưa bom, mìn, để xem cấu tạo như thế nào. Đây là việc làm nguy hiểm vì trong đầu điện khai nổ này còn một lượng thuốc nổ khoảng 250 gam. Trong đội đặc nhiệm có GS.TS Bùi Minh Tiêu là người cao tuổi nhất. Anh nói với cánh trẻ chúng tôi: Các cậu để mình cưa cho, ngộ nhỡ có làm sao thì... các cậu còn trẻ cần phải tiếp tục công việc. Tất nhiên là chúng tôi không chịu nhường “ông già”. Cuối cùng cả nhóm thống nhất phương án: ba người thay phiên nhau cưa. May sao mọi việc diễn ra suôn sẻ. Hơn 30 năm đã qua nhưng giáo sư Vũ Đình Cự còn giữ lại được những bản vẽ mạch lô-gic trên tờ giấy đã úa vàng, mô tả lại toàn bộ cơ chế hoạt động của thủy lôi, bom từ trường. Những bản vẽ này là kết quả của hơn hai tháng tiến hành “phẫu thuật” các loại bom từ trường, thủy lôi...
Sau hai tháng nghiên cứu (từ tháng 5 đến tháng 7-1972) đội đặc nhiệm đã có báo cáo gửi cho Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, đơn vị Công binh về chế độ gây nổ của từng loại bom, về sơ đồ thiết kế để các đơn vị quốc phòng, giao thông vận tải thiết kế, chế tạo các thiết bị rà phá bom mìn. Theo các nhà khoa học trong đội đặc nhiệm: các loại bom này được cài đặt các chương trình nhận biết tàu đặc chủng của đối phương sau đó bộ phận kích nổ làm việc cho thủy lôi nổ. Có những thủy lôi chỉ nổ khi có tàu tải trọng lớn đi qua, hoặc chỉ nổ khi có tàu thứ ba đi qua chứ không phải tàu thứ nhất. Có những loại nổ bất chợt, hay không theo quy luật, hòng gây tâm lý cho người điều khiển phương tiện thủy. Giới chóp bu của Lầu Năm Góc rêu rao rằng loại thủy lôi chúng thả ở cảng Hải Phòng có thể kích nổ từ vệ tinh. Bằng các thí nghiệm cụ thể các nhà khoa học trong đội đặc nhiệm GK-1 đã chứng minh được rằng thủy lôi không thể kích nổ được từ vệ tinh, đó chỉ là đòn chiến tranh tâm lý. Trong phòng thí nghiệm, nhóm đặc nhiệm đã nghiên cứu thành công các loại thiết bị gây từ trường giả làm cho bom tưởng là có tàu đi qua, phát nổ; thiết kế được máy đo từ trường độ chính xác cao (1/1000 oxtedt) từ trường. Điều đáng nhớ là chiếc máy đó được tạo ra bằng một chương trình phần mềm do chính các nhà khoa học nhóm GK-1 viết để chạy trên máy tính Min-xcơ 32 của Liên Xô.
Cùng với các tài liệu thiết kế của nhóm đặc nhiệm, các đơn vị có liên quan của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tư lệnh Công binh, bộ đội địa phương, dân quân du kích đã có những cách phá thủy lôi sáng tạo, đạt hiệu quả cao.
Thi hành điều khoản về phá gỡ mìn và thủy lôi được quy định trong Hiệp định Pari, đoàn tàu rà quét bom mìn của Mỹ đã vào khu vực Nam Triệu (Hải Phòng) ngày 5-02-1973... đoàn gồm 20 tàu chở 50 máy bay lên thẳng, tàu tên lửa điều khiển và hơn năm nghìn lính Mỹ thuộc đội đặc nhiệm 78 do Đô đốc Mắc Cao-ly chỉ huy. Phương tiện rà phá mìn của Mỹ sử dụng gồm có tàu quét lôi MSO (để quét thủy lôi âm thanh), cuộn từ MK-105 kéo trên mặt biển bằng máy bay lên thẳng CH-53 (để quét thủy lôi từ tính). Phương tiện tuy hiện đại, lực lượng tuy đông nhưng từ ngày 6-3 đến ngày 18-7-1973 chúng chỉ gây nổ được ba quả ở luồng Nam Triệu và tuyên bố hoàn thành nhiệm vụ. Trong đợt rà phá này, phía Mỹ đã bị rơi hai máy bay lên thẳng, một phi công tử nạn. Trong khi đó các thiết bị gây nổ do GK-1 phối hợp Bộ Giao thông vận tải chế tạo, đưa đi rà phá trên biển (từ tháng 7-1972 đến tháng 2-1973) không ai bị thương vong.
Ghi nhận thành tích của bộ đội, các đơn vị dân sự, các nhà khoa học, vào dịp kỷ niệm mừng Quốc khánh 2-9-1996, Đảng và Nhà nước đã trao tặng phần thưởng cao quý: Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt một cho: Viện Kỹ thuật quân sự, Bộ Tư lệnh Công binh, Bộ Tư lệnh Hải quân, Viện Kỹ thuật (Bộ Giao thông vận tải), các cục: Đường bộ, Đường sông, Đường biển, Cảng Hải Phòng, Ty Bảo đảm Hàng hải và Đội đặc nhiệm GK-1 (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội), vì đã có thành tích phá thủy lôi từ tính và bom từ trường bảo đảm giao thông thời kỳ 1967-1972. GS.TS Vũ Đình Cự và nhiều thành viên khác trong Đội đặc nhiệm GK-1 được thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì.
Chiến tranh đã lùi xa, các nhà khoa học và công nghệ đang đóng góp công sức của mình cho thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH. Từ các bài học trong chiến tranh, làm thế nào để phát huy trí tuệ của lực lượng trí thức?
Trả lời câu hỏi này của chúng tôi. GS.TS Vũ Đình Cự cho biết: Hiện nay, hoạt động khoa học và công nghệ ngày càng đóng vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tôi mong muốn các cấp có thẩm quyền cần xây dựng một số chương trình đề tài quan trọng của đất nước, sau đó giao đích danh cho cá nhân hoặc tập thể các nhà khoa học thực hiện, tạo mọi điều kiện tốt nhất mà Nhà nước có thể đáp ứng được. Có như vậy mới làm “ra tấm, ra miếng” những vấn đề cụ thể, trong từng ngành, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

HÀ HỒNG


Một vài ý kiến nhân đọc bài:
NHỮNG TRẬN ĐÁNH XUẤT SẮC
NHỮNG GƯƠNG CHIẾN ĐẤU DŨNG CẢM
“ĐỘI ĐẶC NHIỆM GK-1”

(Đăng trên báo Nhân Dân ngày 21-4-2005)
Tác giả: Bài và ảnh: HÀ HỒNG

Nhân được đọc bài báo trên do GS.TS Vũ Đình Cự kể, nhà báo Hà Hồng biên tập, tôi xin phép được nêu một số vấn đề giúp bạn đọc quan tâm tham khảo.
Xin phép GS.TS Vũ Đình Cự cho biết: “Đội đặc nhiệm GK-1” do ông làm đội trưởng được thành lập theo quyết định nào, ai ký và ký vào thời gian nào?
“Đội đặc nhiệm GK-1” do giáo sư làm đội trưởng và 9 nhà khoa học gồm những ai?
Giáo sư có thể kể cụ thể một số trận đánh xuất sắc và các gương chiến đấu dũng cảm của “Đội đặc nhiệm GK-1” cho chúng tôi học tập được không?
Chúng tôi là những người được Bộ trưởng GTVT Phan Trọng Tuệ giao nhiệm vụ theo dõi công tác bảo đảm giao thông thời chiến, bao gồm công tác chống phong tỏa còn sống đến ngày nay chưa hề nhận được bản thiết kế các thiết bị rả phá của GK-1. Ông có thể công bố các bản thiết kế thiết bị rà phá đã chuyển cho các đơn vị GTVT và Công binh để chế tạo. Vì đây là bằng chứng nói lên sự thật.
Cũng nhân bài này, chúng tôi muốn nhắc lại cuộc trưng bày hiện vật gồm quả thủy lôi MK-52, một số hiện vật và đề tài Nghiên cứu Entracen của GH-1 (Giao thông và Đại học Tổng hợp) về tính khúc xạ của tia LASER trong màn khói đậm đặc của bột cao su. Cuộc trưng bày này có mời Bộ Chính trị và các đồng chí Trung ương, các nhà khoa học như Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa... đến tham quan. Sau khi cuộc trưng bày kết thúc, Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ hỏi chúng tôi: “Sao tôi không thấy Hải quân và Đường biển lên dự?”. Chúng tôi trả lời: “Không được mời nên các đồng chí không lên”.
Nhà vật lý chất rắn mới về được vài tháng đứng ra thuyết minh về thủy lôi trong khi những kỹ sư về thủy lôi được đào tạo chính quy ở nước ngoài về và những người trực tiếp tháo gỡ thủy lôi mang lên Hà Nội thì không hề hay biết gì về cuộc trưng bày này.
Đầu nổ MK-42 chúng tôi đưa lên để nghiên cứu thì ông Cự giữ lại làm “kỷ vật”! Đây là tài sản của Quốc gia, Quốc phòng phải đổi bằng xương máu mới có được, tại sao biến thành “kỷ vật”?
Chúng ta làm công tác khoa học cần phải trung thực và khiêm tốn! Ngành khoa học nào cũng có những chuyên sâu riêng của nó, nhất là vũ khí chiến lược. Ông Vũ Đình Cự về nước tháng 5-1972 thì đến năm 1973 cuộc chiến chống phong tỏa đã kết thúc. Vậy mà sau 2 tháng (5/1972) ông về nước đến (7/1972) “Đội đặc nhiệm của ông đã có báo cáo gửi Bộ GTVT và Bộ Quốc phòng về các chế độ gây nổ của từng loại bom, mìn..., vẽ sơ đồ thiết kế để các đơn vị Giao thông vận tải và Quốc phòng chế tạo rà phá bom mìn...”. Thật là một kỳ tích! Vì ở đây không thấy đề cập đến sự phát triển của những công trình nghiên cứu của các đơn vị, cán bộ chuyên ngành trước.
Ở các làng quê dọc theo các triền sông, ven biển, đài phát thanh, báo chí đã đưa tin có những em bé chăn trâu, các cô gái đi làm ruộng cũng phá được bom, mìn từ trường bằng cách kéo tấm tôn qua bãi mìn cũng làm nổ râm rang. Vậy thì chế độ gây nổ là đơn giản như vậy thôi có gì mà “Đội đặc nhiệm GK-1” phải nghiên cứu. Cái mà chúng tôi hy vọng vào các nhà khoa học là ở chỗ làm sao ngược lại, có nghĩa là không cho nổ mà đưa nó đi đến nơi an toàn, xử lý sau để bảo vệ cầu, tuyến đường sắt, các công trình.
Nhiệm vụ của những chiến sĩ công binh là phải làm như vậy.
Điểm cuối cùng chúng tôi muốn nêu lên là trong bài báo ra ngày 21-4-2005 ông Vũ Đình Cự còn có ý so sánh giữa Đội đặc nhiệm 78 do Đô đốc Mc Cauley chỉ huy với “Đội đặc nhiệm GK-1” do ông làm đội trưởng đã tham gia rà phá trên biển từ tháng 7/1972 đến tháng 2/1973 “không ai bị thương vong”. Còn Đội đặc nhiệm của Đô đốc Mc Cauley thì bị “rơi 2 trực thăng và 1 người tử nạn”.
Những vấn đề GS Vũ Đình Cự đề cập trên báo Nhân Dân ngày 21-4-2005 đã để lại cho những người trực tiếp làm công tác này từ năm 1966 đến 1973 nhiều bức xúc và ngạc nhiên về những ngộ nhận của ông Vũ Đình Cự.
Chúng tôi thấy cần thiết phải tổ chức một cuộc họp gồm các đơn vị có liên quan để xác nhận và đánh giá sự hoạt động và những đóng góp của GK-1 trong công cuộc chống phong tỏa của đế quốc Mỹ.
Còn những vấn đề khác sẽ nói ở Bài 2 có tựa đề: “SẢN PHẨM”.

Ngày 03 tháng 02 năm 2006

Tác giả: PHI ĐĂNG



BÀI 2
SẢN PHẨM

Xã hội loài người tồn tại và phát triển là nhờ có sản phẩm vật chất và sản phẩm tinh thần phát triển không ngừng, từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, thông qua sự lao động bằng cơ bắp và trí óc. Còn một loại sản phẩm đặc biệt nữa được gọi là chất xám.
Sản phẩm chủ yếu:
- Của nông dân là nông sản (lúa gạo).
- Của ngư dân là thủy hải sản (tôm cá).
- Của anh thợ rèn: sản phẩm của những người lao động thủ công chủ yếu bằng cơ bắp (dao, rựa, cuốc, cày...).
- Của thi sĩ là những bài thơ...
- Của văn sĩ là những tác phẩm văn học.
- Của nhạc sĩ là những bản nhạc, bài hát...
- Của họa sĩ là những tác phẩm hội họa...
- Của nhà điêu khắc là những tượng đài...
- Của các nhà khoa học nổi tiếng trong nước gần đây:
+ GS Lương Đình Của: Giống lúa ngắn ngày, cao sản, kháng rầy, chịu hạn...
+ GS.BS Tôn Thất Tùng: Mổ gan không chảy máu...
+ GS.TS Lê Văn Thiêm: Sơ đồ P.E.R.T...
+ Tạ Quang Bửi, Trần Đại Nghĩa, các nhà nghiên cứu chiến lược về khoa học quân sự...
+ BS Phạm Ngọc Thạch: Công trình nghiên cứu bệnh Lao...
+ GS Trần Văn Giàu: Nhà nghiên cứu Sử học...
Vấn đề tôi muốn nói ở đây là người nông dân, đến anh thợ rèn, những văn nghệ sĩ, những nhà khoa học đều có sản phẩm và những sản phẩm của họ đã thực sự đi vào đời sống của nhân dân. Nhắc đến họ ai cũng hiểu họ là Ai, đã cống hiến cho xã hội những sản phẩm gì, tên tuổi của họ gắn liền với những con đường, góc phố trong cả nước, trong lòng nhân dân.
Thời gian là “Quan tòa” vô cùng công minh, đã phán xét một cách khách quan: Ai có danh hiệu mà không có sản phẩm hoặc có sản phẩm nhưng những sản phẩm đó không phải do họ lao động sáng tạo ra. Báo chí trong năm 2005 đã bắt đầu nói về họ. Sự chịu đựng của nhân dân và xã hội cũng chỉ có giới hạn!
Thước đo công bằng nhất là phải lấy sản phẩm ra “cân, đong, đo, đếm”.
Chủ nghĩa xã hội khoa học và văn minh là hướng mọi người đến cái Thiện: có làm có hưởng, làm ít hưởng ít, làm nhiều hưởng nhiều, không làm không hưởng. Tại sao trong những “ngóc ngách” của xã hội hiện nay đâu đó còn có chuyện ngược lại?
Họ mang trong người họ nhiều “Mác”, những cái “Mác” đó được hợp thức hóa và như vậy, hết “ngày dài lại đêm thâu” họ ung dung “ký gửi” trên những lao động của người khác. Không những thế họ được “đằng chân, lân đằng đầu”, họ bắt Nhà nước “cần xây dựng một chương trình đề tài quan trọng của Đất nước, sau đó giao đích danh cho cá nhân hoặc tập thể các nhà “khoa học” thực hiện...”, họ không quên nhắc thêm: “...tạo mọi điều kiện tốt nhất mà Nhà nước có thể đáp ứng được” (Báo Nhân Dân ngày 21-4-2005 có tựa đề: Đội đặc nhiệm GK-1).
Chúng tôi không phân tích và kết luận. Chúng tôi nêu lên những cái trên tờ báo đã đăng để độc giả và xã hội phán xét.
Chúng tôi đã nén và chịu đựng hơn 30 năm rồi (từ ngày Đất nước thống nhất, chiến tranh kết thúc), vì chúng tôi nghĩ “cây kim bỏ trong túi lâu ngày cũng lòi ra”. Vậy mà, sau hơn 30 năm đến ngày 21-4-2005 lại tiếp tục:
“Những trận đánh xuất sắc
Những gương chiến đấu dũng cảm”
“Đội đặc nhiệm GK-1”

Bài 3: Sự thật về hoạt động của GK-1.

Ngày 05 tháng 02 năm 2006

Tác giả: PHI ĐĂNG



BÀI 3

SỰ THẬT VỀ NHỮNG HOẠT ĐỘNG CỦA GK-1

Xin phép trở lại đầu đề của bài đăng trên báo Nhân Dân ngày 21-4-2005 của tác giả Hà Hồng:
“Những trận đánh xuất sắc
Những gương chiến đấu dũng cảm”
“Đội đặc nhiệm GK-1”

Đội đặc nhiệm thường là một tổ chức trong lực lượng vũ trang. Quân đội của các quốc gia để làm nhiệm vụ đặc biệt. Ở nước ta trước năm 1975, lực lượng vũ trang và Quân đội nhân dân Việt Nam không có cái gọi là: “Đội đặc nhiệm”, ngoại trừ “Đội đặc nhiệm GK-1” do ông Vũ Đình Cự làm đội trưởng. Ở Hoa Kỳ có Đội đặc nhiệm 78 đã từng vớt mìn ở vịnh Pecxích và đã vào Việt Nam rà phá bom, mìn, thủy lôi theo những điều khoản của Hiệp định Paris.
Đội đặc nhiệm này có 2 hạm đội: Delta và Bravo gồm tàu tên lửa, khu trục, tàu vớt mìn MSO và hàng chục máy bay trực thăng v.v... do Đô đốc Mc Cauley chỉ huy đã hoạt động ở Vịnh Bắc Bộ từ tháng 3/1973 đến tháng 7/1973. Vậy “Đội đặc nhiệm GK-1” của GS.TS Vũ Đình Cự làm đội trưởng có bao nhiêu quân, bao nhiêu phương tiện, trang bị kỹ thuật... hoạt động ở đâu và phá được bao nhiêu quả bom, mìn?...
Lần này chắc ông Đội trưởng “Đội đặc nhiệm GK-1” phải giải trình trước công luận những vấn đề trên để đáp ứng những mong muốn của bạn đọc và những người đã từng trực tiếp làm nhiệm vụ chống phong tỏa qua 2 giai đoạn 67-68 và 72-73.
Tháng 5/1972 ông Cự về nước sau khi hoàn thành luận văn tốt nghiệp ở Liên Xô cũ về “Vật lý chất rắn”, đến đầu năm 1973 thì cuộc chiến phong tỏa thủy lôi ở miền Bắc chấm dứt. Tháng 02/1973, Đội đặc nhiệm 78 của Đô đốc Mc Cauley vào Vịnh Bắc Bộ vớt mìn. Và như vậy từ ngày ông về nước đến ngày kết thúc phong tỏa vẻn vẹn 9 tháng (chưa kể những tháng ông mới về chưa nhận nhiệm vụ).
Báo chí trước đây đưa tin nhóm GK-1 của ông phá được hàng trăm, hàng ngàn thủy lôi, bom, mìn đã làm chúng tôi sửng sốt, ngạc nhiên, nay lại tiếp tục xuất hiện trên báo chí ngày 21-4-2005:
“Những trận đánh xuất sắc
Những gương chiến đấu dũng cảm”
“Đội đặc nhiệm GK-1”
Tôi là thành viên của GK từ ngày đầu thành lập nhưng chưa bao giờ nghe “Đội đặc nhiệm GK-1” do ông Vũ Đình Cự làm đội trưởng. Sự thật là như vậy. Điều quan trọng hơn là “Đội đặc nhiệm GK-1” đã làm được những gì trong giai đoạn cuộc chiến chống phong tỏa chiến lược của đế quốc Mỹ từ năm 1966-1968 và từ 1972-1973?
Ở Hàn Quốc gần đây cũng có một sự kiện làm rung chuyển trong nước và thế giới về một phát minh giả của GS.TS Hwang Woo-Suk về công trình nghiên cứu tế bào mầm ở Đại học Quốc gia Seoul cùng với 6 cộng sự. Đại học Quốc gia Seoul đã sa thải các vị này và có khả năng họ sẽ ra hầu tòa.
Còn ở ta thì sao!? Một việc có liên quan đến xương máu và sự hy sinh của người khác bị xâm phạm, liệu có nên đưa ra ánh sáng không?

Ngày 20 tháng 4 năm 2006

Tác giả: PHI ĐĂNG

VŨ ĐÌNH CỰ VÀ TỔ GK-1

Cứ mỗi lần đi xe máy theo phố Tạ Quang Bửu - con phố ngoằn ngoèo lượn qua Trường Đại học Bách khoa Hà Nội - Tôi dừng xe giây lát nhìn lại ngôi nhà A. Tôi chợt nhớ về 12 ngày đêm tháng 12-1972. Hà Nội ngút trời khói lửa! Và tôi cảm thấy nên kể lại đôi điều với bạn đọc hôm nay - nhất là các bạn trẻ - về công việc thầm lặng của một nhóm các nhà khoa học trong trường đã góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước...

Chiến dịch xuân - hè 1972 bắt đầu:
Lần đầu tiên xe tăng hạng nặng của ta cùng một lúc xuất kích ở Quảng Trị, Tây Nguyên và Nam Bộ. Pháo lớn dồn dập nã mỗi ngày hàng nghìn, hàng chục nghìn quả vào Dốc Miếu - Cồn Tiên, Đắc Tô - Tân Cảnh, Lộc Ninh - An Lộc. Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” có cơ phá sản! Tổng thống Mỹ Richard Nixon hết sức bối rối, trở nên hung hãn một cách tuyệt vọng...
Tháng 4-1972, ông ta ra lệnh ném bom miền Bắc Việt Nam. Khác với lối đánh của Lyndon Johnson trước kia là “leo thang” từng nấc, từng nấc một, vừa “leo” vừa thăm dò dư luận,Richard Nixon dùng lối đánh phủ đầu. Ngày 14-4, B-52 giội bom trải thảm xuống Vinh. 2 giờ 15 phút sáng 16-4, B-52 đánh cảng Hải Phòng. 9 giờ 30 phút sáng hôm đó, máy bay cường kích chiến thuật đánh thẳng vào Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Chưa đầy một tháng sau, vào lúc 2 giờ sáng ngày 9-5-1972, nhân danh Tổng Tư lệnh các lực lượng quân sự Mỹ, R. Nixon ra lệnh thả thủy lôi phong tỏa tất cả các cảng biển, cửa sông ở miền Bắc Việt Nam. Ông ta không ngần ngại đem dùng cả thủy lôi chiến lược MK-52 để - theo lời ông - “bịt chặt” cảng Hải Phòng, “bóp nghẹt cổ họng” đối phương, chặn đứng sự viện trợ quốc tế! Các tàu Trung Quốc, Liên Xô, Cuba... không thể cập bờ.
Nixon những tưởng đối phương sau một thời gian bị “bóp nghẹt cổ họng”, sẽ kiệt sức dần vì thiếu gạo, thiếu xăng, thiếu vũ khí...
Tướng Phan Trọng Tuệ, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải, liền gặp ngay Giáo sư Tạ Quang Bửu, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, đề nghị Giáo sư biệt phái một số nhà khoa học sang giúp ngành giao thông nhanh chóng nghiên cứu, chế tạo các loại khí tài rà phá thủy lôi từ tính và bom từ trường, để bẻ gãy các gọng kìm phong tỏa của Nixon trên đường biển, đường sông và đường bộ.
Hai tổ nghiên cứu mang mật danh GK-1 và GK-2 được thành lập. G là chữ cái đầu biểu hiện cho từ Giao thông, K là chữ cái đầu biểu hiện cho từ Bách khoa. Tiến sĩ khoa học Vũ Đình Cự được Bộ trưởng Tạ Quang Bửu tin cậy cử làm tổ trưởng tổ GK-1, một tổ nghiên cứu gồm nhiều nhà khoa học cán bộ kỹ thuật của Trường Bách khoa lúc ấy như Bùi Minh Tiêu, Nguyễn Bính, Nguyễn Trọng Quế, Đoàn Đức Thành v.v...
Vũ Đình Cự thuộc thế hệ những nhà khoa học được đào tạo sau Cách mạng tháng Tám. Ông tốt nghiệp cử nhân vật lý năm 1956 tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, bảo vệ luận án tiến sĩ năm 1965, rồi luận án tiến sĩ khoa học năm 1967 tại Trường Lomonosov (Matxcơva) khi mới 30 tuổi. Trở thành nhà vật lý chất rắn đầu ngành ở nước ta, ông giảng dạy ở Khoa Toán - Lý Trường Bách khoa Hà Nội và là người xây dựng nên lý thuyết màng mỏng từ tính nổi tiếng, được nhiều nước - kể cả Mỹ - vận dụng khi chế tạo các bộ nhớ của máy tính điện tử...
Việc đầu tiên của tổ GK-1 là đi tìm hiểu thực tế rà phá thủy lôi. Tiến sĩ khoa học Vũ Đình Cự và một số cán bộ giảng dạy Trường Bách khoa cùng đi với ông Kha, Vụ trưởng Vụ Khoa học - Kỹ thuật Bộ Giao thông - Vận tải, xuống Hải Phòng hỏi chuyện ông Kỳ, Cục trưởng Cục Đường biển, rồi ra thăm bến cảng. Bên Giao thông cho biết: Do chưa nắm được nguyên lý hoạt động của các loại thủy lôi mà Nixon vừa mới thả, cho nên việc rà phá chưa có bài bản, kết quả ít, thương vong nhiều!
Nửa tháng sau, tổ GK-1 trở lại Hải Phòng. Ông Thái Phong ở cảng vừa “bắt sống” được thủy lôi chiến lược MK-52 của Mỹ! Đó là loại thủy lôi đủ sức đánh chìm tàu mười vạn tấn! Công việc cần làm lúc này là “hỏi cung” cái tay “tù binh không biết nói” kia.
Đầu tháng 7 dương lịch, đang giữa mùa hè. Người cởi trần, người mặc may ô, các thành viên tổ GK-1 tiến hành thí nghiệm ở hai phòng khác nhau và liên hệ với nhau qua máy bộ đàm. Máy dao động ký, máy đo từ trường, dụng cụ đo dòng điện, máy phát âm tần, loa phát âm thanh... đều được chở từ Hà Nội xuống. Quả thủy lôi đã được rút hết thuốc nổ, dựng đứng giữa gian phòng. Vây quanh nó là cuộn dây Helmholtz gồm những vòng dây nằm sát sàn nhà và những vòng khác treo lơ lửng ngang tầm cao của quả thủy lôi.
“Đưa lợn về chuồng! Đưa lợn về chuồng!” Câu ấy có nghĩa: Đưa thiết bị phát từ vào thí nghiệm!
Ngòi nổ của quả thủy lôi được thay bằng một bóng đèn. Bao giờ các điều kiện gây nổ được thỏa mãn thì bóng đèn lóe sáng. Từ trường phải có cường độ bao nhiêu? Dạng xung phải như thế nào? Âm thanh có tác động gì không? Tác nhân gây nổ là gì? Lõi cuộn cảm và lõi hình xuyến làm bằng vật liệu gì? Dùng điện xoay chiều có được không?
Tại sao có những đoạn luồng lạch tàu ta chạy qua chạy lại nhiều lần mà chẳng sao cả. Thế rồi bỗng một hôm tàu bị nổ tung đúng ngay buồng lái, thuyền trưởng chết tại chỗ? Tại sao có những chỗ tàu phá thủy lôi rà đi quét lại nhiều lần, chẳng thấy nổ niếc gì, nhưng khi nó vừa dắt tàu chở hàng lướt qua là bị nổ ngay?
Để trả lời cho bao nhiêu câu “tại sao” hóc hiểm đó, cần phải “hỏi cung” thật kỹ tên “tù binh” cỡ bự kia. Tổ GK-1 cố thuyết phục ông Thái Phong vui lòng cho đưa “thằng MK-52” từ cảng Hải Phòng về Trường Bách khoa Hà Nội, nơi có đủ thiết bị thí nghiệm.
Tiến sĩ khoa học Vũ Đình Cự triệu tập cuộc họp tổ, lắng nghe ý kiến mọi người, rồi trình bày giả thuyết hợp lý, và gợi ý cho từng nhóm chuyên đề cần giải quyết dứt điểm những vấn đề gì, cách làm thí nghiệm khảo sát ra sao. Về phần mình, ông nhận trách nhiệm xác định các thông số cho bài toán lý thuyết.
Giữa lúc tổ GK-1 đang tìm cách “trị” thủy lôi chiến lược MK-52, thì các chiến trường nêu thêm một yêu cầu mới: Phải có ngay biện pháp chống các mô-đen mới của thủy lôi chiến thuật MK-42...
Ông Bùi Minh Tiêu vốn là một nhà lãnh đạo quân giới nổi tiếng từ thời chống Pháp, người cộng sự gần gũi của Tướng Trần Đại Nghĩa ở chiến khu Việt Bắc. Nay tham gia tổ GK-1, ông giải quyết thành công một vấn đề then chốt: thiết lập được sơ đồ chức năng của vũ khí địch, tính ra dạng tín hiệu tác động vào nó. Kết quả này được nhóm chuyên đề kỹ thuật tự động sử dụng để thiết kế khí tài phá nổ.
Tổ GK-1 cũng tiến hành hàng loạt thí nghiệm để xác định các tín hiệu bất lợi đối với quả thủy lôi để gây nhiễu, khiến nó không thể hoạt động bình thường. Từ đó thiết kế khí tài gây nhiễu.
Áp dụng công thức của Viện sĩ Lev Landau, Tiến sĩ khoa học Vũ Đình Cự viết Bài toán xác định từ trường của một cuộn dây tròn và dẹt. Tiến sĩ Nguyễn Bính nhận giải bài toán phức tạp đó. Anh tự mình chọn phương pháp giải, viết chương trình tính, xác định các bước giải. Để cho đáp án, máy tính điện tử Minsk-22 lúc bấy giờ đặt trong tòa nhà 39 Trần Hưng Đạo (trụ sở của Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước) đã phải chạy trong vòng 7 giờ 30 phút, làm khoảng 170 triệu phép tính, 2.400 lần cho kết quả, mỗi lần 6 thông số - những số liệu cần thiết cho người sử dụng khí tài phá nổ hoặc gây nhiễu thủy lôi.
Các khí tài được đưa ra thử nghiệm tại hiện trường có tàu bè qua lại y như thật, ở cảng Chùa Vẽ và đảo Cát Hải (Hải Phòng) trước khi được sản xuất hàng loạt cung cấp cho các đội tàu phá thủy lôi ngành giao thông - vận tải.
19 giờ 15 phút tối 18-12-1972, chiến dịch của Mỹ dùng máy bay B-52 ném bom trải thảm Hà Nội, Hải Phòng bắt đầu và kéo dài đến hết đêm 29-12-1972.
Vài con số nhắc ta nhớ lại: mỗi ngày đêm Nixon cho xuất kích 140 lần chiếc “siêu pháo đài bay” B-52, 300 lần chiếc “cánh cụp cánh xòe” F-111, và 500-700 lần chiếc máy bay ném bom chiến thuật. Tổng số bom Mỹ giội xuống Hà Nội, Hải Phòng trong 12 ngày đêm ấy có sức công phá bằng 2 quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hiroshima.
Trường Bách khoa Hà Nội là mục tiêu ném bom của máy bay chiến thuật. Dãy nhà số 19 trúng bom hơi... Tổ GK-1 chuyển vào làm việc trong tầng hầm nhà A, một tòa nhà vững chãi của khu Đông Dương học xã cũ. Anh em bám trụ tại trường, không sơ tán. Nhà trường cho chở đến một xe com-măng-ca bắp cải để anh em luộc ăn dần.
Bộ trưởng Tạ Quang Bửu nhiều lần đến đây dự những cuộc họp của tổ GK-1. Ông ngồi xuống sàn xi măng, viết, vẽ lên mặt sàn những điều đang nghĩ, nêu ra những giả thuyết gợi mở...
7 giờ sáng ngày 30-12-1972, Nixon buộc phải ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra Bắc, khẩn khoản mời ta trở lại cuộc “mật đàm” tại thị trấn Gif-sur-Yvette gần Paris.
Hà Nội, Hải Phòng được ăn một cái Tết hòa bình.
Nhưng nhiệm vụ của tổ GK-1 còn rất nặng nề. Phải mau lẹ chế tạo hàng loạt khí tài để quét nhanh, quét gọn, quét sạch thủy lôi và bom từ trường trên đường biển, đường sông và đường bộ. Một chiến dịch vận tải lớn với quy mô chưa từng có bắt đầu ngay từ trước Tết Quý Sửu - 1973.
Nước nhà vẫn chưa thống nhất...
Ghi nhận công lao thời chống Mỹ cứu nước, năm 1996, Nhà nước ta phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I cho Công trình phá thủy lôi từ tính và bom từ trường , bảo đảm giao thông (1967-1972). Tổ GK-1 là một đơn vị tham gia công trình này, cùng nhiều đơn vị bạn trong quân đội cũng như trong ngành Giao thông - Vận tải.

HÀM CHÂU

Lời bình:Hàm Châu là “nhà báo khoa học” có nghề.Với các thuật ngữ khoa học như cuộn dây Helmholtz,cuộn dây tròn và dẹt,với việc nêu các tên tuổi Lev Landau,Lomonossov,người đọc bình thường thật dễ xúc động và tin là thật !!!



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét